Năm học 2023 - 2024 đánh dấu năm thứ ba triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở THCS, năm thứ hai ở THPT. Đây cũng là hai bậc học có số học sinh (HS) chọn học thêm nhiều nhất để chuẩn bị cho "ngưỡng cửa" thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Trước nhu cầu này, nhiều trung tâm dạy thêm đã phải huy động toàn bộ nguồn lực để "vượt khó", từ dạy học đến kiểm tra, đánh giá.
NGỮ LIỆU KHÁC BIỆT, DẠY MÔN VĂN RA SAO ?
Hiện đang học thêm môn toán và văn, Huỳnh Phạm Như Văn, lớp 10A14 Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), cho biết các thầy cô không dạy theo một sách giáo khoa (SGK) cụ thể mà chỉ hướng dẫn những gì cốt lõi, với phần bài tập được chắt lọc từ đề cương của các trường. Riêng môn văn, khi mỗi sách một ngữ liệu, giáo viên (GV) sẽ tổng quan lại nội dung mà mọi SGK đều có thành chủ đề chung, đồng thời minh họa thêm bằng hình ảnh, video.
"Ngoài ra, GV còn mở rộng ngữ liệu, kiến thức ngoài SGK. Điều này vừa không ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu, vừa giúp em hiểu thêm về bài giảng. Trong tương lai, đề thi sẽ không còn gói gọn trong một số văn bản cố định như trước nên khả năng xử lý ngữ liệu ngoài SGK cũng rất cần thiết với em", nữ sinh này bộc bạch.
CHƯƠNG TRÌNH MỚI NHƯNG CÁCH THI CŨ !
Sau khi áp dụng chương trình mới, quá trình kiểm tra cũng cần đổi mới để đáp ứng yêu cầu bài học. Tuy nhiên, theo phản ảnh của nhiều trung tâm, một số GV, trường học còn thiết kế bài tập, đề thi theo chương trình cũ hoặc "nửa mới, nửa cũ". Vì thế, theo thầy Lê Minh Xuân Nhị, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Tri Thức NP, các trung tâm đang gặp áp lực khi phải cân bằng mới - cũ, vừa theo hướng mới để chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, vừa theo kiểu cũ để HS không "thụt lùi" thành tích trên lớp làm phụ huynh mất niềm tin.
"Cả mới cả cũ, chúng tôi không dám bỏ nội dung nào. Vấn đề là Bộ GD-ĐT chưa công bố bộ đề thi chuẩn ở các "ngưỡng cửa" tốt nghiệp chương trình mới để thầy cô trong trường thấy rằng ngay bây giờ họ phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá", thầy Nhị nhấn mạnh.
Tương tự, thầy Đặng Đông Phương, GV vật lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cho biết trong quá trình dạy thêm, thầy cũng liên tục cân nhắc có nên dạy hết tất cả kiến thức hay không, "vì có nội dung tuy trường của HS dạy nhưng theo yêu cầu cần đạt thì lại không cần". Mặt khác, ảnh hưởng từ chương trình mới, hướng triển khai bài tập cũng phải đổi mới.
Theo quan sát cá nhân, chị Lê Bá Anh Thư, sáng lập và điều hành Việt Anh Thư Academy, cho rằng có hiện tượng bài dạy một kiểu nhưng đề cương ôn tập lại ra kiểu khác, có khi giống hệt những năm trước. Chẳng hạn, ở môn tiếng Anh, có trường ra đề cương lẫn đề thi với 70% nội dung đều dựa trên SGK cũ, "họa chăng chỉ thêm từ vựng của sách mới". "Đây là bất cập ảnh hưởng rất nhiều đến HS", chị Thư quan ngại.
Theo thầy Đặng Duy Hùng, Giám đốc chuyên môn Lasan Education, một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chương trình mới nhưng cách thi cũ đến từ sự ngại thay đổi hoặc không thể cập nhật nhanh kiến thức mới của các GV lớn tuổi, gần nghỉ hưu. "Mục tiêu của trung tâm, vì thế phải song song cập nhật chương trình mới lẫn "chạy đua" theo gu thi cử của các trường trên địa bàn gần trung tâm. Quan trọng phải đảm bảo HS đạt điểm cao, nếu không phụ huynh sẽ cho trẻ nghỉ học", thầy Hùng nêu một khó khăn.
THÁCH THỨC VỚI VIỆC DẠY TÍCH HỢP
Thầy Đặng Duy Hùng nhận định chương trình mới thay đổi đáng kể cách các trung tâm vận hành. Nổi bật là trường học được tự chọn SGK, dẫn đến việc trung tâm phải soạn giáo trình gồm đủ các bộ sách để phục vụ tất cả HS. "Có khi, chúng tôi phải soạn trước dựa trên bản mẫu (file demo) của SGK vì chưa có sách chính thức. Đây là khó khăn thường gặp nhất trong quá trình cuốn chiếu và đổi mới chương trình dạy", GV này cho hay.
Cũng theo thầy Hùng, đội ngũ GV tại trung tâm sẽ phải nghiên cứu cùng lúc cả ba bộ SGK là Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống, từ đó tổng hợp lại khối kiến thức chung và ghi nhận thêm những khác biệt về nội dung, bài tập để đưa vào giáo trình. "Tinh thần là sẽ cập nhật tài liệu này hằng năm, dựa trên những thay đổi của Bộ GD-ĐT", thầy Hùng nói thêm.
Chia sẻ thêm về quá trình soạn giáo trình, thầy Lê Minh Xuân Nhị cho biết sau khi đọc các bộ SGK, đội ngũ GV sẽ tóm gọn lại những nội dung trọng tâm nhất, đồng thời tuyển chọn bài tập đặc trưng của mỗi bộ để dù học bộ nào, HS cũng nắm được cách làm bài. Ngoài ra, giáo trình các môn tại trung tâm còn được phát hành thông qua nhà xuất bản chứ không dừng ở việc lưu hành nội bộ. "Sự kiểm duyệt, phản hồi từ nhà xuất bản sẽ giúp nâng cao chất lượng tài liệu", nam GV đánh giá.
Một thách thức khác là môn khoa học tự nhiên (KHTN) ở bậc THCS, được tích hợp từ 3 phân môn là vật lý, sinh học, hóa học. Điều này khiến các trung tâm đứng trước nhiều lựa chọn. "Hoặc thao giảng và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho GV để đáp ứng nhu cầu mới, hoặc vẫn xem đây là 3 môn độc lập với 3 GV đứng lớp. Riêng chúng tôi chọn tuyển dụng sinh viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm KHTN để dạy môn này", thầy Hùng cho hay.
Thầy Xuân Nhị thì cho rằng GV sư phạm KHTN tuy có thể đảm đương công tác đứng lớp, nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên sẽ rất khó dạy tốt các khối 8, 9 vốn yêu cầu kiến thức nâng cao. Đây cũng là lý do thầy Nhị đang tạo điều kiện để GV vừa tốt nghiệp dạy độc lập ở lớp 6, 7, sau đó dạy đơn môn cùng thầy cô khác ở những lớp cao hơn.
Bình luận (0)