Hơi ấm tìm về - Truyện ngắn dự thi của Hoàng Ngọc Thanh (Lâm Đồng)

09/11/2023 16:00 GMT+7

Xe chòng chành lắc lư qua đoạn đường gồ ghề. Cơ thể mệt nhoài, mắt cay xè, Xuyến không cách nào ngủ được, đầu đau như có vật gì gõ vào. Trái tim chị còn đau hơn, khi bấy lâu tìm kiếm An, đứa con gái mất tích, đến nay không chút tin tức.

Xuyến làm công nhân vệ sinh, ca làm việc của chị từ sáu giờ chiều đến hai giờ sáng. Hết giờ, nếu việc chưa xong vẫn làm tiếp. Chị thường kết thúc lúc ba giờ, về đến nhà thì đêm đã trôi qua. Chợp mắt được một chút, sáu giờ sáng chị soạn hàng ra khu công nghiệp Tân Bình bán. Xuyến bán đủ thứ linh tinh, khẩu trang, áo nón chống nắng, gương chiếu hậu, hộp quẹt, dép tổ ong, dép nhựa… Quân, chồng chị vừa sửa xe, bơm hơi vá ép bên cạnh vừa tranh thủ chạy xe ôm. Quân thương chị vất vả, giấc ngủ chẳng tròn, bảo chị cứ ngủ thêm, để anh trông hàng cho chị. Trong khi Xuyến đon đả mời chào, khách không mua món này sẽ mua món khác, thì chồng chị ai hỏi gì nói nấy, bán không được bao nhiêu. Gặp lúc khách kêu chạy xe, không ai bán. Xuyến tiếc, tự mình ra ngồi đến mười giờ, đường sá thưa người chị mới về, chợ búa cơm nước cho cả nhà. Trưa mệt mỏi ngủ một chút, thức dậy loay hoay dọn dẹp, chẳng mấy chốc đến giờ vào ca. Yên, con gái đầu, và Bình, con trai kế, học buổi sáng, chiều vừa thay Xuyến bán hàng vừa tranh thủ học bài. Yên và Bình chỉ cách nhau một tuổi. Yên học giỏi lại giỏi việc nhà, phụ giúp mẹ rất nhiều. Bình cũng ngoan ngoãn chăm chỉ học hành. An đang học mầm non. Ngày nghỉ học, sáng An theo ba mẹ ra chỗ bán, trưa Xuyến dắt con về cùng mình. Chiều tối chị đi làm thì Yên về trông em, Bình ở lại bán tiếp đến tối muộn mới về nhà. Cuộc sống tuy vất vả nhưng tràn đầy tình thương.

Hơi ấm tìm về - Truyện ngắn dự thi của Hoàng Ngọc Thanh (Lâm Đồng) - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hạ Huy

Từ ngày vắng An, căn nhà nguội ngắt tiếng cười, chỉ còn những tiếng thở dài, những giọt nước mắt thổn thức. Cứ nghĩ đến đứa con thơ dại, mới sáu tuổi đã lưu lạc phương nào, Xuyến không cầm được nước mắt. Ngày nắng cháy, đêm mưa gió có ai cho trú thân, đói khát có ai thương tình giúp đỡ. An hay bị giật mình, cần người vỗ về mới yên giấc. Giấc ngủ trên bước đường lưu lạc, con phải làm sao. Xuyến luôn tự trách mình, giá như hôm ấy mình trông chừng con cẩn thận hơn…

Đó là sáng thứ bảy, khách ghé vô mua hàng tấp nập. Quân bận chở khách. Một mình Xuyến loay hoay bận rộn. Ban đầu Xuyến thấy An chơi kề bên như thường ngày, nên chị yên tâm tập trung bán hàng. Đến lúc rảnh tay, nhìn lại không thấy con đâu. Xuyến nghĩ con chơi loanh quanh, dáo dác tìm một lúc không có. Chị hốt hoảng hỏi những người xung quanh, ai cũng bận rộn đâu để ý tới đứa bé nhỏ xíu kia. Quân chạy xe về, mọi người túa nhau đi tìm, vẫn không thấy bóng dáng con. Xuyến trình báo công an với hy vọng mau tìm được bé, lòng thầm cầu mong con chỉ ham chơi, đi đâu đó rồi sẽ về nhà nhanh thôi. Nhưng hy vọng như ngọn đèn cạn dầu, dần dần tắt lịm trong nỗi đau đớn, day dứt của chị.

