'Học tiếng Anh không đồng nghĩa với việc học thi IELTS'

15/09/2020 19:13 GMT+7

Điều mình thực sự muốn chia sẻ là các bạn hãy thay đổi cách nhìn nhận về việc học tiếng Anh. Học tiếng Anh không đồng nghĩa với việc học thi IELTS.

Thảm họa học tiếng Anh của nhiều người nằm ở đâu?

Về vấn đề học tiếng Anh ở Việt Nam thì đã rõ, học sinh Việt Nam bị nhồi nhét học để lấy điểm cao chứ không được kích thích tìm tòi động lực trong quá trình học ngoại ngữ. Vậy nên người học rất dễ nản chí khi không tìm ra niềm đam mê để tiếp tục trau dồi ngoại ngữ sau các tiết học trên lớp. Họ cũng không có hình mẫu đúng đắn trong việc học tiếng Anh. Trước đây, hình mẫu của mình là những người có thể sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo để có thể dễ dàng hòa nhập vào môi trường đa văn hóa. Nhưng đối với nhiều bạn trẻ Việt Nam, hình mẫu của họ lại là những người đạt IELTS 9.0.

Tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào đều là công cụ tuyệt vời để giúp chúng ta giao tiếp. Và để giao tiếp được với mọi người đến từ các quốc gia khác nhau, chúng ta không chỉ cần biết ngôn ngữ mà còn am hiểu về văn hóa, con người và các phong tục của họ. Mình đã không chờ đến khi có điểm IELTS 9.0 mới thuyết trình ở Liên Hiệp Quốc. Mình đã không chờ đến khi có bằng tiếng Tây Ban Nha mới tự tin tiếp cận với anh chàng người Mexico. Mình đã không chờ cho đến khi thành thạo 100% ngữ pháp tiếng Pháp mới đi học cao học ở Marseille. “Nước sốt bí mật” của mình để chinh phục ngoại ngữ là cố gắng thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân và thực hành ngay những gì khiến mình cảm thấy lo sợ. Nếu bạn chờ cho đến khi cảm thấy tự tin với bản thân rồi mới thực hành thì lúc đó đã muộn rồi.

"Công dân toàn cầu" Hồ Thu Hương

NVCC

Theo bảng xếp hạng được công bố của tổ chức giáo dục quốc tế Education First, Việt Nam đứng thứ 52 trên 100 quốc gia và đạt hạng “thấp” trong kỹ năng tiếng Anh.

Với nhiều trung tâm tiếng Anh tại Việt Nam, mình không nghĩ rằng lý do Việt Nam xếp hạng thấp là vì thiếu giáo viên hoặc môi trường học chất lượng. Điều tất yếu ở đây là học viên biết cách chọn chương trình học phù hợp cho tiêu chí học ngoại ngữ của mình. Tiêu chí học ngoại ngữ bao gồm những động lực ngoại sinh và nội tại. Động lực ngoại sinh giúp bạn duy trì học ngoại ngữ bằng những “phần thưởng” như điểm IELTS cao, học bổng du học hay vị trí lương cao. Ngược lại, động lực nội tại hiểu đơn giản là những lý do khiến cho bạn thích thú với việc học ngoại ngữ và sự tiến bộ sau những buổi học tạo cho bạn năng lượng để tiếp tục học. Trong khi các yếu tố nội tại mang lại niềm vui và sự hài lòng cho học viên, các yếu tố ngoại sinh liên quan đến lợi ích mà bạn sẽ đạt được từ việc học ngoại ngữ. Động lực ngoại sinh không thể duy trì lâu dài nếu thiếu động lực nội tại.

Một trong những lý do vì sao người Việt chưa sử dụng ngoại ngữ thành thạo là vì họ quá tập trung vào những yếu tố ngoại sinh mà quên mất việc tìm kiếm sự hưng phấn khi học ngoại ngữ. Cách lý giải là vì, nếu bạn chỉ tập trung vào những yếu tố ngoại sinh khi học ngoại ngữ thì điều này chứng tỏ là bạn học ngoại ngữ với chiến lược “nước đến chân mới nhảy”. Bạn đang ung dung sống một cuộc sống chỉ sử dụng duy nhất tiếng Việt, rồi một ngày bạn nhận ra rằng ĐH Harvard mà bạn mơ ước đăng ký không nhận bạn vào học nếu không có chứng chỉ tiếng Anh. Lúc đó, bạn chỉ có vỏn vẹn 3 tháng để tốc tháo đi học tiếng Anh và cải thiện trình độ từ IELTS 4.0 lên 7.0. Khi bị rơi vào hoàn cảnh này, chắc chắn bạn sẽ không ngại chi trả hàng chục triệu đồng để tham gia các khóa học IELTS 7.0 trong vòng 1 tháng, đúng không nhỉ? Rồi như một phép màu, bạn nhận được điểm IELTS 7.0 và bắt đầu đi khoe khoang với mọi người. Nhưng mình rất tiếc phải nói với các bạn rằng: “Điểm số IELTS của bạn chỉ chứng tỏ một điều duy nhất là khả năng IELTS của bạn”. Chỉ tập trung vào những yếu tố ngoại sinh chính là thảm họa học tiếng Anh của nhiều người.

