Mục tiêu 100% HS tiểu học Đà Nẵng học ngày 2 buổi khó khả thi

23/05/2015 11:14 GMT+7

Dù ngành GD-ĐT TP.Đà Nẵng nỗ lực trong việc xây dựng những công trình trường học, phối hợp với nhiều giải pháp khác nhau, nhưng mục tiêu 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày vào năm học 2015-2016 sẽ rất khó khả thi...

Dù ngành GD-ĐT TP.Đà Nẵng nỗ lực trong việc xây dựng những công trình trường học, phối hợp với nhiều giải pháp khác nhau, nhưng mục tiêu 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày vào năm học 2015-2016 sẽ rất khó khả thi...

Mục tiêu 100% HS tiểu học Đà Nẵng học ngày 2 buổi khó khả thiMục tiêu 100% HS tiểu học học 2 buổi/ngày năm học 2015-2016 là khó khả thi - Ảnh: Diệu Hiền
Đầu tư nhiều, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu
Tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.Đà Nẵng, để đáp ứng mục tiêu học 2 buổi/ngày cho 100% HS hầu hết đều vấp phải khó khăn, trước hết là về phòng học. Không riêng trường nằm ở trung tâm như Q.Hải Châu mới vướng phải tình trạng thiếu phòng ốc, mà ngay cả những trường ở vùng ven cũng gặp phải tình trạng thiếu thốn phòng ốc để phục vụ cho việc học ngày 2 buổi. Điển hình như Q.Liên Chiểu, dù đã được đầu tư xây dựng mới 47 phòng học thì dự kiến năm học 2015-2016 sắp tới, quận vẫn còn thiếu đến 79 phòng học tại 7 trường tiểu học. Q.Thanh Khê hiện cũng có 9/15 trường tiểu học có 100% HS học ngày 2 buổi, còn lại 6 trường HS chỉ học 1 buổi ngày, hoặc chỉ một số lớp học 2 buổi ngày trong 1 trường. Nếu để đạt mục tiêu 100% HS học 2 buổi/ngày năm học 2015-2016, phải đầu tư xây dựng 72 phòng học, nhưng năm nay chỉ có thể xây mới được 20 phòng.
Có thể nói, chưa thời điểm nào bậc học tiểu học của Đà Nẵng được đầu tư lớn như những năm gần đây, để thực hiện mục tiêu của HĐND TP đã đề ra. Trong giai đoạn 1, ngành GD-ĐT TP.Đà Nẵng đã triển khai xây dựng 19 công trình, với tổng vốn hơn 87 tỉ đồng cho các trường tiểu học trên địa bàn. Thế nhưng, số lượng phòng học vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của HS các trường tiểu học, để có thể đảm bảo 100% học sinh có thể theo học 2 buổi/ngày. Trong 19 công trình đang xây dựng, có 3 công trình đã đưa vào sử dụng, những công trình còn lại khởi công vào tháng 5 và bàn giao vào đầu năm học 2015-2016. Trong giai đoạn 2, sẽ có thêm 33 công trình được xây dựng, với 230 phòng học mới. Nhưng, đến hết năm 2016, chỉ có 114 phòng học mới được đưa vào sử dụng, đến lúc đó cũng chỉ có khoảng 90% HS tiểu học được học ngày 2 buổi. Như vậy, chỉ cần nhìn vào số lượng phòng học, có thể thấy mục tiêu 2 buổi/ngày năm học 2015-2016 của Đà Nẵng là khó khả thi.
Có nên đánh đổi bằng mọi giá?
Một thực tế hiện nay, việc ồ ạt xây dựng mới các phòng học tại các trường tiểu học kéo theo một hệ lụy khác đó là việc thu hẹp không gian vui chơi, sinh hoạt của HS. Một hiệu trưởng trường tiểu học chia sẻ, không gian vui chơi cho các em là rất quan trọng để phát triển thể chất và rèn luyện kỹ năng cho các em, nên không thể thiếu. Nhưng việc xây dựng mới các phòng học, đặc biệt là ở khu vực trung tâm diện tích vốn dĩ đã chật chội, sẽ càng thu hẹp diện tích sinh hoạt của các em.
Ông Huỳnh Phước, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật Đà Nẵng, cũng từng nhận định việc cơi nới các trường sẽ dẫn đến phá vỡ cảnh quan, thu hẹp không gian vui chơi, sinh hoạt của các em; nghiêm trọng là phát vỡ tiêu chuẩn trường chuẩn theo quy định mà các trường đã đạt được.
Tại cuộc họp gần đây, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng cho rằng việc thực hiện mục tiêu học 2 buổi/ngày đối với HS tiểu học là cần thiết, nhưng không phải bằng mọi giá để đạt được mục tiêu đó, bất chấp các tiêu chí trường chuẩn. Để thực hiện việc học 2 buổi/ngày, ông Trần Thọ yêu cầu phải đảm bảo cơ sở vật chất, giáo viên, trang thiết bị... đạt chuẩn. “Nếu bất chấp để thực hiện cho bằng được mục tiêu học 2 buổi/ngày cho HS tiểu học, thì việc làm này sẽ mất đi ý nghĩa thực sự!”, ông Thọ khẳng định.
Ông Trần Thọ cũng chỉ đạo với những công trình đã bố trí vốn thì yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng triển khai nhanh, ưu tiên bố trí cho những nơi thiếu phòng học, quá tải HS. Đặc biệt, phải xem xét việc xét tuyển tại các khu vực hợp lý, không để xảy ra tình trạng nơi quá thừa HS, nơi thì không có người học, sẽ càng khó đạt được mục tiêu đề ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.