Không thể kéo dài học trực tuyến mãi !
Với đề xuất mà Sở GD-ĐT TP.HCM xây dựng cho học sinh (HS) đi học trực tiếp trở lại từ ngày 10.12, ông Trần Minh, Hiệu phó Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (Q.6), nói rằng phương án này phù hợp với tình hình hiện tại. Thời điểm đó, HS trong độ tuổi từ 12 đến 17 đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và tạo sự miễn dịch cộng đồng cần thiết. Đây là một trong những điều kiện an toàn để các em có thể trở lại trường học tập.
Các trường sẽ được tập huấn và chuẩn bị các phương án tổ chức đón HS trở lại theo Bộ tiêu chí an toàn trường học để HS học tập trực tiếp an toàn nhất. Dịch bệnh ở TP.HCM cơ bản đã được kiểm soát, TP đã mở cửa trở lại các hoạt động, vì vậy việc tổ chức cho HS quay trở lại trường với các phương án và sự chuẩn bị an toàn là cần thiết với tình hình chung lúc này của TP. Còn nếu chờ hết dịch hoàn toàn mới cho HS đi học lại thì không biết khi nào.
Ông Trần Minh nói thêm qua thời gian ngừng đến trường, mặc dù giáo viên và HS đã quen, nỗ lực để thích nghi hình thức học trực tuyến nhưng với HS cuối cấp như lớp 9 và đặc biệt là khối 12 thì học trực tiếp sẽ hiệu quả hơn rất nhiều để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng cuối năm cùng với HS cả nước.
Về việc Sở GD-ĐT có phương án tính toán cho HS đến trường trở lại khi đã khống chế kiểm soát được dịch thì ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), cho rằng đây là việc làm cần thiết. Ở đây có thể thấy Sở GD-ĐT đã chủ động và chuẩn bị nhiều kịch bản trong thời gian vừa qua, ứng với từng giai đoạn cụ thể. “Chúng ta không thể kéo dài tình trạng học trực tuyến. Hiện nay, các trường triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến với giải pháp nhằm đảm bảo thời gian năm học, thực hiện nội dung chương trình và tạo động lực, duy trì nền nếp học tập của HS. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học trực tuyến cho HS phần lớn là truyền thụ kiến thức chuyên môn, không thể tổ chức đầy đủ các hoạt động giáo dục hiện nay như giáo dục kỹ năng sống, ngoại khóa, thực hành thí nghiệm hay các hoạt động văn thể mỹ, giáo dục đạo đức… nên kết quả không thể như mong muốn”, ông Bình phân tích.
Học sinh TP.HCM đã được tiêm vắc xin và có thể đi học lại trong thời gian tới |
NGUYỄN LOAN |
Vì vậy, ông Bình đồng tình với thời gian dự kiến cho HS quay trở lại trường từ ngày 10.12 và cho rằng có tính khả thi. Vị hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân nói thêm cuối tháng 11 công tác tiêm 2 mũi vắc xin cho HS gần như hoàn tất. Chẳng hạn, tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân có đến hơn 99% HS đã tiêm mũi 1. Bên cạnh đó, cuối tháng 11, công tác sửa chữa, chỉnh trang trường lớp sau thời gian tham gia công tác chống dịch của các trường cũng hoàn thiện để đảm bảo đón HS đến trường. Thế nên, vào thời điểm đó, căn cứ trên kế hoạch của Sở, các trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa trường học, đón HS đi học trở lại.
TP.HCM bắt đầu tiêm vét vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi |
Phụ huynh và học sinh mong chờ
Là HS lớp 12, đối với Nguyễn Lê Tường Vy, Trường THPT Marie Curie (Q.3), việc quay trở lại trường học trực tiếp sẽ giúp em và các bạn năm cuối có thể tập trung tốt nhất cho việc học tập, ôn luyện cho kỳ thi sắp tới. Vì vậy khi nghe thông tin có thể sớm được học trực tiếp, Vy không khỏi vui mừng.
“Bọn em sẽ có thể tập trung tốt hơn cho việc học cũng như có thêm thời gian bên bạn bè, thầy cô vì đây là năm cuối rồi”, Vy nói và cho biết bản thân em cũng đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo chủ trương của TP.HCM nên sẽ an tâm hơn khi quay trở lại trường. Dù vậy, Vy cho biết nếu đi học em sẽ tuân thủ các quy định phòng dịch để việc trở lại trường đảm bảo an toàn và ổn định.
