Năm 2007, nhà văn Nguyên Ngọc đã từng đề nghị trên một tạp chí điện tử kêu gọi thanh niên trong cả nước đọc sách. Thế nhưng, lời đề nghị ấy thật khó được đáp ứng...
Câu hỏi đọc hiểu được đưa vào cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh CĐ, ĐH môn ngữ văn từ năm 2014 - 2015 với 2 mục đích rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, từ đó xây dựng thói quen đọc trong học sinh (HS); đánh giá sự hiểu biết về tiếng Việt, về kiến thức ngữ văn nói chung, từ đó ứng dụng vào cuộc sống. Thế nhưng qua 2 kỳ tuyển sinh, kết quả chưa đạt được như mục đích đưa ra.
Theo khảo sát của chúng tôi, ở tất cả các đề thi quốc gia từ năm 2014 đến nay phần đọc hiểu đều giống nhau ở chỗ chỉ dừng lại ở mức hiểu biết, chưa đòi hỏi tính vận dụng ngữ văn. Đó là những câu hỏi lặp đi lặp lại ở một số kiến thức thông thường (như nội dung, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, các phép tu từ...) hoặc quá đơn giản (bố cục ý, thể loại...).
Trong khi đó, đối với câu hỏi này, ngoài yêu cầu nhận biết, thông hiểu còn có yêu cầu vận dụng (thấp), vì vậy nếu không cải thiện câu hỏi có tính ứng dụng này thì chắc chắn phần câu hỏi đọc hiểu sẽ trở nên đơn giản, đơn điệu, chỉ dừng lại ở lý thuyết hiểu biết, chứ chưa xây dựng cho HS kỹ năng vận dụng.
Năm 2007, nhà văn Nguyên Ngọc đã từng đề nghị trên một tạp chí điện tử kêu gọi thanh niên trong cả nước đọc sách. Trong bối cảnh văn hóa đọc xuống cấp thảm hại, nhà văn đề nghị nên vận động từng nhà gây dựng tủ sách gia đình, phát động phong trào trong toàn quốc mỗi người mỗi ngày đọc lấy 20 dòng sách, hoặc mỗi năm đọc lấy một quyển sách. Thế nhưng, lời đề nghị ấy thật khó được đáp ứng.
Thói quen đọc sách chỉ có thể được dễ dàng xây dựng trong đối tượng là HS, sinh viên. Câu hỏi đọc hiểu của đề thi môn ngữ văn chính là một biện pháp, mà thiện ý của Bộ là từ xây dựng kỹ năng đọc đến thói quen đọc sách.
Thế nhưng đáng buồn thay, sau 2 năm tình hình cũng chẳng suy suyển gì. Cứ nhìn vào thực tế thì thấy: thư viện mạng nhện vẫn giăng, hiếm hoi lắm mới thấy trong cặp sách của học trò một vài cuốn sách hay...
Khảo sát của chúng tôi với một số HS bậc THPT thì có hơn 50% số HS chưa bao giờ đặt chân vào nhà sách. Một phần vào nhà sách là để mua SGK, quà lưu niệm chứ không phải để tìm sách. Hơn 80% HS không coi việc đọc sách là hoạt động giải trí. Sách đọc về văn học của họ chỉ dừng lại ở SGK ngữ văn. Nhiều HS cả 3 năm học PTTH nhưng không biết thêm một cuốn sách nào khác do không đọc... Ngay cả với việc sử dụng điện thoại thông minh, HS cũng dễ dàng tìm sách hay trên các trang mạng. Nhưng thực tế khi khảo sát, hầu hết HS chưa biết có sách điện tử do sử dụng điện thoại với mục đích khác. Hậu quả là nhiều HS đọc văn bản một cách khổ sở, đuối sức khi gặp những văn bản dài, khó đọc; dùng từ thiếu lựa chọn, viết câu què cụt, hành văn khô cứng, thiếu xúc cảm...
Để cải thiện tình hình trên, chúng tôi nghĩ cần phải có nhiều biện pháp vừa khuyến khích, vừa bắt buộc HS trong việc đọc sách. Như tổ chức nhiều hơn các cuộc thi thuyết trình về sách, các chuyên đề, ngoại khóa liên quan đến sách và giao lưu gặp gỡ các tác giả. Hay đối với môn ngữ văn, ngoài các văn bản có trong chương trình, cần yêu cầu mỗi HS trong một học kỳ phải có bài thuyết trình bắt buộc về một tác phẩm hay nào đó đã tự đọc. Hoặc thỉnh thoảng nên đưa thêm phần thuyết minh về sách vào phần đọc hiểu của cấu trúc đề thi.
Bình luận (0)