Học sinh được học vượt lớp: Làm gì để ngăn lạm dụng 'xin - cho' ?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
13/05/2020 07:38 GMT+7

Xung quanh việc cho phép học sinh tiểu học được học vượt lớp trong cấp học, phóng viên Thanh Niên đã trao đổi với PGS Chu Cẩm Thơ về tính thực tiễn và khả thi của quy định này.

PGS Chu Cẩm Thơ hiện là Phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục VN) nói về việc học vượt lớp trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học Bộ GD-ĐT

Nên xem xét phạm vi không phải là “lớp” mà là “môn học”

Dự thảo Điều lệ trường tiểu học Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý có nội dung cho phép học sinh (HS) học vượt lớp trong phạm vi cấp tiểu học. Quan điểm của bà về quy định này như thế nào?

Ở tiểu học, các em dễ bị tác động bởi nhận xét của thầy cô, cha mẹ. Các em không nên bị so sánh với nhau nên việc bố trí học vượt dựa trên thành tích dễ gây ra tác động “so sánh”, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các em. Cân bằng điều này là một vấn đề rất khó trong thực tiễn

PGS CHU CẨM THƠ

Trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học của Bộ GD-ĐT ở điều 36, khoản 1, mục e có quy định: “HS có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học”. Việc học vốn dĩ phải phù hợp với năng lực, điều kiện của HS. Trong một lớp học, một môn học sẽ có em nổi trội hơn hoặc chậm hơn so với những em khác. Khuyến khích các em được học một cách phù hợp là việc tốt, tôi ủng hộ điều đó. Tuy nhiên, nên xem xét phạm vi không phải là “lớp” mà là “môn học”. Có nghĩa là, các em có thể được “vượt lớp theo môn học” chứ không phải là một lớp học. Ví dụ, HS lớp 4 có thể học toán với lớp 5 nhưng vẫn học các môn học khác với lớp 4 bình thường.

PGS Chu Cẩm Thơ

Ảnh: Tuyết Mai

Một HS có thể có năng lực vượt trội ở môn học/lĩnh vực này nhưng không vượt trội ở môn học khác. Bên cạnh đó, không nên hiểu “vượt trội” theo kiểu dạy trước chương trình, mà cần quan tâm đến năng lực tiếp nhận kiến thức, kỹ năng của môn học trên khả năng đáp ứng của HS đó.
HS có cần thiết phải học vượt lớp trong cấp học hay không? Việc học vượt lớp, nhất là ở tiểu học có ảnh hưởng gì đến tâm lý lứa tuổi?
Xét trên bình diện tâm lý giáo dục, tôi khuyến nghị chỉ áp dụng việc này cho HS lớp 4 trở lên. Chúng ta cũng cần tính đến ảnh hưởng tâm lý để các em không tự mãn hoặc cảm thấy bị áp lực khi học vượt hoặc tác động tiêu cực đến những HS khác.
Ở tiểu học, các em dễ bị tác động bởi nhận xét của thầy cô, cha mẹ. Các em không nên bị so sánh với nhau nên việc bố trí học vượt dựa trên thành tích dễ gây ra tác động “so sánh”, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các em. Cân bằng điều này là một vấn đề rất khó trong thực tiễn.
Tôi không muốn các em bị cá biệt hóa, bị kỳ vọng quá nên nếu việc học vượt này không phổ biến ở trường học đó thì không nhất thiết thực hiện điều này. Trong dạy học, giáo viên cũng có thể phân hóa trong nội bộ tiết học, lớp học. Do đó, nếu một giáo viên có chuyên môn tốt, họ hoàn toàn có thể giúp HS có năng lực nổi trội đó cơ hội được phát triển phù hợp mà vẫn giúp cho môi trường giáo dục công bằng, nhân văn.

Tránh “tâm lý lợi ích” khi học vượt

Điều lệ trường tiểu học hiện hành cũng đã đưa vào quy định này nhưng lâu nay chưa thực hiện được. Để quy định này đi vào cuộc sống cần phải làm gì, thưa bà?
Để thực hiện được điều này không hề dễ. Thứ nhất, nhà trường cần có bộ phận chuyên môn để đánh giá và tư vấn được “sự vượt trội” của các em. Thứ hai, nhà trường cần có cơ cấu lớp “trội”. Thứ ba, đội ngũ nhân lực phải có đủ chuyên môn để dạy học phát triển năng lực cho các em chứ không phải “trội theo kiến thức, vượt trước chương trình”.

Học sinh tiểu học có thể học vượt lớp trong cấp học

Kế thừa quy định trong Điều lệ trường tiểu học hiện hành, thực hiện luật Giáo dục 2019, dự thảo Điều lệ trường tiểu học Bộ GD-ĐT mới công bố cho phép HS có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.
Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo 3 bước. Thứ nhất, cha mẹ HS có đơn đề nghị với nhà trường. Bước thứ hai, hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn. Cuối cùng, căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định.
Như trên tôi đã nói, nếu có số lượng HS phù hợp để cấu trúc thành một “lớp vượt” thì tâm lý học “vượt” và điều kiện học “vượt” dễ thực hiện hơn. Nên khuyến khích giáo viên dạy phân hóa trong lớp học bình thường. Hơn nữa, cần cân bằng thể chất và tâm lý cho các em. Những hoạt động giáo dục khác cũng cần được quan tâm tổ chức để các em được phát triển bình thường. Điều này đặc biệt cần thiết cho HS tiểu học. Cá nhân tôi là một phụ huynh có con học tiểu học, tôi coi trọng thể chất và tâm lý hơn là kiến thức. Vì vậy, tôi không đánh đổi học vượt nếu việc đó ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tâm lý của con mình.
Theo bà, cần hướng dẫn và giám sát thế nào để không lạm dụng cho HS học vượt lớp và tránh tình trạng xin - cho trong những quyết định liên quan đến vấn đề này?
Từ thực tiễn trường chuyên, lớp chọn hiện nay, chúng ta dễ thấy hiện tượng “lạm dụng” để xin - cho HS được học vượt lớp dễ xảy ra. Phụ huynh cần hiểu rằng để con em mình học sai với năng lực là một điều tệ hại, nó sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển của đứa trẻ. Tuy nhiên, có vẻ rất khó để người lớn hiểu đúng về điều này. Tôi rất muốn chúng ta cởi mở hơn nữa, có biện pháp để cả giáo viên và phụ huynh tôn trọng quyền được học đúng năng lực, sở thích của mỗi HS. Về mặt quản lý, nhà trường cần làm tốt các điều kiện để thực hiện được điều này như tôi đã nói ở trên, và sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Hơn nữa, cần quy định trách nhiệm cho cha mẹ, thầy cô giáo khi họ cố tình làm sai, gây ảnh hưởng đến đứa trẻ. Còn biện pháp phòng chống, chính là làm tốt giáo dục phổ thông, để không có “tâm lý lợi ích” khi học vượt. Đầu tư công bằng cho các trường học, lớp học, cho sự đồng đều của đội ngũ nhà giáo, đồng thời giúp mỗi giáo viên dạy tốt, dạy được phát triển năng lực HS ngay trong lớp học, như thế, quyền lợi của mỗi em được đảm bảo học vượt lớp công bằng, môi trường giáo dục sẽ nhân văn, sẽ giảm những tiêu cực “xin - cho” và giúp mỗi đứa trẻ được thực hiện quyền học tập một cách đầy đủ và tốt nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.