Từ học sinh lớp 5 tới lớp 12 đều dùng ChatGPT để học văn
Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên năm 2 ngành sư phạm tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay khi làm gia sư cho 2 học sinh (HS) lớp 5, bạn bất ngờ một ngày nhận được 2 bài văn gần như "sinh đôi". Cùng miêu tả Phú Quốc, 2 bài văn tả cảnh đẹp na ná nhau từ cấu trúc, diễn đạt, hình ảnh... Hỏi ra mới hay, cả hai đều dùng ChatGPT hỗ trợ.
Cũng dùng AI giúp làm văn, P.H.N, HS lớp 8 Trường THCS Chi Lăng (Q.4, TP.HCM) từng sao chép toàn bộ bài văn tả chuyến tham quan cố đô Huế từ ChatGPT. Lý do là "cô giáo đã yêu cầu tả cảnh ở Huế nhưng trong lớp chưa ai được đến Huế, em không làm được nên đành thú thật với cô là đã dùng ChatGPT làm bài".
Nguyễn Minh Hùng, lớp 12 và là thành viên đội tuyển HS giỏi văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM, thừa nhận có dùng ChatGPT để tìm liên hệ dẫn chứng. "Do cần tìm hiểu nhiều tác phẩm ngoài chương trình, em nhờ ChatGPT tóm tắt những quyển sách dài mà bản thân không có thời gian đọc, ví dụ như Những người khốn khổ của Victor Hugo", nam sinh chia sẻ.
Theo đánh giá của Hùng, ChatGPT có khả năng tóm tắt tác phẩm sâu sắc, sát với nguyên tác, đặc biệt là các tác phẩm nước ngoài vì nó có khả năng tiếp cận nhiều nguồn tài liệu tiếng Anh, tiếng Pháp. Điều này giúp bạn tiếp nhận kiến thức dễ dàng hơn so với việc tra cứu thủ công trên Google.
CHATGPT VIẾT VĂN, GIẢI TOÁN NHƯ THẾ NÀO ?
Để "thử sức" ChatGPT, chúng tôi nhập thử đề kiểm tra giữa kỳ môn ngữ văn của một lớp 10, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM vừa qua "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Kết quả, AI cho chúng tôi bài văn dài 612 chữ trong chưa đầy 10 giây. Bài văn đầy đủ mở, thân, kết với các luận điểm khá chặt chẽ gồm: giải thích khái niệm "lối sống phông bạt", phân tích hậu quả của lối sống này và đề xuất giải pháp từ góc nhìn khách quan và chủ quan.
Tương tự, với môn toán, chúng tôi nhập câu hỏi trong đề kiểm tra toán giữa kỳ 1, lớp 12 Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TP.HCM, nhờ ChatGPT giải thì hiện ra đáp án và hướng dẫn giải bài trong tích tắc. Đây là bài toán thực tế về việc sản xuất sản phẩm thiết bị trường học để đạt lợi nhuận cao nhất, ChatGPT đã nêu từng bước làm: đặt phương trình và tính đạo hàm. Thậm chí, ứng dụng AI này còn giải thích vì sao nên chọn nghiệm là 50 thay vì chọn -16,67.
Song không phải lần nào ChatGPT cũng giải bài đúng. Nguyễn Lê Khôi Việt, lớp 9 Trường THCS Tăng Bạt Hổ, Q.4, kể từng dùng ChatGPT để giải bài tập đọc hiểu nhưng không được điểm. Cụ thể, khi nêu các thao tác lập luận trong một đoạn trích văn bản, ChatGPT đã trả lời là "giải thích, minh họa và so sánh". HS trên chép đáp án của ChatGPT nhưng không đúng vì không có thao tác "minh họa", tên chính xác phải là "chứng minh".
Còn Nguyễn Vũ Hồng Ân, lớp 11A15 Trường THPT Trưng Vương, Q.1 (TP.HCM), nhớ lại có lần bạn điền đáp án theo sự hướng dẫn của ChatGPT, kết quả chưa được 5 điểm môn hóa. "Các câu trả lời từ AI đều có phần giải thích nhưng thông tin bị sai. Thậm chí, cùng một đề nhưng nếu hỏi 2 lần, AI vẫn có thể cho ra 2 đáp án khác nhau", Hồng Ân ví dụ.
Nguyễn Minh Hùng, HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho rằng HS không nên quá phụ thuộc vào công nghệ. "AI chỉ chính xác với các tác phẩm, tác giả, vấn đề phổ biến, quen thuộc. Với những tác phẩm ít được biết đến, AI dễ đưa thông tin sai lệch, vì vậy cần kiểm chứng lại trước khi tiếp nhận", Hùng lý giải.
SỬ DỤNG AI NHƯ "CON DAO HAI LƯỠI"
Dương Duy Khang, sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM, gia sư tại công ty eTeacher, dạy các môn toán, lý, hóa, sinh thừa nhận HS bậc THCS, THPT hiện nay thường xuyên dùng ChatGPT trong quá trình học tập, ôn luyện.
