Học và giữ tiếng Việt thời toàn cầu hóa

Thúy Hằng
Thúy Hằng
26/11/2024 05:45 GMT+7

Tiếng Việt, và khi lên bậc trung học có tên ngữ văn, được xem như môn học 'có ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc đời mỗi người", là một trong số 2 môn thi bắt buộc kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi vào lớp 10...

Làm sao để học tốt tiếng Việt, để thích ứng với những đổi mới trong thi cử và vận dụng hiệu quả trong cuộc sống?

Học và giữ tiếng Việt thời toàn cầu hóa- Ảnh 1.

Học sinh tiểu học có nhiều cơ hội để rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt theo chương trình mới

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Những người làm chuyên môn cho rằng đây không chỉ là câu chuyện của riêng ngành giáo dục, trong bối cảnh triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, mà còn là trách nhiệm của gia đình, xã hội trong thời đại toàn cầu hóa.

PHÁT HUY "ĐỌC MỞ RỘNG", "VIẾT SÁNG TẠO"

Hầu hết học sinh (HS) lớp 3/5, Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM, đều mong tới tiết tiếng Việt. Thầy Cao Hoàng Huy, giáo viên (GV) chủ nhiệm, thường dành nhiều thời gian cho phần đọc mở rộng, để HS được say sưa nói về những cuốn sách các em đã đọc ở nhà, về từng chủ đề cụ thể mà thầy giáo gợi ý. Trong tiết học này, các HS trong lớp cũng khoe nhau các phiếu đọc sách mà các em đã hoàn thành, mỗi người có thể sẽ mang tới một câu chuyện, ý nghĩa các em phát hiện ra không giống nhau.

"Chương trình GDPT 2018 với tinh thần lấy HS là trung tâm, phát triển năng lực người học, GV là người hướng dẫn để HS tìm tòi, thảo luận nhóm nhiều hơn, chủ động nhiều hơn trong quá trình học. Với riêng môn tiếng Việt, chương trình mới chú trọng rèn năng lực đọc, viết cho HS", thầy Huy chia sẻ.

Học và giữ tiếng Việt thời toàn cầu hóa- Ảnh 2.

Học sinh lớp 3/5 Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM, đọc thêm sách ở phần đọc mở rộng trong tiết tiếng Việt

ẢNH: HOÀNG HUY

"Phần đọc mở rộng khuyến khích HS tìm tòi, đọc nhiều cuốn sách từ kho học liệu trực tuyến, thư viện, sách, báo của gia đình. Sau đó, các em cùng thảo luận, chia sẻ với thầy cô và các bạn. Như vậy, có thể trong sách chỉ dạy một văn bản, nhưng sau một ngày các em có thể chia sẻ cho nhau tới 20 tác phẩm khác, mở rộng ngữ liệu của mình", thầy Huy nói thêm.

Đồng thời theo thầy Huy, chương trình mới thúc đẩy GV và HS cần chú ý vào phần viết sáng tạo, giúp HS từ tiểu học được thoát khỏi văn mẫu và những bài văn "na ná" nhau, tạo ra những đoạn văn, bài văn mang dấu ấn cá nhân. Điều này được thầy Huy đánh giá là bước chuẩn bị nền tảng quan trọng cho HS ở các cấp học cao hơn, đặc biệt khi tham gia các kỳ thi quan trọng như tuyển sinh lớp 10, tốt nghiệp THPT thì đề thi văn sẽ không có các tác phẩm trong SGK, đòi hỏi năng lực đọc, văn hóa đọc của HS phải cao hơn.

SỰ ĐỔI THAY TÍCH CỰC TỪ CHƯƠNG TRÌNH MỚI

Ông Hà Thanh Hải, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.7, TP.HCM, cho hay với môn tiếng Việt bậc tiểu học, chương trình mới được thiết kế theo hướng mở và chú trọng trang bị 4 kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. "Vì sao thứ tự các kỹ năng lại là đọc, viết, nói, nghe mà không phải là nghe, nói, đọc, viết? Bởi lẽ, trước khi vào bậc tiểu học, HS đã được học tập, rèn luyện hai kỹ năng nói - nghe. Trong kỹ năng "nghe", chương trình mới chú trọng đến kỹ năng nghe hiểu. Trong "nói", chương trình mới chú trọng đến kỹ năng nói tương tác trong đối thoại, hội thoại", ông Hà Thanh Hải cho biết thêm.

Ông Hải đưa nhiều ví dụ cho thấy hiện nay việc học môn tiếng Việt hấp dẫn, có tính ứng dụng cao với HS tiểu học. Trong đó, để HS nói được tự nhiên, không bị gò ép dẫn đến dễ rơi vào tình trạng bắt chước, chương trình mới chú trọng tạo các tình huống giao tiếp tự nhiên, gắn với đời sống thực của HS để các em có cơ hội rèn luyện kỹ năng nói và nghe.

Tiến sĩ Trần Thị Quỳnh Nga, giảng viên chính, Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, cho biết Chương trình GDPT 2018 hướng đến mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực HS. Từ điểm nhìn của dạy học tiếng Việt cấp tiểu học, những điểm mới về mục tiêu, nội dung giáo dục, thể hiện qua các yêu cầu cần đạt và nội dung kiến thức tiếng Việt, kiến thức văn học cụ thể cho từng lớp, cũng như định hướng đổi mới phương pháp, tiến sĩ Nga cho rằng chương trình mới đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong trường học.

"Nếu trong năm học đầu tiên 2020 - 2021 SGK lớp 1 chương trình mới đi vào trường học, một số GV vẫn còn e dè khi tiếp cận, kết nối thì hiện nay, với những trải nghiệm bước đầu, chúng tôi nhận thấy GV đã hiểu rõ yêu cầu cần đạt, các mạch kiến thức, linh hoạt trong vận dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực. HS cũng có nhiều cơ hội để rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói và nghe trên nền các ngữ liệu dạy học tiếng Việt mới mẻ, phù hợp đặc điểm tâm lý, tư duy của các em", tiến sĩ Nga nói.

