Tại lễ khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2022, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã nhận định như vậy.
ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn |
NHẬT THỊNH |
Chương trình do T.Ư Đoàn tổ chức diễn ra liên tục trong hai ngày 11 và 12.11, tại tỉnh Bến Tre, với sự tham gia của 180 đại biểu trí thức trẻ đến từ 22 quốc gia. vùng lãnh thổ trên thế giới và Việt Nam.
Phải vượt qua những cám dỗ vật chất
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thắng tự hào về đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trên toàn cầu. Ông Thắng khẳng định: “Các bạn là đội ngũ tinh hoa của nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao; là lực lượng đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, ứng dụng những tiến bộ mới nhất của khoa học và công nghệ, vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước - yếu tố quyết định để Việt Nam bắt kịp với các quốc gia tiên tiến, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Theo ông Thắng, để đội ngũ trí thức trẻ thực hiện được sứ mệnh của mình, ông rất kỳ vọng và gửi đến các trí thức trẻ 3 thông điệp.
“Đầu tiên là tinh thần học tập, sáng tạo. Đây là phẩm chất rất cần có của đội ngũ trí thức trẻ để thích ứng hiệu quả với một thế giới thay đổi rất nhanh, nhiều rủi ro, bất ổn và những tình huống đảo chiều rất khó dự báo, với nhận thức, tư duy xã hội liên tục đổi mới và khối lượng tri thức của nhân loại không ngừng tăng lên. Người trí thức cần hội đủ các năng lực, phẩm chất và kỹ năng để xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra và để hoàn thành được sứ mệnh cao cả của mình, trí thức trẻ trước hết phải có tri thức, phải học tập thường xuyên và luôn tự trang bị cho mình những kiến thức mới nhất, hiện đại nhất”, ông Thắng gửi gắm.
Theo ông Thắng càng là trí thức trẻ, các bạn lại càng không bao giờ thoả mãn với những gì đã đạt được. Hãy phát huy lợi thế tuổi trẻ để học tập được nhiều nhất, cập nhật những kiến thức mới nhất, lựa chọn những phương pháp tối ưu nhất, tiếp thu và làm chủ được những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhất, để nâng cao tri thức, năng lực, giá trị bản thân và đóng góp có hiệu quả nhất cho sự phát triển của đất nước.
Ông Thắng cũng nhận định xã hội thường sử dụng tiêu chí học vấn và bằng cấp để phân biệt tri thức. Đây là điều kiện cần và trên bình diện xã hội, là một thước đo khách quan và dễ thống kê trong thực tế, song không phải là điều kiện đủ để giúp chúng ta thực sự trở thành một người trí thức.
“Các bạn trẻ cần ý thức được rằng, chúng ta có thể học cao, có nhiều bằng cấp, nhưng những người chỉ biết tích luỹ kiến thức mà không đưa ra được những phát triển mới, không giải quyết được những vấn đề mới, thì nhiều nhất, họ chỉ đi được một nửa chặng đường, làm được một nửa vai trò của người tri thức - đó là truyền bá tri thức. Và nếu không có phương pháp khoa học, không tìm tòi phát triển, đổi mới và tri thức không được cập nhật thường xuyên, đó vẫn chỉ là những tri thức được thu lượm chắp nhặt qua vô số ngẫu nhiên, có phần phiến diện và sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu, thậm chí dễ rơi vào bảo thủ hoặc không còn chuẩn xác bởi thế giới đã và đang không ngừng thay đổi”, ông Thắng nhắn gửi.
Ông Thẳng cũng thẳng thẳng thắn thừa nhận một bộ phận trí thức, trong đó gồm cả trí thức trẻ năng lực còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Có người không thể làm việc được theo nhóm, biệt lập hoặc kiêu ngạo, cục bộ trong khoa học; có người thiếu ý chí và niềm tin, không có đam mê, hời hợt về chuyên môn, thích làm quản lý nhưng ngại nghiên cứu, tổng kết thực tiễn; có người ý thức trách nhiệm vừa phải, đạo đức nghề nghiệp yếu kém, đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, cơ hội chủ nghĩa, chạy theo bằng cấp để mưu cầu đổ đạt và thăng tiến. Tình trạng đó đã làm cho xã hội đôi lúc nhận thức sai lệch và đánh giá chưa đúng về đội ngũ trí thức.
“Tôi luôn tin tưởng rằng, kế thừa truyền thống hiếu học, ý chí tự học, tự rèn luyện và những phẩm chất tốt đẹp của trí thức Việt Nam, trí thức trẻ Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, những cám dỗ vật chất thói thường, không ngừng phát triển năng lực tư duy độc lập và phản biện xã hội, nâng cao khả năng tìm tòi sáng tạo để truy tìm chân lý, phát hiện, giải đáp được những vấn đề mới, đảm nhận thật tốt vai trò tiên phong của lực lượng tiên phong trong thúc đẩy xã hội tiến bộ và phát triển đất nước trong giai đoạn mới”, ông Thắng kỳ vọng.