"Khi đi dạy, để kiểm chứng HS tự làm bài hay đã dùng AI, tôi hỏi em đó giải thích cặn kẽ hơn về quá trình giải bài. Vì sao làm bước này; vì sao dùng công thức này mà không phải công thức kia", Khang cho biết kinh nghiệm.
"ChatGPT không phải lúc nào cũng cho ra kết quả đúng. Theo tôi, đây có thể là một công cụ học tập ổn nếu HS nắm được kiến thức, hiểu được cách làm. Hoặc với một số bài giải các môn khoa học tự nhiên, ChatGPT cũng cho HS biết với bài này cần lưu ý thông tin gì, sử dụng công thức nào để quá trình ôn tập được dễ dàng. Tuy nhiên, nếu HS chỉ biết "dán" đề bài, chép kết quả thì lúc này, "con dao hai lưỡi" ChatGPT sẽ làm đau chính HS. HS lệ thuộc vào nó, dần dần lười suy nghĩ, không còn tư duy, sáng tạo được", Duy Khang nhận định.
Nhiều HS cũng cho rằng không nên sa đà, lệ thuộc hoàn toàn vào AI nếu muốn phát triển việc học một cách bền vững hơn. Ngô Gia Huy, lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết em dùng ChatGPT để kiểm tra lại kết quả giải bài tập toán, lý, hóa mà mình đã giải xong. Còn trong trường hợp chưa nghĩ ra cách làm, bạn sẽ yêu cầu ChatGPT giải thích cách làm, từng bước chi tiết.
Tương tự, Trần Hoàng Gia Hân, lớp 11 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, cho hay có thể ứng dụng ChatGPT để học vật lý và hóa học. Theo Hân, ChatGPT cung cấp nền tảng lý thuyết tốt cùng những ví dụ cụ thể. Như khi học bài sóng điện từ, bạn nhờ ChatGPT đưa ví dụ về wifi, GPS, radio... thì được giải đáp cụ thể, nhưng công nghệ này không phù hợp cho bài tập nâng cao vì cách giải khó hiểu và thiếu chính xác.
Một trường hợp khác, Lê Võ Gia Hòa, lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, dùng AI để soạn nội dung thuyết trình các môn lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật. Với nam sinh, AI hỗ trợ bạn lên dàn ý chi tiết, thậm chí có công cụ tạo ra slide thuyết trình bài bản. Tuy nhiên, bạn không dùng slide sẵn từ đó mà chỉ tham khảo nội dung rồi tự thiết kế lại vì sản phẩm từ AI khá máy móc và không ấn tượng.
Anh Thái Thanh Tâm, sinh viên ngành sư phạm khoa học tự nhiên, Trường ĐH Sài Gòn, gia sư tại eTeacher, dạy môn toán cho HS lớp 8 cho rằng ChatGPT có thể hỗ trợ HS trong hệ thống kiến thức lý thuyết các môn học, để HS không mất thời gian tổng hợp, tìm kiếm trên các kênh khác. Tuy nhiên, Tâm yêu cầu HS không xem trước lời giải trên AI trước mỗi bài học mà trước đó, hai thầy trò phải học nắm vững kiến thức. HS giải bài xong, có thể tự kiểm tra lại đáp án trên ChatGPT, mở rộng nhiều cách làm khác nhau, có như vậy, HS mới thật sự có được kiến thức của mình mà không "vay mượn".
"Học trò giỏi, thi đậu các trường tốp, đều không lệ thuộc công nghệ"
Cô Nguyễn Thị Trà My, giáo viên toán, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) đã nghỉ hưu, đang ôn luyện toán cho HS lớp 12 nhận định như vậy.
Cô My dẫn chứng nhiều HS của cô đậu các trường như Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Kinh tế TP.HCM… đều có điểm chung là "có thể lên mạng lấy đề về để tự giải, trao đổi với bạn bè cùng thảo luận, tìm ra nhiều cách giải, chứ không phải nhờ AI giải giùm. GV là người đặt vấn đề để các HS tìm ra hướng giải quyết, gợi ý chìa khóa để gợi mở, chứ không phải là người giải đề giúp". Và mục tiêu của các em này khi tới lớp ôn luyện toán, là cần một cộng đồng để cùng nhau ôn tập, có GV là người định hướng để ôn luyện theo từng giai đoạn, tránh bị sa đà.
Đáng chú ý, cô My cho biết nhiều học trò của cô là HS giỏi toán nhưng có điểm thi ngữ văn tốt nghiệp THPT cao, và đều không nhờ ChatGPT. Cô nói: "Các HS đọc nhiều báo chí, theo dõi tin tức trong nước và quốc tế, khi viết văn, các em biết liên hệ thực tiễn, nêu góc nhìn, quan điểm cá nhân khiến bài văn đó có dấu ấn cá nhân, cảm xúc riêng biệt - điều mà máy móc không thể làm được".
Thúy Hằng
Bình luận (0)