Học sinh rất cần chỗ dựa tinh thần: Người lớn phải nhìn lại cách giáo dục

29/03/2012 03:12 GMT+7

Theo tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình (ảnh), tạo ra những hoạt động tương tác liên tục, khỏe khoắn trong học đường là một cách níu giữ những tâm hồn trẻ thơ lệch lạc không rơi vào đáy sâu của sự trầm cảm.

 
Theo tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình (ảnh), tạo ra những hoạt động tương tác liên tục, khỏe khoắn trong học đường là một cách níu giữ những tâm hồn trẻ thơ lệch lạc không rơi vào đáy sâu của sự trầm cảm.

Ông có cho rằng chính do sự thiếu quan tâm mà người lớn  thiếu nhạy cảm trước các dấu hiệu tự tử của các em?

Có thể cuộc sống mưu sinh hằng ngày đã lấy đi quá nhiều trí lực của những người làm cha làm mẹ, khiến họ không kịp dõi theo sự thay đổi của con mình, kể cả khi các em bước vào giai đoạn dậy thì. Đôi khi các bậc cha mẹ chỉ nghĩ đơn giản, chỉ cần cho con đi học, có tiền mua giấy mua bút là được. Còn việc dạy con, trang bị kiến thức cho con ra sao, huấn luyện để con trưởng thành, có bản lĩnh để ứng phó với mọi biến động trong đời sống xã hội là việc của nhà trường. Thành ra, những thay đổi, biến chuyển ở những phản ứng của trẻ, như chợt khóc chợt cười vô cớ, rồi bỗng nhiên thở dài, hay tỏ thái độ hậm hực… chưa vào được bộ nhớ của các bậc cha mẹ.


Cuốn hút vào các hoạt động tập thể, sinh hoạt cộng đồng giúp học sinh giảm thiểu trầm cảm - Ảnh: Lê Thanh
 

Về phía nhà trường, thành thực mà nói, cách giáo dục chạy theo các phong trào bề nổi, thành tích học tập… là hiện tượng khá phổ biến trong các trường phổ thông. Cho dù các thầy cô có quan tâm tới học sinh (HS) nhưng cũng khó mà thấy được sự thay đổi của từng trẻ.

Nhiều người cho rằng hành vi tự tử đến từ những người trầm cảm. Với những người đó, bất kỳ lý do nào cũng sẽ là chất xúc tác để đẩy người ta tới sự lựa chọn tự kết liễu bản thân. Như thế thì việc giáo dục kỹ năng sống hay sự quan tâm của người lớn cũng sẽ trở nên quá mỏng manh?

 

Nếu mối liên kết giữa người với người trong cộng đồng lỏng lẻo, các em dễ bị đẩy vào đáy sâu của sự trầm cảm

Người lớn vẫn hạn chế được việc tự tử của các em, vẫn giữ được các em ở bên này lằn ranh khi mà một âm mưu bị bại lộ, nhất là những âm mưu tự tử tập thể. Lắm khi các em ấp ủ một âm mưu tưởng như rất quyết liệt nhưng chỉ cần ai đó phá đi một mắt xích là những mù mờ được hóa giải. Giống như trạng thái người ngủ gật giật mình choàng tỉnh. Thông thường, các em rơi vào trạng thái trầm cảm là do cảm thấy yếu thế, bị thù địch hoặc cảm thấy bất lực trong sự khẳng định mình, dường như có vươn lên cũng không được thừa nhận. Trạng thái này khiến tâm hồn đứa trẻ trở nên cực kỳ nhạy cảm, mong manh, dễ vỡ. Tìm đến cái chết là một cách phủ định xã hội của các em, khi mà các em không nhìn thấy ở người thân cũng như bạn đồng lứa và cả xã hội sự ấm nóng.

Ông cho rằng giáo dục kỹ năng sống cũng như sự quan tâm sâu sắc của người lớn sẽ giảm thiểu, thậm chí hóa giải tâm trạng u ám đó?

Đúng vậy. Quá trình rèn luyện kỹ năng sống cho HS sẽ giúp người lớn phát hiện sự trầm cảm ở dạng cá thể hay ở những nhóm nhất định nào đó. Hơn nữa, sự giáo dục thông qua đời sống học tập, lao động lành mạnh cũng giúp khỏa lấp được trạng thái trầm cảm trong mỗi đứa trẻ. Những hoạt động tập thể là mối dây kết nối các cá nhân, nó hối thúc mỗi người nỗ lực không chỉ vì bản thân mình mà còn vì bạn bè, vì cộng đồng lớp học. Qua nhật ký của em H. ta có thể nhận thấy trong khi ghi nhật ký em đã bị cái chết ám ảnh nhưng vì một lý do nào đó mà em vẫn dùng dằng. Nếu mối liên kết của em với các cá nhân khác trong lớp, trong trường mạnh mẽ hơn nữa thì tôi tin sự dùng dằng còn tiếp diễn và biết đâu nó giúp em vượt qua được lằn ranh của sự sống/chết.

Khi bước vào tuổi dậy thì cũng là lúc các em bắt đầu có ý thức trăn trở về sự sống/chết. Nếu mối liên kết giữa người với người trong cộng đồng lỏng lẻo, các em dễ bị đẩy vào đáy sâu của sự trầm cảm. Ngược lại, sự yêu thương, mối quan tâm sâu sắc của cha mẹ, người thân, bạn bè, sự sát cánh đồng lòng cùng nhau đi tới một mục tiêu lâu dài nào đó trong tập thể mà các em gắn bó sẽ tạo trong các em ý niệm về những “món nợ” vô hình phải trả.

Chẳng hạn, nếu em ý thức được trách nhiệm phải hoàn thành kế hoạch tập văn nghệ với các bạn hoặc đang nợ cô giáo một cử chỉ ân tình…, các em sẽ tự thấy chưa thể ra đi. Nghĩa là các em phải được níu giữ trong cộng đồng bởi ý thức mình “mắc nợ” cuộc đời, cần phải phấn đấu để trả xong các món nợ đó. Càng bị cuốn hút vào những chuỗi hoạt động liên tục, nối tiếp nhau, sự trầm cảm trong các em càng được giảm thiểu.

Nhiều vụ học sinh tự tử

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay đã có 11 vụ học sinh tự tử làm 13 học sinh chết. Nguyên nhân: Bị cô giáo bắt chép phạt và la mắng nặng lời, bị nghi lấy cắp, nghi vấn do làm mất sổ đầu bài và bị dọa phải đi tù, buồn chuyện gia đình, buồn chuyện tình cảm...

Quý Hiên
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.