Học sinh nên làm gì trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán?

Bích Thanh
Bích Thanh
03/02/2022 08:27 GMT+7

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh nghỉ ngơi, vui chơi nhưng cũng cần giữ nhịp và nuôi dưỡng cảm xúc để trở lại với việc học đầy hứng khởi, hiệu quả.

Học sinh cần giữ nhịp để trở lại học tập một cách hứng khởi

BÍCH THANH

Đó là chia sẻ của giáo viên với học sinh trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM), để giúp học trò giữ nhịp trong và sau kỳ nghỉ tết, thay vì cứ nghĩ đến chất lượng đạt được thì giáo viên nên giữ lửa, giữ tinh thần cho các em.

"Đừng biến kỳ nghỉ tết thành quãng thời gian học tập theo hình thức khác dành cho học sinh. Nhất là trong năm học này khi các em đã quá mệt mỏi sau thời gian dài học tập trực tuyến và vừa trải qua kỳ kiểm tra học kỳ, dẫu nhẹ nhàng nhưng vẫn có những áp lực vô hình nào đó. Như vậy thay vì dùng thời gian nghỉ tết để giao bài tập, giáo viên nên dành thời gian cho các em nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần bằng những hình thức khác", thầy Huy chia sẻ.

Thầy Huy đồng thời lưu ý, kỳ nghỉ tết là thời điểm để nghỉ ngơi sau những vất vả, nhưng học sinh cũng đừng vì vậy mà “vui chơi quá độ” vì tình hình dịch Covid-19 vẫn còn khá nhạy cảm.

"Học sinh cũng nên tranh thủ tự học để rút kinh nghiệm sau kết quả kiểm tra học kỳ, xác định bản thân còn thiếu sót ở đơn vị kiến thức nào nhằm có kế hoạch khắc phục từ học kỳ sau", thầy Huy chia sẻ.

Trong những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ tết, thầy Huy lưu ý học sinh nên hạn chế vui chơi, bắt đầu ngồi vào bàn học, xem lại những đơn vị kiến thức ở học kỳ trước hay ở học kỳ 2. "Các em nên tìm hiểu lại những điều chưa rõ và tự khám phá những kiến thức chưa biết trong sách giáo khoa. Điều này sẽ giúp kích thích sự tò mò và thích thú trong học tập", thầy Huy nói.

Không chỉ có vậy, thầy Huy khuyên học sinh nên đọc sách, xem những nội dung giải trí liên quan đến giá trị truyền thống đón tết vì nhiều em vẫn không hiểu ý nghĩa ngày tết, mà đơn thuần chỉ xem đó là thời gian để được nghỉ ngơi.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.HCM) học trực tiếp

BÍCH THANH

Vui chơi không quên việc học

Với thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7, TP.HCM), kỳ nghỉ tết là dịp để các em vui chơi, đi thăm, chúc tết họ hàng, cùng bạn bè du xuân, vui chơi thoải mái với tâm lý “xõa thả ga” khi được “ra đường” sau những ngày giãn cách xã hội dài hạn phải “ru rú” ở nhà.

"Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, các hoạt động vui chơi có phần bị thu hẹp. Do đó, phụ huynh cũng cần quan tâm đến sức khỏe con cái, nhắc nhở các em luôn tuân thủ 5K, tránh tập trung đông người. Chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi ngày tết cũng cần được chú trọng nên phụ huynh cần nhắc nhở con em mình nhớ ăn uống đúng giờ, không được bỏ bữa, không thức quá khuya (ngủ đủ 7 - 8 giờ)", thầy Thanh lưu ý.

Riêng học sinh lớp 12 sắp sửa bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT nên cần lên kế hoạch học tập và tăng tốc ôn tập sau tết để có thể sẵn sàng cho những kỳ thi quan trọng, theo thầy Thanh.

Cũng theo thầy Thanh, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh cần liên lạc, cập nhật tình hình sức khỏe của học sinh để ngày các em quay trở lại trường học trực tiếp diễn ra một cách an toàn nhất, cùng chung tay xây dựng “Trường học Xanh”, chung sống an toàn với đại dịch Covid-19.

Trong ngày đầu tiên đi học trở lại sau kỳ nghỉ tết, thầy Thanh cho rằng giáo viên nên tâm lý, “bắt sóng” cảm xúc của học sinh, tránh tạo ra áp lực.

"Giáo viên có thể khởi động ngày đầu xuân bằng những hoạt động trò chuyện, chia sẻ và tâm sự những ngày tết, lì xì may mắn, khuyến khích học sinh làm bài tập đúng và chính xác sẽ được thầy cô tặng điểm 10 đầu năm mới. Những lời chúc bình an, những nụ cười đầu xuân mới mà thầy trò dành cho nhau sẽ hứa hẹn một học kỳ khởi sắc, vui tươi và đong đầy cảm xúc", thạc sĩ Thanh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.