Hội chứng 'Alice ở xứ thần tiên'

15/07/2015 08:33 GMT+7

Nhiều thế hệ thiếu nhi đã mê mẩn với câu chuyện thần tiên của cô bé Alice, nhưng các chuyên gia cho rằng những cuộc phiêu lưu kỳ thú này đã hình thành bên trong đầu óc bị ảo giác của tác giả.

Nhiều thế hệ thiếu nhi đã mê mẩn với câu chuyện thần tiên của cô bé Alice, nhưng các chuyên gia cho rằng những cuộc phiêu lưu kỳ thú này đã hình thành bên trong đầu óc bị ảo giác của tác giả.

Hội chứng 'Alice ở xứ thần tiên'Hình minh họa về hội chứng AIWS - Ảnh: Public domain
Tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ thần tiên của tác giả Lewis Carroll sẽ mừng sinh nhật thứ 150 vào năm nay, nhưng ít ai biết đến một lễ kỷ niệm khác có dây mơ rễ má với câu chuyện. Đó là 60 năm ngày phát hiện “Hội chứng Alice ở xứ thần tiên”, viết tắt AIWS, chỉ tình trạng rối loạn được đặt tên theo cuốn sách nổi tiếng. Theo đó, bệnh nhân mắc chứng này trải nghiệm cảm giác tương tự như nhân vật Alice khi lạc vào xứ sở thần tiên.
Hội chứng trên, được nhà tâm lý học người Anh John Todd đặt tên vào năm 1955, từ lâu được biết luôn xuất hiện cùng với những cơn đau nửa đầu. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã cho thấy nhức đầu không phải là nguyên nhân duy nhất gây nên AIWS. Theo báo cáo, một bệnh nhân nam 26 tuổi tìm đến bác sĩ tâm lý sau thời gian nghiện rượu, cần sa và lạm dụng thuốc gây ảo giác LSD. Trong những lần phê LSD, đầu óc bệnh nhân trở nên kỳ lạ, nhìn mọi vật xung quanh không theo kích thước bình thường, có nghĩa là quá lớn hoặc quá nhỏ, quá xa hoặc quá gần so với thực tế. Việc nhìn nhận thế giới bên ngoài qua những hình ảnh vặn vẹo như vậy là dấu hiệu của AIWS.
Cuộc phiêu lưu thót tim của Alice đã khiến giới tâm lý học đưa ra nhiều so sánh với tình trạng phê thuốc LSD. Một điều bất thường trong ca bệnh mới là anh ta đã không còn dùng LSD nhưng chứng AIWS vẫn tiếp tục kéo dài.
“Theo chúng tôi biết, đây là ca AIWS đầu tiên vẫn tiếp diễn sau khi ngưng thuốc gây ảo giác”, theo chuyên gia Arturo Lerner thuộc Đại học Tel Aviv và Shaul Lev-Ran của Trung tâm y khoa Sheba (Israel). Trong báo cáo đăng trên chuyên san Israel Journal of Psychiatry, các chuyên gia đến nay vẫn chưa giải thích được tại sao tình trạng AIWS lại tiếp diễn, và bệnh nhân từ chối tiếp nhận điều trị bằng thuốc men. May mắn cho người này là cách nhìn bị méo mó trên đã nhạt dần sau 1 năm chịu đựng.
Tuy nhiên, AIWS có thể không phải lúc nào cũng liên quan đến hành động lạm dụng thuốc gây ảo giác, mà đôi khi do đau nửa đầu gây nên, theo Sheena Aurora, nhà thần kinh học thuộc Đại học Stanford (Mỹ). Bà cho hay đây là hiện tượng hiếm gặp, chỉ xuất hiện trong 20% ở bệnh nhân bị đau nửa đầu. Hội chứng có thể xuất hiện do não bị tăng động thái quá, và thường bắt đầu ở thùy chẩm, khu vực chịu trách nhiệm về thị lực ở phần sau của não. Tuy nhiên, nó có thể lan đến thùy đỉnh, vốn nằm ngay phía trước thùy chẩm. “Thùy đỉnh là khu vực nhận thức kích thước và hình dạng của các vật thể”, bà Aurora cho biết.
Chuyên gia Lerner và đồng sự cho rằng LSD có thể gây nên tác động có hại tạm thời ở vùng não tham gia vào sự nhận thức hình ảnh. Hiện vẫn chưa có tài liệu lịch sử nào cho thấy tác giả Carroll từng lạm dụng thuốc gây ảo giác. Tuy nhiên, ông có đề cập đến tình trạng đau nửa đầu trong nhật ký, dẫn đến nghi ngờ cho rằng chứng đau đầu đầy thống khổ của tác giả đã tạo cảm hứng cho những cuộc phiêu lưu để đời của nhân vật Alice.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.