Học toán, ra trường có nhiều cơ hội việc làm?

Quý Hiên
Quý Hiên
24/03/2021 07:22 GMT+7

'Nếu các bạn viết code, lại có trình độ toán, thì khả năng thăng tiến trong công ty rất thuận lợi', GS Vũ Hà Văn chia sẻ.

Theo các vị khách mời tại tọa đàm “Toán: Học thế nào và làm ở đâu?” được tổ chức cuối tuần qua ở Hà Nội, hiện nay toán gần như có mặt trong tất cả các ngành nghề liên quan tới khoa học công nghệ nên cơ hội nghề nghiệp rộng mở.
Vấn đề quan trọng là sinh viên (SV) ngành toán phải xác định cần chuẩn bị tốt những gì để thích ứng tốt với công việc của mình khi ra trường.
Cuối tuần qua, Viện Toán học VN phối hợp với Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (VinBigdata) và Trung tâm thông tin tư liệu thuộc Viện Hàn lâm KHCN tổ chức tọa đàm với chủ đề “Toán: Học thế nào và làm ở đâu?”. Một số khách mời tham gia chương trình không chỉ với tư cách nhà khoa học mà còn đại diện cho các dự án cần tuyển dụng nhân sự ngành toán.

Thiếu người làm trong lĩnh vực toán ứng dụng

Theo GS Vũ Hà Văn, ĐH Yale (Mỹ), Giám đốc khoa học VinBigdata, những SV ngành toán sau khi ra trường thường có 2 hướng lập nghiệp chính: hoặc giảng dạy và nghiên cứu toán trong các trường ĐH, viện nghiên cứu, nhưng con số này rất ít; hoặc sử dụng công cụ toán để làm việc tại các doanh nghiệp.

Những dự án nghiên cứu ứng dụng muốn ra được sản phẩm thì người làm phải có nền tảng toán tốt. Đó là một thông tin hấp dẫn với các bạn sinh viên, dù các bạn học toán lý thuyết hay toán ứng dụng thì cơ hội việc làm đều rộng mở

PGS PHAN THỊ HÀ DƯƠNG Giám đốc điều hành Quỹ VinIF (VinBigdata)

GS Văn lấy ví dụ về một công việc ở Microsoft, nơi trước đây ông đã từng có thời gian làm việc. Ở đó có những nhà nghiên cứu toán lý thuyết, những người quản lý, các nhà lập trình (viết code). Hằng tuần, người quản lý sẽ trao đổi với các nhà toán học về vấn đề họ cần giải quyết, từ đó nhà toán học sẽ tìm công cụ phù hợp (thường là những bài toán đã được giải có sẵn), sau đó nhà quản lý sẽ đưa bài giải về và giao triển khai trong nhóm coder.
“Các coder bình thường sẽ không nghĩ ra được lời giải, nên cần một người trung gian có trình độ toán học đủ để biết vấn đề này cần phải hỏi nhà toán học nào. Như vậy, nếu các bạn viết code, lại có trình độ toán, thì khả năng thăng tiến trong công ty rất thuận lợi”, GS Văn chia sẻ.
PGS Nguyễn Ngọc Doanh, Trường ĐH Thủy lợi, thành viên Tổ an toàn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho biết đợt vừa rồi nhóm của ông tìm kiếm người làm cho dự án COMOKIT (sẽ làm việc trong 18 tháng tới) với nhiều vị trí, yêu cầu công việc không quá cao, thậm chí chấp nhận SV làm bán thời gian, nhưng rất ít người nộp hồ sơ. Điều đó cho thấy trong lĩnh vực toán ứng dụng hiện rất thiếu người làm.
Còn ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần MISA, một doanh nghiệp chuyên sản xuất phần mềm, cho biết doanh nghiệp của ông luôn có nhu cầu tuyển dụng số lượng khá lớn nhân lực học các ngành toán - tin, trong đó công ty đặc biệt ưu tiên những người có nền tảng toán tốt. “Kiến thức các chuyên ngành toán mà các bạn học được ở ĐH là nền tảng tốt nhất để làm việc ở tất cả các ngành, đặc biệt là về công nghệ thông tin”, ông Hoàng giải thích.
PGS Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành Quỹ VinIF (VinBigdata), cũng cho biết từ khi tham gia điều hành quỹ, thông qua các dự án được nhận tài trợ của quỹ, bà nhận thấy có rất nhiều cơ hội việc làm cho người làm toán. Có rất nhiều dự án không thuộc ngành toán như hệ thống trí tuệ nhân tạo chẩn đoán và tiên lượng bệnh nhồi máu cơ tim của các bệnh viện, hay công nghệ in 3D, thông tin quang thông trong mạng dữ liệu lớn… nhưng đều có các nhà khoa học, thậm chí cả SV ngành toán tham gia. “Những dự án nghiên cứu ứng dụng này muốn ra được sản phẩm thì người làm phải có nền tảng toán tốt. Đó là một thông tin hấp dẫn với các bạn SV, dù các bạn học toán lý thuyết hay toán ứng dụng thì cơ hội việc làm đều rộng mở”, PGS Hà Dương nhận xét.