Yên và Bình vừa đi hỏi thăm từng nhà vừa đăng thông tin lên mạng xã hội. Quân bỏ làm, rong ruổi khắp các nẻo đường lần tìm. Mỗi ngày Xuyến đi tới chợ, bến xe, chỗ đông người, phát tờ rơi, mong có ai đó từng thấy An. Cuối tháng chị xin nghỉ ba ngày lên đường tìm con. Xuyến hết đi miền Tây, sang miền Đông, lên Tây nguyên. Mịt mù phương hướng. Lần nào cũng thất thểu trở về. Mỗi lần bưng chén cơm, nghĩ con đang đói rét, chị nghẹn ngào nuốt không trôi.

***

Tiếng tài xế hô, đã đến bến Miền Đông. Xuyến thoát khỏi dòng suy tưởng. Nhìn đồng hồ hơn bốn giờ, chị vội đón xe buýt về nhà, lê tấm thân ê ẩm do bôn ba đoạn đường dài. Cơ thể nói nó muốn nghỉ ngơi, nhưng chị biết không thể. Đã nghỉ ba ngày, chị phải làm phần việc của mình.

Về nhà vừa đúng năm giờ. Xuyến vội lấy dụng cụ, thêm chai nước, cầm cà men cơm do Yên chuẩn bị cho mẹ. Cơm tỏa hơi nóng qua lớp inox. Trái tim chị được sưởi ấm, tan biến một phần mệt mỏi. Xuyến vội đến đường Trường Chinh bắt đầu công việc quen thuộc. Sau một hồi thu gom, lượng rác trên xe đẩy chất cao quá đầu. Lau những giọt mồ hôi trên trán, chị ngồi xuống một góc vỉa hè nghỉ ngơi. Tay chân mỏi nhừ, chị uống nước, ăn miếng cơm trong cà men đã nguội. Cảm giác rã rời như những ngày mới bắt đầu công việc.

Vài phút trôi qua, Xuyến đứng dậy tiếp tục công việc. Đến đoạn cầu Tham Lương, chị ngán ngẩm nhìn những túi rác to nhỏ vứt ngổn ngang bốc mùi hôi thối. Đôi lúc Xuyến không hiểu, tiền rác hàng tháng mỗi nhà chỉ vài chục ngàn, bằng hai phần ăn sáng bình dân. Thế mà nhiều người không chịu đóng tiền để được gom rác, lại vứt đầy trên cầu, dưới kênh. Hôm nay dọn hôm sau tràn ngập. Rác nhiều quá. Xuyến phải dùng tấm gỗ cơi nới thêm diện tích xe đẩy mới gom hết. Chị đi chậm, để chắc chắn những nơi mình đi qua không còn rác. Đoạn đường chị phụ trách giờ sạch bong, như thay áo mới.

