Theo nhiều giáo viên, khi học tập vui chơi trong khuôn viên nhà trường, rất hiếm khi học sinh nói tục, chửi bậy. Nhưng khi bước chân ra khỏi cổng trường, nhiều em ngay lập tức trở thành những con người khác.
|
Thầy Nguyễn Quốc Thắng, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng - Đoàn Kết, Q. Hoàng Mai cho biết: “Nói chung các em đều nhận thức nói tục, chửi bậy là những hành vi bị các thầy cô cấm. Vì thế mà các em đã cố gắng nín nhịn khi đang bị kiểm soát".
"Nhưng nếu đã là thói quen được nhiễm từ lâu thì nó ngay lập tức được bung ra khi ở môi trường khác, nhất là những chỗ không ai kiểm soát như ngoài đường. Còn khi ở nhà, các em có nói tục, chửi bậy hay không sẽ tùy thuộc vào văn hóa từng gia đình”, thầy Thắng nhận xét.
Bà chửi cháu, mẹ chửi con
Trao đổi về chuyện này, nhiều phụ huynh thừa nhận, có không ít gia đình đã tạo ra môi trường xấu cho các em.
Anh Tuấn, xóm Mai Phúc, P. Phúc Đồng, Q. Long Biên cho biết, anh có một bà thím nói tục kinh người vì thế mà cháu bà (đang học lớp 1) cũng học theo mà không biết là nói láo. Chị Hoàn, khu H2, ngõ Văn Chương kể: "Hàng xóm nhà tôi có một chị suốt ngày chửi con những câu tục tĩu như: “Đ.M mày”, “Tao đập chết con mẹ mày bây giờ…"”
Không chỉ học ở gia đình, mà trẻ còn dễ dàng bị tiêm nhiễm những thói hư, tật xấu từ xã hội. Nhiều người cho rằng, tình trạng “ô nhiễm văn hóa” phủ khắp mọi ngóc ngách của Thủ đô. Ra đường, ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp những hành vi thiếu văn hóa của người lớn như cứ có va chạm là văng tục, chửi thề…
Chị Lành, một phụ huynh Trường TH Thăng Long, Q. Hoàn Kiếm kể, có lần chị chứng kiến một ông bố trẻ ăn mặc sành điệu, chở con đi học bằng xe SH, vừa xông vào túm cổ áo bác bảo vệ nhà trường, vừa buông ra những lời mạt sát vô văn hóa, trong khi đứa trẻ ngồi dúm dó, sợ sệt trên xe…
“Hiệu ứng lan truyền”
Theo PGS Văn Như Cương, sở dĩ cứ bước chân ra khỏi nhà trường một số em lại trỗi dậy “bản năng” nói tục, chửi bậy là vì hành xử của các em được chi phối bởi môi trường, hoàn cảnh.
“Ở trường, các thầy cô đều có tác phong, lời ăn tiếng nói mô phạm, bạn cùng trường cùng lớp ai cũng nói năng giữ gìn thì tất nhiên, nếu có lời nói không phù hợp nào được bật ra, sẽ trở nên lạc lõng. Trong khi về nhà, các em thấy bố mẹ văng tục, hàng xóm thì chửi bới. Lên facebook thì những bài viết càng tục càng nhận được nhiều còm, nhiều like. Khả năng thích ứng với hoàn cảnh của con người rất cao, nên chẳng có gì lạ khi nhiều học sinh ở trường thì ngoan, ra ngoài thì biến thành con người khác”, PGS Văn Như Cương lý giải.
Thầy Cương cũng cho biết, từ cách đây 2 năm trường Lương Thế Vinh đã đưa ra nội quy cấm học sinh văng tục, chửi bậy trên facebook, kể cả sử dụng những chữ viết tắt có hàm nghĩa chửi thề…
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, những trường hợp nói tục, chửi bậy ở học sinh là hiện tượng “hiệu ứng lan truyền”.
“Dân gian có câu “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Chỉ cần một tín hiệu được phát ra là ngay lập tức các em sẽ có những phản xạ để đáp ứng tức thời nhu cầu nói tục”, thầy Lâm giải thích.
Bình luận (0)