Vụ nữ sinh lớp 10 tự tử: Học sinh giữa những khoảng trống tâm lý mênh mông
Việc một nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Vinh tự tìm đến cái chết nghi do bị bắt nạt tinh thần đã khiến dư luận dậy sóng về tình trạng bạo lực học đường trong thời gian gần đây. Liên quan câu chuyện này, chỉ cần gõ cụm từ "bạo lực học đường" trên thanh tìm kiếm Facebook, người dùng có thể tìm thấy hàng loạt nhóm kín là diễn đàn của những nạn nhân bị bắt nạt, như "Chia sẻ - Tẩy chay bạo lực học đường", "Bạo lực học đường - Đhv"... thu hút từ cả ngàn đến gần chục ngàn thành viên.
CẦU CỨU... TRỰC TUYẾN
Với lời giới thiệu "Tạo cơ hội cho các bạn yếu thế tìm được bạn đồng hành", "Hội những người bị bạo lực học đường-cô lập-body shaming" được ghi nhận là nhóm hoạt động sôi nổi nhất với hơn 9.200 thành viên và nhiều dòng trạng thái được đăng tải mỗi ngày. Người dùng thường đăng tin ẩn danh hoặc sử dụng tài khoản phụ để chia sẻ về câu chuyện bản thân đang trải qua tình trạng bị bạo lực học đường, song song đó là phát đi những tín hiệu "cầu cứu" đến những người lạ chung nhóm.
Tại đây, chúng tôi ghi nhận phần lớn nạn nhân đều bày tỏ thái độ tiêu cực với cuộc sống và không ít người đề cập đến chuyện tự tử. Chẳng hạn một tài khoản ngày 18.4 chia sẻ rằng hằng ngày đều hoảng loạn khi bị bạn bè cùng lớp giễu cợt và phỉ báng. Thậm chí thành viên này kể mình liên tục bị nhóm bắt nạt ném phấn, sách, vợt cầu lông và nhiều vật khác vào người để đe dọa.
"Mình đã từng muốn biết lý do vì sao họ lại đối xử và ghét mình đến vậy? Và câu trả lời mình nhận được là ghét thì không cần lý do. Từng có lúc mình nghĩ quẩn nhưng chính tình yêu thương của bố mẹ, người bạn tốt hay chọc mình đã giữ mình lại. Mình rất muốn nghe lời khuyên từ mọi người, mình nên làm gì đây, mình đã quá tuyệt vọng với hiện tại...", tài khoản này bộc bạch.
Cùng ngày, một tài khoản khác chia sẻ câu chuyện "mỗi ngày đi học là một áp lực" vì bị bạn bè quay lưng, nói xấu. "Cho em hỏi tối nào cũng uống thuốc ngủ có sao không? Em đang bị trầm cảm giai đoạn 2, cả lớp cũng không còn ai chơi với em...", người này viết. Không ít tài khoản thì cho hay "Nhiều lần em muốn tự tử vì bị bạo lực học đường và mỗi ngày đến trường như địa ngục", "Không ngày nào tôi không suy nghĩ có nên tự tử hay không, không biết mình sống trên đời này vì mục đích gì"...
Dưới mỗi bài đăng luôn có các thành viên trong nhóm an ủi nạn nhân bạo lực học đường hoặc đưa ra lời khuyên để giải quyết vụ việc như báo với gia đình, giáo viên (GV), nhà trường, cơ quan công an hoặc gặp trực tiếp phụ huynh của kẻ bắt nạt. Một số tài khoản khác còn kêu gọi người đăng bài nhắn tin riêng với mình để tâm sự và chỉ các mẹo đối phó với bạo lực học đường.
GIA ĐÌNH, THẦY CÔ THỜ Ơ ?
Vì sao lại chọn tâm sự và tìm cách giải quyết cùng người lạ thay vì gia đình và GV? Nhiều tài khoản thú nhận rằng tuy có chia sẻ với cha mẹ, thầy cô nhưng không được quan tâm, thậm chí cho rằng có khi cha mẹ, thầy cô chính là người "tiếp tay" cho nạn bạo lực học đường xảy ra.
Chẳng hạn một tài khoản kể rằng vì vấn đề ngoại hình nên đã bị cả lớp tẩy chay. "Lúc đó tôi có nói với mẹ nhưng cũng chẳng được gì cả", người này viết, đồng thời cho biết thêm cả cô chủ nhiệm cũng miệt thị ngoại hình mình trước cả lớp.
Một tài khoản khác cũng là nạn nhân của bạo lực học đường khi bị chửi bới, đánh đập và quấy rối tình dục, cho hay khi nói với thầy cô, bố mẹ chỉ nhận lại những câu như "Em phải như nào thì các bạn mới như thế", "Con phải làm gì chúng nó mới làm vậy". "Không ai thấu hiểu, không ai giải quyết. Các bạn đừng nói phải làm gì mới bị thế. Đơn giản chỉ vì mình yếu thế hơn, mình dễ bắt nạt hơn nên mới bị làm đối tượng. Hoặc dễ hiểu nhất, là do họ thích", người này bất lực.