Mưa lác đác, Xuyến lấy áo mưa ra mặc. Co ro trong cái lạnh của mưa đêm, chị bồi hồi nhớ lại đêm mưa cách đây sáu năm, cũng trên đoạn đường này…

Nhấc túi rác định cho vô xe, Xuyến phát hiện đứa trẻ sơ sinh tím tái nằm trong đó, lẫn vào mớ rác bị nước mưa làm cho chèm nhẹp. Chị run lẩy bẩy. Cố trấn tĩnh, Xuyến giơ tay kiểm tra thấy bé còn thở. Chị bế bé lên, mới hay nước bẩn ngấm vào người con, bốc mùi. Vội cởi áo khoác ủ ấm cho bé. Chị gọi điện cho chồng, thầm trách cha mẹ của đứa trẻ, có bỏ con thì để nơi sạch sẽ, lại đặt cạnh đống rác như thứ vứt đi. Quân đang ngủ, ngỡ vợ gặp chuyện, lật đật chạy xe đến. Xuyến nhờ chị đồng nghiệp làm nốt phần việc dở dang, và làm chứng chuyện chị nhặt bé. Hai vợ chồng vội đưa bé đến bệnh viện cấp cứu.

Bé được cứu sống nhưng rất yếu, phổi bị tổn thương cần điều trị. Gần một tháng mới xuất viện. Xuyến lên phường trình báo, nhờ hỗ trợ. Anh Dũng công an phường cùng mấy chị trong hội phụ nữ phát thông báo tìm người thân, đồng thời vận động lo chi phí điều trị. Xuyến muốn nuôi bé, lại lo không thể xoay sở với tình trạng thiếu hụt của cả nhà. Quân biết chị băn khoăn, nói dứt khoát, chúng mình sẽ nuôi con. Nhờ vậy, Xuyến quyết tâm làm mẹ lần nữa.

Thêm một đứa trẻ sơ sinh, cả nhà vô cùng bận rộn, cũng đong đầy niềm vui. Hai đứa con đã lớn, nay có thêm em thì thích thú, chơi với em suốt. Quân ôm bé nựng nịu, cục cưng của ba. Xóm giềng đồng nghiệp biết chuyện gom góp đồ dùng cho bé, nôi, xe đẩy, quần áo, thỉnh thoảng có thêm sữa tã. Nhờ vậy Xuyến đỡ một phần chi tiêu. An được bốn tháng, Xuyến bế con đi bán cùng ba mẹ. An dễ tính. Lúc đông khách để con vô xe đẩy, bé nằm nhìn những món đồ chơi đầy màu sắc trên xe. Ăn no lăn ra ngủ. Ai thấy cũng thương.

Có lần, công an đi dẹp trật tự lòng lề đường. Toàn bộ hàng hóa bị đưa về đồn. Xuyến đứng ngồi không yên, giá tiền những món hàng đó không nhỏ đối với tình cảnh hiện tại. Chị dắt An lên đồn trình bày với công an phường. Vốn biết cảnh tình nhà chị, các anh chỉ lập biên bản, nhắc chị không lấn chiếm vỉa hè rồi trả toàn bộ. Chị khấp khởi mừng. Định về thì mấy chị công an gọi lại cho An bánh kẹo. Bé hồn nhiên cười toe toét khiến mọi người bật cười theo.

***

Ba giờ sáng, chuyến xe rác cuối cùng rời điểm tập kết. Mọi người thở phào, nhanh chóng tản ra. Mỗi người đều nôn nóng về với chăn ấm, với người thân đang say giấc ở nhà.

Mở cửa phòng trọ, Xuyến rón rén đi vào nhà vệ sinh tắm gội. Xong chị đi nằm. Mấy ngày bôn ba quãng đường dài, thêm cả đêm làm việc dưới mưa, khiến chị đau nhức cả người. Xuyến cố chợp mắt. Nhưng vừa nhắm mắt lại, giọng nói, tiếng cười của An cứ vang mãi trong đầu khiến chị không tài nào ngủ được. Sáu năm rồi, mỗi lần Xuyến nhẹ nhàng nằm cạnh, dù say ngủ, An vẫn phát hiện ra mẹ, rúc người vào chị rồi nhoẻn miệng cười ngủ tiếp. Đôi khi An ngủ mớ, nói cười khúc khích. Nhớ con, trái tim Xuyến đau quá. Khi nào chị mới lại được ôm con vào lòng.

