Như Thanh Niên đã đưa tin, liên tục thời gian qua, các đội CSGT tại TP.HCM tập trung kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, tình hình học sinh vi phạm giao thông vẫn chưa "hạ nhiệt".
Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, qua đánh giá tình hình cho thấy vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên trên địa bàn TP.HCM có chiều hướng gia tăng. Riêng đợt tăng cường kiểm tra từ ngày 15.12.2022 đến ngày 1.3.2023, CSGT xử lý hơn 240 học sinh, sinh viên vi phạm giao thông. PC08 cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp Sở GD-ĐT, Ban giám hiệu các trường học trong việc quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên... tham gia giao thông đúng luật.
Đa số lỗi vi phạm với các học sinh bị lập biên bản xử lý là chưa đủ tuổi lái xe máy trên 50 phân khối; khi bị kiểm tra không xuất trình được giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe… Nhiều học sinh khi bị phát hiện lỗi vi phạm đã trình bày xe máy này ba mẹ vừa mới mua cho em đi học, "em không biết đi xe này là vi phạm luật giao thông".
Tuy nhiên, PV Thanh Niên cũng ghi nhận không ít trường hợp các em trong đồng phục học sinh không đội mũ bảo hiểm, chở ba, chạy xe phân khối lớn, khi vừa nhác thấy các CSGT lập chốt là vội quay đầu xe phóng chạy, thậm chí lạng lách nguy hiểm giữa dòng xe cộ đông đúc trên đường.
Không thể chấp nhận "còn nhỏ tuổi, chưa hiểu biết"
Câu chuyện học sinh vi phạm khi tham gia giao thông không phải mới, nhưng thời điểm nào xuất hiện trên truyền thông cũng thu hút sự quan tâm của người dân. Bạn đọc (BĐ) Duy Truong nhận xét: "Mấy em học sinh này mặc dù chưa có bằng lái nhưng đã lên xe máy rồi thì chạy rất kinh". Cùng nhận định, BĐ Hoan Nguyen đề nghị: "Phạt mấy vụ này là cần thiết nè, tui thấy không ít học sinh chạy lạng lách đùa giỡn. Mà bằng lái chắc là không có rồi đó, vì xe máy trên 50 phân khối, có em còn đeo khăn quàng đỏ". BĐ Nguyễn Thế Vượng "nhắn nhủ": "Các anh CSGT cứ lập chốt 2 đầu cổng trường học chừng 50 m thôi là phát hiện nhiều lắm".
BĐ Minh Nghĩa cho rằng đã đến lúc xã hội nói chung và gia đình, nhà trường nói riêng cần nghiêm túc bỏ đi lối suy nghĩ "các em còn nhỏ tuổi, chưa hiểu biết" mà lơ là với tình trạng học sinh "vô tư vi phạm giao thông".
Theo PC08, với các vụ phát hiện học sinh vi phạm giao thông, biên bản sẽ được CSGT gửi về trường của học sinh. Chủ phương tiện (người đứng tên trong giấy đăng ký xe) có trách nhiệm đến trụ sở đội xuất trình giấy đăng ký xe và sẽ bị phạt thêm lỗi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện. CSGT cũng sẽ nhắc nhở, phổ biến luật giao thông cho những học sinh vi phạm, đồng thời động viên các em tuyên truyền lại luật giao thông với gia đình, phụ huynh.
Nên phạt ai?
Nhắc để mọi người cùng nhớ đến những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc từng xảy ra liên quan đến các em học sinh, BĐ Van Dong Nguyen băn khoăn: "Tôi thấy nhiều vụ tai nạn do học sinh điều khiển xe máy trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra, cứ nghĩ ngợi không biết các em còn nhỏ vậy thì xử phạt ra sao. Tôi đề nghị gặp những trường hợp tương tự thì cứ phạt nặng phụ huynh giao xe máy không phù hợp cho con em sử dụng". Tán thành đề nghị này, BĐ Long Nguyên nêu: "Học sinh bị phạt mà nói "em không biết" thì phạt luôn nhà trường không phổ biến và nhắc nhở kiến thức pháp luật giao thông. Còn gia đình, cha mẹ không biết con đủ hay không đủ điều kiện lái xe mà cầm tiền đi mua xe tạo điều kiện cho con vi phạm luật giao thông thì phạt luôn cha mẹ".
BĐ Luong1974 bày tỏ: "Tôi mong muốn những người làm cha làm mẹ hãy vì tính mạng của con mình và an toàn xã hội mà hành động quyết liệt, kể cả nhà trường cũng vậy, hãy hành động quyết liệt. Đừng để sự việc đáng tiếc xảy ra rồi thì hối hận cũng đã muộn".
Bình luận (2)
THAM GIA GIAO THÔNG PHẢI BIẾT LUẬT , KHÔNG HIỂU BIẾT LUẬT LỆ KHI THAM GIA GIAO THÔNG SẼ BỊ PHẠT , KIỂM TRA BẰNG LÁI CÁC EM HỌC SINH LÁI XE TRÊN ĐƯỜNG , XEM CÓ ĐỦ TUỔI CHƯA , CÓ BẰNG LÁI CHƯA . PHẠT NẶNG , KHÔNG DU DI CHO QUA .
Học sinh có được tự điều khiển xe đạp, điện, xe máy tham gia giao thông không, không thì phải có phụ huynh, xe đưa đón, còn có dc điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì phải được học luật giao thông mới biết, nhà trường giạy luật giao thông kiểu văn hoá, đạo đức, ở nhà thì dc chỉ tí kỹ năng , nhận thức chung của học sinh là đi bên tay phải, không vượt đèn đỏ, đội mũ bh và nhìn ngó khi qua đường. Hết . Mà đó là lý thuyết, còn thực hành thì phụ huynh chở hs ko mũ bh, vượt đèn đỏ hàng ngày, đó là biết luật mà ko thực hiện, còn sang đường lung tung, ko báo rẽ, lấn làn...thì phụ huynh cũng ko biết luật luôn