Đừng học tiếng Anh vì điểm số

Điều mình thực sự muốn thấy là các bạn thay đổi được cách nhìn nhận của mình về việc học tiếng Anh. Học tiếng Anh không đồng nghĩa với việc học thi IELTS.

Đã đến lúc chúng ta nên ngưng học tiếng Anh qua các khóa học luyện IELTS. Kỳ thi này chỉ giúp người thi đánh giá khả năng và nỗ lực học tiếng Anh của họ từ trước tới thời điểm thi, có nghĩa là trên thực tế, để kỳ thi IELTS thực sự có ý nghĩa thì các bạn chỉ nên tìm hiểu cấu trúc kỳ thi thôi chứ không nên học tiếng Anh qua các khóa học IELTS. Cũng đã đến lúc các bạn không nên mang số điểm IELTS ra để so sánh khả năng tiếng Anh của nhau.

Thu Hương trong một lần chia sẻ cùng người trẻ về những bước để trở thành công dân toàn cầu

NVCC

Mình không hiểu nhà nhà, người người học và thi IELTS với mục đích gì? Tất nhiên, mình hiểu là có những trường học và công việc yêu cầu điểm IELTS, nhưng có rất nhiều người học IELTS chỉ vì muốn chạy theo số đông và “bằng bạn, bằng bè”. Thêm nữa, việc các trường học và công việc yêu cầu điểm IELTS cũng là một vấn đề mà nên có hướng giải quyết. Phí thi IELTS bằng tiền lương cả tháng của nhiều người Việt, vậy nên việc yêu cầu sinh viên, người làm việc phải có điểm IELTS là điều bất công.

Đã đến lúc các bạn nhận thức được là kỳ thi IELTS chỉ là phương tiện để giúp các bạn đạt được mục tiêu cụ thể (du học, có công việc yêu cầu) chứ không phải là đích đến khi học tiếng Anh.

Đã đến lúc chúng ta nên ngưng quảng bá IELTS và nhắc tới IELTS quá nhiều. Mình không thấy bất cứ một quốc gia nào khác nói về IELTS nhiều như người Việt. Nếu học tiếng Anh qua IELTS thực sự hiệu quả thì vì sao người Việt không sử dụng tốt tiếng Anh cho dù các trung tâm dạy IELTS tràn lan ở khắp Việt Nam? Ngược lại, người châu Âu hầu như không nói về IELTS nhưng khả năng tiếng Anh của họ rất tốt vì họ học tiếng Anh qua chiến lược “language immersion” (đắm chìm vào ngôn ngữ). Mình khẳng định đây là cách học ngoại ngữ tốt và hiệu quả nhất. Bằng cách này, mình đã học 4 ngoại ngữ khác nhau mà không tốn một xu cho các trung tâm ngoại ngữ.

Đã đến lúc các bạn hiểu được rằng bảng điểm IELTS của bạn chỉ nói lên một điều - là bạn giỏi thi IELTS cỡ nào. Đã đến lúc người Việt học tiếng Anh để sử dụng được tiếng Anh trong cuộc sống hằng ngày chứ không vì điểm số.

Đã đến lúc các bạn hiểu được rằng việc học tiếng Anh là một quá trình tiếp diễn lâu dài chứ không phải học trong 3 tháng và nâng cao số điểm xong là ngưng học ngay.

Hồ Thu Hương - Nadia Ho (32 tuổi) sinh ra ở Hà Nội và lớn lên ở Cộng hòa Séc. Cô tốt nghiệp bậc cử nhân ngành thương mại quốc tế ở Trường ĐH Kinh tế Praha, Cộng hòa Séc; ngành marketing Trường ĐH kinh doanh (UADE), Argentina. Sau đó, Thu Hương tiếp tục học cao học ngành marketing tại trường Kedge Business School - Pháp. Thành thạo 5 ngôn ngữ tiếng Anh, Việt, Séc, Tây Ban Nha, Pháp. Sáng lập, đồng sáng lập nhiều dự án toàn cầu như Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới, Link Online Learners và DaMon Education. Đại sứ giáo dục của tổ chức giáo dục toàn cầu HundrED, trụ sở ở Thụy Điển…

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.