Xúc động với sự dấn thân của trí thức trẻ
Vấn đề thứ 2 mà ông Thắng muốn chia sẻ là ý chí dấn thân lập nghiệp. Dấn thân là phẩm chất nổi bật của người trí thức, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với trí thức trẻ trong buổi đầu lập nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Sự dấn thân đòi hỏi ở người trí thức trẻ phải có đủ trí tuệ, bản lĩnh, niềm tin và đức hy sinh. Có trí tuệ giúp chúng ta lựa chọn đúng con đường, đặt niềm tin đúng chỗ và đóng góp thiết thực cho xã hội. Có bản lĩnh, niềm tin và đức hy sinh giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vượt qua được những thất bại tạm thời để đi đến đích thành công trên con đường đã chọn.
Ông Thắng cho biết rất xúc động khi được biết nhiều tấm gương trí thức trẻ, với nhiệt huyết và lý tưởng tuổi trẻ, đã lựa chọn dấn thân trong những công việc khó khăn, vất vả nơi vùng núi, vùng sâu vùng xa và biên giới hải đảo, trong bão lũ hay trong dịch bệnh hiểm nghèo, ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Thắng bày tỏ: “Tôi cũng rất vui mừng khi được biết rằng, bằng kiến thức mới mẻ và tinh thần sáng tạo, ngày càng có nhiều trí thức trẻ tích cực khởi nghiệp, đi đầu trong ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số… Tôi mong muốn các bạn trí thức trẻ Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù công tác ở bất kỳ lĩnh vực nào, hãy tiếp tục phát huy thật tốt vai trò nòng cốt của mình trong cung cấp luận cứ khoa học, góp phần hoạch định, xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Vấn đề thứ 3 là khát vọng cống hiến cho đất nước. Phẩm chất riêng có làm nên nhân cách nổi trội trong sự dấn thân của trí thức Việt Nam là lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, sự trung thành với Đảng, với dân tộc.
“Tôi biết rằng những trí thức trẻ kiều bào đã định cư ở nước ngoài hay chưa có điều kiện về tổ quốc, dù khát khao khám phá kho tàng kiến thức, mở mang sự hiểu biết ở những chân trời mới nhưng trái tim luôn mang nặng tình yêu quê hương, đất nước, ngày đêm hướng về tổ quốc, trăn trở suy tư về những câu hỏi lớn: Làm gì và làm bằng cách nào để đóng góp sức lực và trí tuệ của mình cho đất nước? Tôi xin nói thế này, dù ở đâu các bạn cũng là người Việt Nam, ở đâu các bạn cũng đều cống hiến cho đất nước và dân tộc của mình theo nhiều phương cách khác nhau. Các bạn hãy luôn nêu cao tinh thần tự hào dân tộc bằng những hành động cụ thể, thiết thực đóng góp cho đất nước, tiếp tục là những tấm gương toả sáng, tạo nên sự lan toả mạnh mẽ trong giới trẻ và xã hội, đồng hành cùng dân tộc thực hiện khát vọng phát triển Việt Nam thịnh vượng, hùng cường”, Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ.
Cũng theo ông Thắng, một câu hỏi có lẽ được nhiều bạn trẻ quan tâm là làm thế nào để tạo điều kiện cho trí thức trẻ cống hiến? Phải thừa nhận rằng, trong xã hội hiện nay vẫn còn hai thái cực: Một là, tuyệt đối hoá coi bằng cấp là thước đo năng lực làm việc, cứ có bằng cấp cao là có thể làm bất cứ công việc gì, và việc gì cũng làm, bất kể chuyên môn của bằng cấp đó ra sao. Hai là, tuyệt đối hoá thâm niên công tác, hoặc đề cao kinh nghiệm, đặc thù của ngành, nghề, không chú trọng học tập, ngại bồi dưỡng kiến thức, coi thường bằng cấp, không làm theo năng lực, sở trường. Và theo đó rất lãng phí tài năng trí thức trẻ.
Ông Thắng cho biết Đảng và Nhà nước đã sớm khẳng định quan điểm: đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức, trong đó đội ngũ trí thức trẻ là đầu tư cho phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các chủ trương, chính sách với đội ngũ trí thức phù hợp trong giai đoạn mới. Cụ thể như đổi mới chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí, trọng dụng trí thức theo hướng đảm bảo sự công bằng về cơ hội, hiệu quả đóng góp và tính chất công việc sáng tạo; xây dựng chính sách đặc biệt với nhân tài; rà soát, sửa đổi các quy định nhằm khắc phục có hiệu quả tình trạng: “chảy máu và lãng phí chất xám”; huy động và đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư cho phát triển đội ngũ trí thức, đồng thời khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải; mở rộng môi trường dân chủ tự do sáng tạo, công bằng trong học thuật và nghiên cứu khoa học, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; đổi mới chính sách tiền lương, cơ chế tổ chức thực hiện các đề tài khoa học, thù lao giảng dạy… phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo mức sống của lao động trí óc.
Bình luận (0)