Học sinh TP.HCM từ 12-17 tuổi sẽ tiêm đủ 2 mũi vắc xin đến tháng 12 để có thể chuẩn bị trở lại trường học |
độc lập |
Còn Nguyễn Ngọc Anh Thư, Trường THPT Võ Văn Kiệt (Q.8), cho biết không khỏi háo hức. “Bọn em là HS lớp 10, vào trường 2 tháng nay nhưng vẫn chưa được gặp mặt bạn bè, thầy cô. Em hy vọng sớm được đi học để làm quen với bạn mới và việc học tập có hiệu quả, không khí hơn”, nữ sinh này chia sẻ.
Anh Thư cũng cho biết dù chưa có lịch chính thức nhưng em sẽ chuẩn bị đồng phục, sách vở, giày dép mới cùng tinh thần lạc quan để đến lớp sau nhiều tháng liền không đến trường.
Trong khi đó, vừa ở vai trò là người đi dạy vừa là phụ huynh, chị Nguyễn Thị Hạnh, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết gia đình chị hy vọng các con có thể sớm được quay trở lại trường, vợ chồng chị cũng sớm được trở lại công việc bình thường như trước đây.
Có con đang là HS lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10), theo chị Hạnh, đến nay các em đã không đến trường gần nửa năm. Dù học trực tuyến được cải thiện đến đâu thì cũng không thể so sánh được với việc các em HS được đến trường học trực tiếp. Bản thân dạy trực tuyến gần 2 năm nay, chị Hạnh cho biết vẫn không tránh khỏi trường hợp bị mất đường truyền, mạng yếu, cô dạy trò không thể nghe, trò phát biểu bị ngắt quãng…
“Cả gia đình mình đã bị nhiễm Covid-19 hồi tháng 9, lúc đó cả gia đình 3 người trên 18 tuổi đều đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, còn bé nhỏ năm nay 11 tuổi thì chưa tiêm. Nhưng riêng bé nhỏ lại gần như không có triệu chứng, chỉ bị sốt nhẹ trong vòng 3 ngày. Chưa kể, khi cho con đến trường phụ huynh sẽ có trách nhiệm trong việc theo dõi sức khỏe của các em, nên theo quan điểm cá nhân thì mình vẫn mong muốn mở cửa trường học, để cả người lớn và HS thích nghi dần với tình hình mới”, chị Hạnh chia sẻ.
Khi cho HS đi học, theo chị Hạnh, sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề như: thầy trò không còn phải căng thẳng khi học trực tuyến, cha mẹ có thể yên tâm đi làm trở lại. Hiện nay không ít phụ huynh phải nghỉ làm ở nhà kèm cặp con học trực tuyến, đặc biệt là với những HS lứa tuổi nhỏ.
Trong khi đó, có con học lớp 1 tại Trường tiểu học An Hội (Q.Gò Vấp), chị Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng nếu TP.HCM mở cửa trường học thì cần ưu tiên cho HS lớp 1. Bởi theo chị Thu, cả HS, giáo viên và phụ huynh của khối này cực kỳ vất vả khi các con học trực tuyến. Ở khối lớp này, sĩ số lớp học thì đông, các em lại lần đầu tiên học tập trung, phải tập viết nên rất cần sự hỗ trợ trực tiếp của giáo viên.
“Bọn nhỏ học đến tuần thứ 7 rồi, ghép vần, viết chữ, làm toán tách gộp… Dù lịch học chủ yếu chỉ tiếng Việt và toán nhưng các con không thể nào theo kịp, cứ học trước quên sau. Nhìn con vật vã đánh vần từng câu, còn chữ thì viết sai thấy mà thương. Nên nếu được, vợ chồng mình rất ủng hộ cho HS lớp này được đến trường”, chị Hoài Thu nói.
Sau 2 tuần đi học lại, cô trò đều vui vẻ, hào hứng
Là nơi đầu tiên ở TP.HCM cho HS đi học lại, thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh An (xã đảo Thạnh An, Cần Giờ), cho biết cả cô và trò đều rất vui vẻ, háo hức vì được đến trường.
“Sau 2 tuần mở cửa trường thấy HS nhanh nhẹn, tiếp thu bài tốt hơn. Trong tuần đầu tiên, giáo viên của trường phải dành thời gian ôn tập lại, cầm tay chỉ bút cho các em những điều mà giáo viên không thể điều chỉnh, hỗ trợ các em khi dạy qua mạng”, thầy Bình chia sẻ.
Hiện 112 HS hai khối 1 và 2 của trường này đều được học cả ngày ở trường, riêng các khối còn lại vẫn học trực tuyến.
Bình luận (0)