Ngày qua ngày, bao nhiêu tâm sức đi tìm An như hòn đá ném xuống nước, không chút phản hồi. Xuyến nghĩ quẩn, có khi nào An bị bắt cóc, bị bán đi rồi không. Chị lắc đầu xua tan ý nghĩ đáng sợ này, thầm nhủ, trời thương, con bé sẽ bình an.

Trằn trọc mãi đến sáng. Tiếng chuông điện thoại vang lên cắt đứt dòng suy nghĩ của Xuyến. Chị vội nghe máy. "Dạ, tôi là Xuyến".

"Có phải chị có đứa con gái bị thất lạc không, bé sáu tuổi, tên An" - là điện thoại của công an phường.

"Dạ phải, dạ phải. Đã tìm thấy nó hả anh?" - Trái tim Xuyến muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

"Công an nơi khác báo đang giữ một bé gái như vậy. Chị cùng chúng tôi đi xác nhận".

Xuyến vội gọi điện cho Quân, hối anh trở về đi nhận con. Cả nhà hồ hởi lên đường.

Thêm một lần dằn xóc trên quãng đường xa thẳm. Nhưng khác những lần trước, niềm vui dâng trào khiến Xuyến không thấy mệt. Chị bồn chồn không yên, ước mình có thể mọc cánh bay ngay đến bên con. Cuối cùng cũng đến nơi. Căn nhà lá lọt thỏm giữa dải đất khô cằn của tỉnh giáp biên giới. Từ xa, An chạy ào ra ôm ba mẹ, anh chị. Cả nhà lần lượt xoay con vòng vòng ngắm nghía. Bé vẫn khỏe mạnh, chỉ đen hơn một chút. Xuyến ôm chặt con vào lòng. Chị khóc như mưa, nước mắt vui mừng, nước mắt hạnh phúc.

Mọi người yên vị, chậm rãi kể lại chuyện. Thì ra hôm ấy An mải chạy theo mấy người bán bong bóng rồi đi lạc, bị người lạ dụ dẫn đi, vòng vèo nhiều ngày sau thì họ đưa bé đến gần biên giới. Chị Gái, nhà ở gần đó, thấy nghi ngờ, báo cho các anh ở đồn biên phòng giải cứu. An sợ hãi, hoảng hốt không nói được nhà ở đâu, chỉ nhớ mỗi tên mình và tên ba mẹ. Trong lúc chờ tìm người thân, các anh giao An cho chị Gái đưa về chăm sóc. Thông tin truyền đi, cuối cùng kết nối được với công an nơi Xuyến ở.

Xuyến xúc động, cảm tạ trời đất thương tình. Chị rưng rưng đưa mắt nhìn chị Gái và các anh, mãi không thốt nên lời. Mọi người khoát tay cười, đoàn tụ là mừng rồi.

Chiều. Xuyến cùng chị Gái xuống bếp làm cơm. Căn nhà nhỏ thơm lừng mùi khói bếp. Vài món ăn giản dị được dọn lên. Hai gia đình quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Bốn đứa trẻ con nhà chị Gái quấn An không rời, buồn vì em sắp rời đi.

Xuyến ôm An, chỉ chị Gái: "Gọi mẹ đi con".

An gọi "mẹ" hết sức tự nhiên. "Bây giờ con có tới hai mẹ và sáu anh chị, vui quá". Chị Gái nựng An, mắt ngân ngấn: "Khi nào rảnh nhớ về thăm mẹ và các anh chị, nha con".

Ngoài hiên, ráng chiều hắt những tia nắng cuối ngày lộng lẫy, chân trời xuất hiện vệt màu đỏ rực, ấm áp cả không gian…

Hơi ấm tìm về - Truyện ngắn dự thi của Hoàng Ngọc Thanh (Lâm Đồng) - Ảnh 2.

Thể lệ

Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.