Nên học tập trung vào lĩnh vực dễ kiếm việc làm ?

TS Võ Sỹ Nam, Trưởng phòng Tin y sinh ứng dụng, VinBigdata, cho biết ngày xưa ông là học sinh chuyên toán, lên ĐH thì học CNTT, sang Mỹ học tiến sĩ và nghiên cứu về tin y sinh, giờ quay về VN làm đúng chuyên ngành ông theo đuổi ở Mỹ. Dẫu công việc hiện nay có vẻ xa toán nhưng ông vẫn ước giá như hồi ĐH được học nhiều toán hơn. Sau này, thỉnh thoảng ông vẫn phải tìm sách toán đọc nhằm tìm công cụ để giải quyết vấn đề đang phải làm.

Tiêu chuẩn tuyển dụng số 1: Có mơ ước, có mong muốn làm việc

Theo các khách mời, khi tuyển dụng nhân sự, vấn đề đầu tiên mà các nhà tuyển dụng muốn hỏi SV là họ thực sự muốn làm gì. TS Võ Sỹ Nam nói: “Chúng tôi không có tiêu chuẩn cứng nào khi tuyển dụng. Nói đúng hơn, tiêu chuẩn cơ bản của chúng tôi phải là muốn làm!”.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng cũng bày tỏ: “Chúng tôi có một chương trình nhận SV đang học. Với SV, chúng tôi không yêu cầu kinh nghiệm. Chỉ cần họ có mơ ước, có mong muốn vào công ty làm việc; có mong muốn làm ra được những sản phẩm phần mềm giúp các khách hàng nâng cao năng suất trong công việc”.

“Các bạn SV nếu được học toán ở ĐH không nên quá băn khoăn với việc học để làm gì. Cứ học thôi, sau này đi làm biết đâu dùng được vào việc gì đó. Qua kinh nghiệm của tôi với công việc đang làm, chúng ta nên học nhiều một chút về xác suất thống kê, toán rời rạc, tổ hợp, đồ thị… Ngoài ra, chúng ta cần cố gắng học lập trình, tiếp cận luôn với những ngôn ngữ lập trình hiện đại”, TS Nam chia sẻ.
TS Hà Minh Hoàng, Trường ĐH Phenikaa, góp ý SV ngành toán nếu muốn dễ tìm việc trong tương lai, đầu tiên trong lĩnh vực toán ứng dụng phải học là kỹ năng lập trình, thứ hai là học cách quản lý thời gian, thứ ba là năng lực làm việc nhóm. “Khi làm ứng dụng, thời hạn hoàn thành sản phẩm rất quan trọng. Nếu làm toán lý thuyết, các bạn thường làm một mình, hoặc có hợp tác cũng chỉ với ít người. Còn khi làm toán ứng dụng, các bạn phải làm việc với nhiều bên, dự án càng lớn thì càng làm việc với nhiều người”, TS Hoàng nói.
Theo PGS Nguyễn Ngọc Doanh, SV toán cần chuẩn bị gì cho tương lai, phụ thuộc vào yêu cầu công việc sẽ làm sau này. Nhưng về cơ bản, các dự án có sử dụng toán ứng dụng hiện nay đòi hỏi người làm phải biết về vi phân, đồ thị, toán rời rạc…
Theo GS Vũ Hà Văn, toán là một khái niệm rộng. Mỗi SV ngành toán phải học khoảng 20 môn toán, trong đó hầu hết học xong là được… quên. Nếu không định trở thành nhà nghiên cứu toán lý thuyết, SV cần chú trọng hơn những môn phù hợp với yêu cầu thời đại. Thời nay, các công nghệ chủ yếu liên quan tới máy tính, nên các chuyên môn toán cần nhất cho những người làm liên quan tới máy tính là xác suất thống kê, toán rời rạc, toán đại số tuyến tính. “Ví dụ, VinBigdata có một chương trình hằng năm tuyển từ 100 - 150 SV ngành kỹ thuật năm cuối để đào tạo về AI, đầu vào bắt buộc phải là 2 môn xác suất và đại số tuyến tính, sau đó mới là lập trình và tiếng Anh”, GS Văn nêu thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.