Chưa có giải pháp cụ thể
Những ngày cuối tháng 7, lãnh đạo Trường CĐ Asean (Hưng Yên) đã gặp gỡ học viên các khóa liên thông từ TC lên CĐ ngành dược mà chưa được cấp phép với Trường TC Vạn Tường (TP.HCM). Trong buổi gặp gỡ sinh viên (SV) sáng 26.7, lãnh đạo trường này cho biết trước đó trường đã xin Bộ GD-ĐT tổ chức lớp liên kết liên thông từ TC lên CĐ chính quy nhưng lúc đó lãnh đạo Bộ đi công tác nước ngoài, không kịp ký! Vì vậy, trường đã tổ chức lớp học trước mà chưa có sự đồng ý của Bộ.
|
Theo H., một SV khóa 2, trường đưa ra 3 phương án giải quyết: Nếu SV muốn học lấy bằng CĐ chính quy thì phải ra cơ sở chính của trường tại Hưng Yên học. SV muốn ở lại TP.HCM phải học hệ vừa học vừa làm theo 2 hướng: chờ trường xin phép được liên kết chính thức với Trường TC Vạn Tường, nếu không được sẽ chuyển qua học tại Trường TC Đại Việt (chương trình trước đây được Bộ cấp phép nhưng nay đã thu hồi do Trường CĐ Asean liên kết đào tạo ngoài cơ sở). SV nào không đồng ý sẽ được rút học phí từ ngày 10 - 15.8. Do các phương án đều không hợp lý nên rất nhiều học viên phản ứng.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết: “Hiện nay Bộ chỉ mới nhận được báo cáo chung chung của Trường CĐ Asean, Bộ đã yêu cầu trường báo cáo lại cụ thể trước ngày 15.8”. Ông Bằng cũng cho hay, phải giải quyết số lượng SV đã theo học lớp liên kết liên thông của trường theo các nguyên tắc: Thứ nhất, 158 SV đang theo học lớp liên thông từ TC Đại Việt lên CĐ vừa học vừa làm của Trường CĐ Asean sẽ tiếp tục được đào tạo để cấp bằng vừa học vừa làm. Trường TC Đại Việt không được đào tạo bất kỳ SV nào ngoài số SV này. Thứ hai, các SV còn lại của lớp liên kết liên thông với TC Vạn Tường phải được nhận bằng CĐ chính quy theo 2 hình thức: chuyển về cơ sở chính tại Hưng Yên học hoặc Trường CĐ Asean phải tìm một trường khác được phép đào tạo hình thức này để chuyển SV qua.
Chờ đợi mỏi mòn
Hơn 600 SV theo học chương trình liên thông không phép của Trường ĐH Thái Bình Dương và Trường TC Tây Nam Á vẫn đang chờ đợi trường tìm hướng giải quyết dù đã quá thời hạn quy định của Bộ GD-ĐT gần một tháng rưỡi.
Theo một số SV, ban đầu trường hẹn ngày 15.7 họp, rồi lại dời sang đầu tháng 8 lên trường để học. Nay, trường lại hẹn qua tháng 10 nhưng học ở đâu, trường nào… thì không nói cụ thể cho SV biết.
Hơn một năm qua, SV tham gia chương trình đào tạo trái phép của Công ty TNHH đào tạo công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh Singapore (Sibme) vẫn chưa biết có được nhận lại học phí như đã hứa hoặc tiếp tục việc học. Báo Thanh Niên vừa nhận đơn cầu cứu của nhiều phụ huynh có con học tại đây. Các phụ huynh cho biết ngày 24.6 vừa qua, Ban lãnh đạo Sibme có gửi thư và cho biết không thể thực hiện các phương án để đảm bảo việc tiếp tục học tập của học viên. Hơn một năm qua, đơn vị này đã chi trả cho nhiều khoản như thuê nhà, điện, nước, tiền lương giáo viên… nên rất khó khăn. Vì vậy, Sibme sẽ trả trước một phần số tiền cho học viên. Phần còn lại sẽ giải quyết trong vòng 3 - 6 tháng kể từ ngày gửi thư.
Tuy nhiên, phía Sibme chỉ đồng ý chi trả lại những môn học viên chưa học. Phụ huynh lại yêu cầu Sibme phải trả lại toàn bộ học phí theo như biên bản xử phạt của Bộ GD-ĐT. Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, về nguyên tắc, hiện nay Sở không còn liên quan đến vụ việc này nhưng vẫn thuyết phục lãnh đạo trường giải quyết tốt nhất quyền lợi cho học viên. Nếu không đồng ý cách giải quyết, phụ huynh có thể gửi đơn kiện đến các cơ quan chức năng để được bảo vệ quyền lợi.
Trường kiện Bộ GD-ĐT Mới đây, lãnh đạo Trường CĐ ASEAN nộp đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân TP.Hà Nội vì cho rằng Bộ GD-ĐT tính số giảng viên cơ hữu của trường không đúng. Đơn kiện cũng đề cập đến quyết định dừng tuyển sinh đã làm ảnh hưởng đến nhà trường. Về việc này, theo ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, tòa án đã mời Bộ GD-ĐT lên làm việc theo nội dung đơn kiện của Trường CĐ Asean và sau đó có buổi đối thoại với lãnh đạo trường này. Qua đối thoại, lãnh đạo trường đã chấp nhận mình sai và có nhận thức không đúng. Cụ thể, trường tính số lượng giảng viên theo hợp đồng nguyên tắc, nghĩa là ký hợp đồng, khi có người học mới mời đến dạy. Đúng nguyên tắc phải tính theo Thông tư 57 là giảng viên làm toàn thời gian. Trong khi đó, bà Trần Kim Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường CĐ Asean, cho biết giữa trường và Bộ đã có thời gian điều đình nhưng chưa thống nhất được với nhau. Bà Phương cũng cho rằng Thanh tra bộ có 3 điều nhầm lẫn: Thứ nhất là tính số lượng sinh viên năm 2013 gộp vào số lượng năm 2012. Thứ hai, trường không phải là nhóm trường y dược mà bị tính theo nhóm trường y dược. Thứ ba, tính nhầm về số lượng giảng viên cơ hữu. |
Đăng Nguyên - Ngọc Thiện
>> Buộc Trường CĐ ASEAN trả học phí
>> Chấm dứt hoàn toàn liên kết ngành dược của Trường CĐ ASEAN
>> Học liên thông, văn bằng hai trong ngành y
>> Nhiều yêu cầu khắt khe hơn khi học liên thông
Bình luận (0)