Tương tự, một nạn nhân khác viết: "Có nói với cô nhưng cô bảo kệ chúng nó (hội bắt nạt - PV), mà nói với mẹ thì mẹ bảo những câu nói hay hành động đó không đáng để mình bận tâm. Lúc hội bạn biết mình nói với cô và bố mẹ, chúng nó càng làm, càng sử dụng những ngôn từ bỉ ổi để miêu tả mình. Mình có nói lại lần nữa thì sự việc vẫn lặp lại như trước...".
Trong một số nhóm chat trên Messenger về chủ đề bạo lực học đường, có không ít nạn nhân cũng bày tỏ thất vọng trước cách ứng xử của gia đình, GV. Tài khoản H. cho hay em đã bị lập trang chế giễu trên Facebook nhưng khi báo GV chủ nhiệm chỉ nhận được phản hồi "Tại con thôi". Ý kiến này ngay lập tức được nhiều thành viên khác tán thành. Hay tài khoản H.N.H cho hay khi báo cho ba mẹ, ba mẹ lại gọi thẳng cho kẻ bắt nạt, nghe họ nói dối, sau đó bắt bản thân phải đi xin lỗi ngược lại.
Trước thực tế này, nhiều nạn nhân cho rằng việc giãi bày ẩn danh trên môi trường mạng không chỉ tạo cho họ cảm giác an toàn hơn, mà còn giúp xoa dịu tinh thần, thậm chí có thể tìm được hướng giải quyết cho vấn đề của mình.
Đó cũng chính là suy nghĩ của Nguyễn Thị Thanh Huyền (ngụ TP.Bắc Giang, Bắc Giang), quản trị nhóm "Chia sẻ - tẩy chay bạo lực học đường" có hơn 1.400 thành viên. Huyền cho hay lý do lập nhóm là muốn tạo nên một cộng đồng giao lưu để những trường hợp đã, đang là nạn nhân của bạo lực học đường có cơ hội chia sẻ tâm tư, vướng mắc đang gặp phải. "Qua đó, giúp họ nhận thêm sự hỗ trợ, đồng hành để không cảm thấy cô đơn và bị bỏ lại như nhiều vụ việc thương tâm vừa qua", cô trải lòng.
Hầu hết HỌC SINH từng trải qua hoặc chứng kiến bạo lực học đường
Khảo sát 30 GV, 189 HS tại các trường THPT ngoài công lập ở TP.HCM từ tháng 10.2021 - 4.2022, theo Lê Hoàng Phúc (sinh viên (SV) Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), tỷ lệ nhận thức đúng về bắt nạt học đường của GV, HS lần lượt là 67,9% và 60,7%. "Bắt nạt học đường có thể thông qua sức mạnh thể chất hay tinh thần để đe dọa, tổn thương đến người khác, như nói lớn tiếng hay dùng lời lẽ không tốt để chỉ về nhau. Đây là nguyên nhân một số HS và GV vẫn còn nhẫm lẫn giữa đùa giỡn và bắt nạt, do đó không thể đưa ra hướng xử lý phù hợp", Phúc chia sẻ.
Tiếp cận bạo lực học đường dưới góc độ tinh thần trên môi trường mạng xã hội, nhóm SV Mai Phạm Bảo Trân, Ngô Thị Kim Yến (Trường ĐH Sài Gòn, TP.HCM) cho rằng hầu hết HS đều nhận diện được các hành vi bạo lực tinh thần trên mạng xã hội một cách rõ ràng. Đồng thời cho biết bản thân từng trải qua hoặc chứng kiến bạo lực tinh thần trên mạng xã hội ít nhất một lần. Đây là kết quả thống kê dựa trên 304 HS ở 2 trường THPT tại Q.4, TP.HCM.
Hệ quả khó lường
Ghi nhận thực tế tại một số hội nhóm trên Facebook và Messenger về phòng chống bạo lực học đường, có không ít lời khuyên phải... "bạo lực giải quyết bạo lực". Chẳng hạn một tài khoản gợi ý nạn nhân "gọi giang hồ đến hù mấy đứa đòi đánh là từ nay không ai dám làm nữa". "Đừng trông chờ vào trường vì trường giải quyết vấn đề trong trường còn chưa được nói chi ở ngoài", người này nhận xét.
Nhiều tài khoản cũng kể lại câu chuyện bản thân đã hành hung lại người bắt nạt để "tự cứu chính mình" khi không tìm được sự giúp đỡ từ bên ngoài. Có thể thấy tư tưởng này không chỉ có phần lệch lạc, giống như vòng luẩn quẩn giữa kẻ bắt nạt và nạn nhân mà còn mang lại nhiều rủi ro nếu nạn nhân của bạo lực học đường quyết định "áp dụng" vào đời thực.
Không dừng lại ở bạo lực thể chất, nhiều người còn bạo lực trên mạng đối với những người bắt nạt. Như mới đây nhất trong vụ việc nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Vinh, dân mạng không ít đồn đoán về danh tính của người bắt nạt, trong số đó có N.L.Đ là bạn học cùng lớp. Từ đó, "Nhóm bóc phốt N.L.Đ bạo lực học đường" đã ra đời để chuyên đăng tải nội dung miệt thị nữ sinh này và những bạn bè chơi thân với Đ., thu hút hơn 600 thành viên trên Facebook.
Bình luận (0)