Học sinh ngồi cách nhau 1,5 m khi trở lại trường: Rất khó thực hiện

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
23/04/2020 13:14 GMT+7

Sĩ số học sinh đông, không đủ phòng học, cơ sở vật chất và giáo viên thiếu... nên nếu cho học sinh ngồi cách nhau 1,5 m trong lớp học khi các em quay lại trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều tỉnh thành đã thông báo cuối tháng 4, đầu tháng 5 sẽ cho học sinh quay trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học phòng dịch Covid-19. Trong khi đó, để đảm bảo an toàn cho các em, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn các trường đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi giữa các học sinh, sinh viên tối thiểu 1,5 m để phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều trường cho rằng, rất khó để thực hiện quy chuẩn giãn cách này.

Nếu sĩ số lớp đông trường phải làm sao

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Gia Thành, Hiệu phó Trường THPT Hồng Đức (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho rằng việc giữ khoảng cách cho học sinh 1,5-2 m trong lớp học là rất khó.
“Quy định này là rất tốt, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhưng nếu tính đến chuyện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên triển khai thì rất khó mà thực hiện”, ông Thành nói và lý giải, hiện mỗi phòng học thường rộng từ 60-80 m2, trong khi đó, ít nhất mỗi lớp sẽ có hơn 30 học sinh nên sẽ không đủ diện tích để thực hiện giãn cách theo đúng quy chuẩn này.
Nếu bắt buộc phải thực hiện thì các trường buộc phải tách lớp, nhưng việc này sẽ dẫn tới thiếu phòng học, đặc biệt là sẽ thiếu đội ngũ giáo viên. Mà tuyển thêm giáo viên hay đầu tư mở rộng cơ sở vật chất không thể làm được trong ngày một ngày hai.
“Quy định này tốt nhưng không phù hợp với tình hình thực thế. Như trường tôi, quy chuẩn mỗi lớp chỉ dao động từ 29-30 em đã khó, còn với những trường đông học sinh, sĩ số lớp 40-50 em thì việc thực hiện lại càng khó hơn”, ông Thành nói.
“Hiện trường vẫn đang chờ hướng dẫn thực hiện từ các cấp trên. Cái này là khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, là khó khăn chung của tất cả các trường chứ không riêng gì trường tôi và tôi nghĩ các cơ quan quản lý giáo dục nên có hướng dẫn để các trường thực hiện”, ông Thành nói thêm.
Là trường có học sinh nội trú, ông Hoàng Gia Thành cho biết có thể sẽ lên phương án tách cho học sinh nội trú học riêng để đảm bảo an toàn cho các em. “Trên thực tế học sinh nội trú sẽ có ít nguy cơ lây nhiễm hơn vì các em gần như cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài và được gia đình đón về nhà bằng xe riêng” ông Thành nói và cho biết tỷ lệ học sinh nội trú của trường khá cao.

Chờ hướng dẫn cụ thể từ Sở GD-ĐT

“Bây giờ chúng tôi vẫn đang chờ quyết định, hướng dẫn từ Sở GD-ĐT TP.HCM từ việc cho học sinh đi học lại đến hướng dẫn đón các em như thế nào, giãn cách ra sao chứ việc thực hiện khoảng cách 1,5 m cho học sinh khó lắm. Để làm được điều này phải tách lớp, mà bây giờ tách lớp thì sẽ vướng nhiều vấn đề từ thiếu phòng học đến giáo viên”, ông Vũ Quốc Phong, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (Q.3, TP.HCM) nói.
Ông Phong cho biết, mỗi lớp ở Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm có trên 40 học sinh nên nếu không tách lớp thì không có cách nào đảm bảo được giãn cách theo tiêu chuẩn 1,5 m.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Thống, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Trí Đức (TP.HCM), cũng cho biết trường vẫn đang họp bàn phương án để triển khai quy chuẩn giãn cách (nếu được áp dụng) cho học sinh khi các em trở lại trường. “Nếu có quy định thì chúng tôi sẽ thực hiện theo, tuy nhiên, thực hiện được như thế nào thì phải bàn bạc, tìm phương án đã”, ông Thống chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Sơn, Chủ tịch HĐQT hệ thống Trường THCS, THPT Duy Tân (Q.10, TP.HCM), cho biết trước đó khi chưa có quy định về giãn cách trong phương án đón học sinh quay trở lại, trường đã tính đến việc giữ khoảng cách cho các em.
Trước đây, mỗi lớp học bình thường của trường có khoảng 30 học sinh, mỗi bàn ngồi 2 em. Nhưng nếu học sinh quay lại trong thời gian này thì trường sẽ tách ra cho mỗi học sinh ngồi một bàn.
“Như vậy trường sẽ buộc phải tách lớp và cho học sinh học theo ca. Tách lớp thì rõ ràng giáo viên sẽ vất vả hơn nhiều, họ sẽ phải tăng cường số tiết, số giờ dạy lên nhưng trong hoàn cảnh này thì không còn cách nào khác. Đối với học sinh khối 10, 11, chúng tôi sẽ thông báo đến phụ huynh, nếu các em chưa sẵn sàng thì có thể tiếp tục việc học online để đảm bảo an toàn”, bà Sơn nói.
Ngoài ra, để giảm tải áp lực cho cả giáo viên và học sinh, trong những tuần đầu trường sẽ triển khai dạy trước 8 môn chính, sau đó, khi đã có phương án và điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của trường rồi mới đưa thêm các môn học khác vào.
Trường cũng sẽ yêu cầu học sinh giữ khoảng cách trong những giờ nghỉ giải lao cũng như hạn chế tụ tập sau khi học xong để phòng tránh dịch bệnh Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.