Học trực tuyến, thi trực tiếp: Học sinh không nên quá lo lắng

14/12/2021 08:01 GMT+7

Ngày trở lại trường, nhiều học sinh băn khoăn với hình thức thi cuối học kỳ trực tiếp tại trường vì đã phải nghe giảng trực tuyến gần một học kỳ, theo sau đó là lo lắng dịch bệnh phức tạp.

Những ngày gần đây, trong một hội nhóm học sinh (HS) có hơn 150.000 thành viên liên tục đăng tải các bài viết phản đối hình thức kiểm tra tập trung sau gần cả học kỳ học tập, thi cử trực tuyến.

Giờ học đầu tiên của học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) trong ngày trở lại trường sau 4 tháng học trực tuyến

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo HS, có 2 yếu tố chính khiến các em bất an về quyết định này. Đầu tiên là tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Thứ hai là mức độ tiếp thu kiến thức khi học trực tuyến còn hạn chế, cách học thiên về làm trắc nghiệm nên việc thi tự luận dễ khiến HS “hụt hơi”.

Khi nghe thông tin được trở lại trường ôn tập để chuẩn bị thi học kỳ trực tiếp, Trần Lâm Nam Bảo, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), cảm thấy vô cùng lo lắng. Bảo muốn được thi trực tuyến dù cho rằng: “Việc thi trực tiếp sẽ giúp tụi em trở lại đường ray học tập nghiêm túc và tập trung hơn trong các tiết học, cũng là dịp để củng cố kiến thức sau một quá trình học trực tuyến kém hiệu quả, nhất là khi kỳ thi đại học đang đến gần”.

Lâm Vĩnh Hồng, cũng là HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho rằng nên kiểm tra tập trung để biết sức mình đến đâu, từ đó có phương án học tập phù hợp. Hồng chia sẻ: “Việc trao đổi bài có thể diễn ra dễ dàng nên em nghĩ điểm thi trực tuyến khá “ảo”, không phản ánh đúng thực lực của mỗi người”.

Thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM), nhìn nhận rõ ràng trong thời gian học trực tuyến HS đã có những hạn chế trong quá trình tiếp cận, tiếp nhận kiến thức. Vì vậy, trong thời gian quay trở lại trường, HS sẽ được củng cố, ôn tập lại những kiến thức đã dạy trực tuyến.

Theo thầy Huy, khi biên soạn đề kiểm tra, giáo viên (GV) xây dựng nội dung, yêu cầu sao cho đánh giá đúng năng lực, kiến thức kỹ năng của HS theo từng khối lớp và đặc biệt không gây áp lực bởi thời gian vừa qua là sự cố gắng, nỗ lực của GV và học trò trong quá trình dạy và học.

Thạc sĩ Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3), cho biết khi học trực tiếp trở lại GV sẽ rà soát, họp tổ chuyên môn để đưa ra phương án kiểm tra sao cho phù hợp với thực tế. Đồng thời, do Sở GD-ĐT lùi thời gian kiểm tra học kỳ 1 khoảng 2 tuần so với kế hoạch thời gian trước đây nên HS có nhiều thời gian để ôn tập.

Đặc biệt, thầy Toàn nhấn mạnh GV luôn vì quyền lợi của HS và theo sát trình độ của HS để ra đề. Vì vậy, HS không phải lo lắng. Tùy tình hình, nhà trường sẽ có những điều chỉnh để phù hợp, đánh giá đúng kiến thức, kỹ năng.

Đề cập đến việc kiểm tra đánh giá cuối học kỳ 1 trong thời gian sắp tới, trong hướng dẫn kiểm tra, đánh giá của Sở GD-ĐT gửi các quận, huyện và các trường THPT, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đề nghị nhà trường cần rà soát, đánh giá hiệu quả việc tổ chức dạy học, tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho HS khi bắt đầu dạy học trực tiếp trở lại, trước khi tổ chức kiểm tra cuối kỳ.

Về hình thức kiểm tra trực tiếp hay trực tuyến, Sở GD-ĐT cũng quy định cụ thể, vào thời gian tổ chức kiểm tra, những trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 1, 2, 3 và HS đã đi học trực tiếp thì tổ chức kiểm tra trực tiếp. Nếu nhà trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 4 và HS không thể đến trường học trực tiếp thì tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Trong đó, đề kiểm tra không có những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông. Không kiểm tra đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn HS tự học, tự làm, tự thực hiện, những nội dung yêu cầu HS thực hành, thí nghiệm…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.