Học sinh kẹt ở các địa phương: Nhiều nơi chưa biết ngày trở về

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
17/09/2021 07:09 GMT+7

Năm học mới đã qua hơn 2 tuần nhưng phương án hỗ trợ học sinh mắc kẹt vì Covid-19 khi về quê nghỉ hè hoặc thăm người thân ở các địa phương mỗi nơi một khác nhau.

Chọn “học nhờ” để con được đến trường

Hơn 3 tuần qua, L. (lớp 2 Trường tiểu học Xuân Đỉnh, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trở thành học sinh (HS) “bất đắc dĩ” của Trường tiểu học ở xã An Đồng (H.Quỳnh Phụ, Thái Bình) do em bị kẹt ở đây khi về thăm ông bà dịp nghỉ hè và chưa thể quay về Hà Nội do dịch Covid-19.
Phụ huynh của L. cho biết dù các trường của Hà Nội đều học trực tuyến nhưng ở Thái Bình đang có may mắn là HS được học trực tiếp nên gia đình đã quyết định xin cho con học tạm ở đây để được đến trường, vui chơi với bè bạn.
“HS lớp 2 nếu phải học trực tuyến thì các con sẽ rất thiệt thòi, vất vả cho cả giáo viên và người kèm cặp”, vị phụ huynh này chia sẻ.
L. là một trong số gần 2.500 HS tỉnh ngoài đã được các cơ sở giáo dục của Thái Bình nhận vào học tạm trong thời gian bị kẹt vì dịch. Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình, cho biết khi nhận được công văn của Bộ GD-ĐT đề nghị tạo điều kiện cho HS học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở triển khai thực hiện nội dung này.
Tương tự, tỉnh Quảng Ninh cũng đang tiếp nhận hơn 100 HS tỉnh ngoài và bố trí cho học tạm tại các trường trên địa bàn trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Ninh Bình có 132 HS ở các địa phương khác chưa về kịp năm học và cũng có hàng chục HS địa phương khác xin học tạm.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường THPT trên địa bàn đang cho học tạm gần 850 HS ở các tỉnh, thành khác chưa thể về nơi thường trú.

Học sinh Thái Bình đến trường học trực tiếp

Sở GD-ĐT Thái Bình

Học sinh Hà Nội ngóng ngày về

Anh T.V đang làm nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng chống dịch ở TP.HCM, có con năm nay vào lớp 1 Trường tiểu học Kim Đồng (Q.Ba Đình, Hà Nội), cho biết cả hai con anh đều kẹt tại Lạng Sơn khi về thăm ông bà. Trường ở Hà Nội đã bắt đầu học trực tuyến mà ông bà đã cao tuổi và không thể kết nối cho cháu học trực tuyến được. Gia đình muốn đưa cháu lớp 1 về học với mẹ kèm cặp nhưng vì Hà Nội đang giãn cách nên đành chịu.
Theo anh T.V, giải pháp tạm thời là đến giờ học của con, mẹ cháu vẫn phải thay mặt con vào “điểm danh”, tham dự giờ học như một HS để nghe cô hướng dẫn, chờ khi con được về sẽ dạy lại nhưng lo lắng nhất là con sẽ không theo kịp các bạn.
Nhiều HS các lớp như lớp 1, lớp 2, lớp 6 đã áp dụng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau không muốn học tạm ở tỉnh bạn còn vì lo sách của mỗi trường khác nhau, khi trở lại Hà Nội sẽ bị vênh về nội dung, tiến độ học tập.
Đáng chú ý, khi được hỏi về số HS Hà Nội đang kẹt lại các địa phương khác và có giải pháp gì đón về không, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết chưa thống kê và không nhất thiết phải về TP mới học được trực tuyến.
Đến thời điểm này, Hà Nội mới chỉ có văn bản ban hành cuối tháng 8 về việc tạo điều kiện cho HS học tập tại nơi cư trú do ảnh hưởng bởi dịch bệnh; chưa có chính sách nào trong việc đón hoặc tạo điều kiện cho HS bị kẹt trở về có thể đi qua các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ vào TP.
Nhiều phụ huynh, HS Hà Nội đang kẹt tại các tỉnh vẫn đang mong ngóng từng ngày Hà Nội nới lỏng giãn cách để về TP học trực tuyến dưới sự kèm cặp của bố mẹ hoặc được đến trường học trực tiếp.

Covid-19 sáng 17.9: Cả nước 651.726 ca nhiễm, 423.551 ca khỏi | TP.HCM lên danh sách hỗ trợ lần 3

Bộ có hướng dẫn việc tiếp nhận học sinh
Ngày 17.8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ ký văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đề nghị chỉ đạo thực hiện tiếp nhận, tạo điều kiện cho các HS có nguyện vọng vào học tập tại trường học nơi HS cư trú trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương xác nhận kết quả rèn luyện và học tập của HS được tiếp nhận để HS quay trở lại trường cũ học tập sau thời gian phòng, chống dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.