(TNO) Trường tiểu học Coal Mountain ở bang Georgia (Mỹ) đang tiến hành chương trình “Học sinh tự mang công nghệ đến trường” gọi tắt trong tiếng Anh là BYOT, khuyến khích học sinh tiểu học mang các thiết bị số như điện thoại di động, iPad, Kindle, máy tính xách tay, thậm chí là máy chơi game để sử dụng trong lớp học.
Chương trình này được nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh ủng hộ.
Theo MSNBC, ông Tim Clark - một chuyên gia công nghệ thông tin thuộc Ủy ban Giáo dục hạt Forsyth (bang Georgia), chịu trách nhiệm quản lý BYOT - cho biết: “Học sinh tiểu học thường mang theo các thiết bị kỹ thuật số nhưng thường xuyên phải giấu trong túi vì sợ giáo viên và phụ huynh phát hiện”.
“Chương trình BYOT sẽ giúp học sinh tiểu học đem thiết bị số vào lớp để sử dụng cho mục đích học tập”, theo ông Clark.
Trong chương trình BYOT, học sinh tiểu học chỉ được phép sử dụng các thiết bị số trên theo sự hướng dẫn của giáo viên, vì mục đích học tập là chính.
Những học sinh không có thiết bị nào thì sẽ được dùng các máy tính xách tay và thiết bị số của trường học.
|
Trước khi tiến hành BYOT, Ban giám hiệu Trường tiểu học Coal Mountain ở hạt Forsyth đã mời phụ huynh đến họp báo giới thiệu về chương trình.
Nhiều phụ huynh lúc đó đã phản đối kịch liệt chương trình BYOT vì lo ngại học sinh tiểu học sẽ làm hư hại các thiết bị số, mất tập trung trong giờ học; tệ hơn là nếu học sinh làm mất các thiết bị thì ai sẽ chịu trách nhiệm.
Ông Clark cho biết BYOT khuyến khích sự tương tác giữa học sinh và giáo viên, học sinh có thể sử dụng máy tính xách tay của mình để soạn bài, đặt câu hỏi cho giáo viên, ngay tại lớp học.
Điều quan trọng của BYOT là giáo viên hướng dẫn học sinh cách sử dụng các thiết bị số đúng cách, đúng thời điểm, hơn là cấm học sinh đem theo các thiết bị số vào trường.
Ông Clark cho rằng đưa thiết bị số của học sinh vào lớp học không những kích thích việc học, mà quan trọng hơn hết là huấn luyện cho trẻ kỹ năng sử dụng các thiết bị số.
“Học sinh phải có trách nhiệm giữ gìn các thiết bị, đảm bảo chúng không bị rớt hay thất lạc… Trong khi đó, giáo viên sẽ hướng dẫn cho bọn trẻ cách sử dụng các thiết bị số hiệu quả, đúng lúc để chúng không đăng tải những hình ảnh không phù hợp hay nhắn tin cho nhau trong giờ học”, ông Clark khẳng định.
Cô Tracey Abercrombie, giáo viên dạy lớp 5 ở Trường tiểu học Coal Mountain cho biết chương trình BYOT đã làm thay đổi phương pháp giảng dạy của cô, và đặc biệt giúp đỡ những em học sinh khuyết tật.
“Tôi có một học sinh khuyết tật trong lớp luôn có ý tưởng rất hay nhưng không thể nói ra được. Kể từ khi BYOT bắt đầu, em này đã sử dụng máy tính xách tay, gõ ra hết ý tưởng của em và tôi đã chiếu ý tưởng của em lên màn hình cho các học sinh theo dõi”, cô Abercrombie cho biết.
Sau khi BOYT được tiến hành, chương trình này nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía phụ huynh, giáo viên và học sinh, mặc dù trước đó bị phụ huynh phản đối.
Bà Amy Anderson, có hai con nhỏ đang theo học tại trường, lúc đầu phản đối BOYT, nhưng sau đó cho biết bà cảm thấy rất hài lòng về chương trình này.
“Nhà trường đã đưa ra quy định rất rõ ràng khi giới thiệu BOYT. Học sinh phải vào mạng internet của trường có đầy đủ phần mềm ngăn chặn các website có nội dung không phù hợp. Nếu học sinh nào không sử dụng các thiết bị số mang đến lớp học đúng cách, sẽ không được phép sử dụng nữa”, bà Amy Anderson chia sẻ.
Nhiều phụ huynh khác cho hay họ phát hiện con cái của mình sử dụng các thiết bị số đúng cách, có trách nhiệm hơn trước và rất phấn khởi khi được học trong lớp với các thiết bị số.
Trong năm 2012, tất cả 35 trường tiểu học công lập ở hạt Forsyth sẽ tham gia chương trình BOTY, sau khi lãnh đạo các trường học của hạt đến “dự giờ” Trường tiểu học Coal Mountain và nhận thấy BOTY rất hiệu quả.
Ý tưởng để cho học sinh tự mang các thiết bị số vào lớp học khá mới mẻ như BYOT đã và đang được thực hiện tại một số trường học ở bang Texas, Minnesota và Ohio (Mỹ).
Phúc Duy
>> Giáo viên không được làm bạn với học sinh trên Facebook
>> Những lớp học độc đáo
>> Vật liệu xây dựng từ bùn đỏ" giành giải nhất Ý tưởng sáng tạo
>> Trao 82 giải thưởng sáng tạo
Bình luận (0)