Dù hòa nhập, toàn cầu hóa đến đâu cũng không thể xem nhẹ tiếng Việt; vì như vậy là không đúng với văn hóa, không đúng với định hướng của giáo dục tiểu học.

Lâm Hồng Lãm Thúy
(Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM)

CẦN THÊM NHỮNG NỖ LỰC CỦA CHA MẸ, NHÀ TRƯỜNG

Cô Lê Thị Yến Oanh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đào Sơn Tây, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho rằng phụ huynh không đứng ngoài cuộc trong việc bồi đắp thêm tình yêu của con em mình với môn tiếng Việt - ngữ văn, nuôi dưỡng tình yêu với tiếng mẹ đẻ và văn hóa Việt. Có những cách làm rất đơn giản như cha mẹ cần trao đổi, trò chuyện với con nhiều hơn về các câu chuyện đời thường, các vấn đề trong cuộc sống, hướng dẫn các con đọc sách. Ông bà, cha mẹ cùng đọc cho con nghe truyện cổ tích, ca dao tục ngữ VN… Cha mẹ cùng con đi mua sách, cùng con đọc những mẩu truyện hay, giới thiệu cho con những đầu sách hay phù hợp với lứa tuổi nhi đồng sau đó thảo luận cùng con về ý nghĩa từ chúng…

Tiến sĩ Trần Thị Quỳnh Nga cho biết còn một vài điều mà nếu GV chú tâm hơn thì trong vài năm tới, hiệu quả dạy học tiếng Việt ở tiểu học nói riêng, các môn học và hoạt động giáo dục nói chung ở chương trình mới, sẽ được khẳng định.

Đầu tiên, GV cần đọc, phân tích yêu cầu cần đạt một cách kỹ lưỡng hơn và kết nối chặt chẽ chương trình với SGK. Điều này giúp GV nắm bắt nhanh các ý tưởng bài học, đích đến trong hình thành một kiến thức mới hay trong rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Tiếp đó, khi đọc, nghiên cứu một bài học cụ thể, GV cần có thói quen đặt nó trong hệ thống - tức là xem xét bài học đó trong mạch kỹ năng đọc, viết, nói và nghe, mạch kiến thức - để đảm bảo tính hệ thống, tính khoa học và không "lãng phí" tư liệu dạy học vốn dĩ đã được thiết kế theo nguyên tắc tích hợp. Đồng thời, cô Nga cho rằng ở một số bài học cần được GV phân tích kỹ lưỡng về mức độ phù hợp với đối tượng HS ở từng vùng miền, từ đó lựa chọn nội dung trọng tâm, tránh ôm đồm.

Học và giữ tiếng Việt thời toàn cầu hóa- Ảnh 3.

Học sinh tiểu học tham gia ngày hội giao lưu chủ đề "Em yêu tiếng Việt"

ẢNH: THÚY HẰNG

"Tiếng Việt - ngữ văn là môn học thuận lợi cho tích hợp, gồm nhiều mục tiêu như tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường, tích hợp giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, tích hợp giáo dục quyền con người cho HS... Nhưng GV cần chắt lọc để khi cài đặt những nội dung tích hợp này vào bài học tiếng Việt ở tiểu học để HS thật sự hào hứng, sẵn sàng "chuyển hóa" chúng thành những giá trị sống cho bản thân", tiến sĩ Nga trao đổi.

KHÔNG THỂ XEM NHẸ TIẾNG VIỆT

Từ góc độ một nhà làm chuyên môn, cán bộ quản lý, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: "Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, từ vỡ lòng trẻ em đã được tiếp cận, được đọc, nghe, nói, viết. Khi vào trường học, có một số HS học nhiều ngoại ngữ, khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt bị hạn chế hơn bạn bè đồng trang lứa. Song ở câu chuyện này, cần xác định phải có trách nhiệm của các bên: gia đình, nhà trường, xã hội trong việc duy trì, phát triển năng lực tiếng Việt cho các em. Dù trên trường các em sử dụng ngoại ngữ gì thì khi về nhà, cha mẹ, ông bà cũng cần giao tiếp với các con bằng tiếng Việt, không thể đánh mất tiếng Việt ngay trong gia đình. Dù hòa nhập, toàn cầu hóa đến đâu cũng không thể xem nhẹ tiếng Việt; vì như vậy là không đúng với văn hóa, không đúng với định hướng của giáo dục tiểu học".

Yêu tiếng Việt từ việc rèn nét chữ

Ngày 22.11 vừa qua, sau 5 năm bắt đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018, lần đầu tiên Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày hội giao lưu HS tiểu học chủ đề "Em yêu tiếng Việt".

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết việc giữ và yêu tiếng Việt có thể thể hiện từ việc rèn giũa nét chữ của mỗi người. Hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều người xem nhẹ chữ viết tay. Song bà Thúy khẳng định việc rèn chữ viết rất cần thiết với HS, đặc biệt là từ khi các em còn là HS tiểu học, bởi "nét chữ là nết người". Bên cạnh đó, học môn tiếng Việt không chỉ là việc các em được rèn chữ, rèn viết văn, viết thư, viết đơn, biết chỉn chu trong bố cục, đặt câu, trình bày các văn bản..., mà còn được phát triển các kỹ năng đọc - nói - nghe, với ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Tất cả những kỹ năng này là nền tảng để học tập các môn khác và được vận dụng, tạo nên những ảnh hưởng tới các em suốt cả cuộc đời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.