Học sinh thừa kiến thức, thiếu kỹ năng - Bài 3: Chỉ giáo dục trong trường không đủ

23/10/2015 09:35 GMT+7

Theo nhiều giáo viên và chuyên gia, việc đưa giáo dục kỹ năng sống vào nhà trường là điều cần thiết, nhưng quan trọng vẫn là vai trò của giáo dục gia đình.

Theo nhiều giáo viên và chuyên gia, việc đưa giáo dục kỹ năng sống vào nhà trường là điều cần thiết, nhưng quan trọng vẫn là vai trò của giáo dục gia đình.

Học sinh cần được trải nghiệm nhiều hơn khi học kỹ năng sống - Ảnh: Ngọc ThắngHọc sinh cần được trải nghiệm nhiều hơn khi học kỹ năng sống - Ảnh: Ngọc Thắng
Qua phản ánh của nhiều giáo viên và cán bộ quản lý ở các trường học, hiện trong quá trình học tập trong nhà trường, ngoài một số môn học giúp học sinh rèn kỹ năng “thô” để tự phục vụ mình trong đời sống sinh hoạt cá nhân, các thầy cô giáo vẫn tìm cách trang bị cho các em một số kỹ năng sống trong quá trình học tập ở trường. Tuy nhiên, có những kỹ năng không thể giáo dục theo kiểu “nhồi nhét”, mà học sinh chỉ có thể tự trang bị được cho mình thông qua cuộc sống trải nghiệm, đặc biệt là trong môi trường gia đình.
“Mỗi giáo viên là một chủ thể khách quan khác nhau nên không thể áp đặt được chủ thể của mình lên tất cả các em học sinh theo ý nghĩ cá nhân được. Hơn nữa, giáo viên không phải là những những người được đào tạo chuyên về giáo dục kỹ năng sống và họ cũng không phải là nhà tâm lý, vì vậy, nếu hướng dẫn cho các em sẽ dễ theo chủ quan cá nhân, khó có thể ứng phó với các vấn đề cuộc sống”, cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Trường THCS Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ.
Ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng nhận xét: “Cách giáo dục thiên về dạy chữ như hiện nay, phần giáo dục kỹ năng nếu có thì rất lạc hậu và mang tính áp đặt, không tạo môi trường cho trẻ em suy nghĩ, tự thẩm thấu để lĩnh hội”. Vì thế, cá nhân ông thấy rất mừng vì Bộ GD-ĐT đã chủ trương chuyển đổi mạnh mẽ từ trang bị kiến thức sang phát huy năng lực phẩm chất trong thiết kế chương trình giáo dục sau năm 2015.
Cũng theo ông Trà, để giáo dục kỹ năng sống một cách hiệu quả cho học sinh, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ gia đình, nhà trường đến xã hội, chứ không thể chỉ phó mặc cho nhà trường. “Có thể phân loại các các loại kỹ năng sống để có môi trường dạy phù hợp. Chẳng hạn chăm sóc, phục vụ bản thân và những người xung quanh là phải từ giáo dục gia đình. Còn kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng hòa nhập với xã hội… là do nhà trường chịu trách nhiệm”, ông Trà đề xuất.
Cần có môn học kỹ năng sống?
Theo PGS Văn Như Cương, đã đến lúc cần phải nghiên cứu để đưa giáo dục kỹ năng sống như một môn học hoặc như một hoạt động vào nhà trường. “Đặt vấn đề lồng ghép vào các môn học sẽ không hiệu quả. Đưa vào môn văn còn khả dĩ một chút, nhưng các môn toán, lý… thì sao? Như vậy cần phải có một môn học chính thức là môn Kỹ năng sống mới giải quyết được vấn đề”, PGS Văn Như Cương đề xuất.
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia từng tham gia các chương trình thử nghiệm hoặc nghiên cứu về vấn đề này cho rằng, việc đưa giáo dục kỹ năng sống thành một môn học là không cần thiết. Bà Lê Anh Lan, cán bộ văn phòng UNICEF Việt Nam cho rằng, trẻ có thể học được kỹ năng sống từ rất nhiều nguồn: cha mẹ, giáo viên, bạn bè và cộng đồng.
“Vấn đề là cần thay đổi cách nhìn của quản lý giáo dục về kỹ năng sống, để từ đó có thể ảnh hưởng tốt hơn đến chất lượng giáo dục trong trường. Chương trình đổi mới giáo dục sau năm 2015 là một cơ hội để giải quyết điều này. Việc đổi mới chương trình không chỉ tác động tới quan điểm của người quản lý mà làm cho người dạy thấy cần thay đổi cách nhìn nhận và thay đổi cách dạy”, bà Lan khuyến nghị.
Ông Vũ Đức Bình, chuyên viên Vụ Công tác Học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện Bộ này đã ban hành nhiều văn bản pháp quy, trong đó đưa ra các yêu cầu về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên, theo ông Bình, các bậc phụ huynh không nên quá kỳ vọng vào hiệu quả giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường, khi bản thân họ lại không chú ý để dạy con. “Giáo dục kỹ năng sống là hoạt động cần được thực hiện hàng giờ, hàng ngày chứ không chỉ các giờ trên lớp”, ông Bình khuyến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.