Lễ hội cướp phết Hiền Quan được tổ chức trong 2 ngày 12 và 13 tháng giêng âm lịch hàng năm tại xã Hiền Quan. Đây là lễ hội nhằm tôn vinh công lao và tưởng nhớ Thiều Hoa công chúa - một nữ tướng có công chiêu mộ binh sĩ, xả thân giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Hán. Thông qua đó, giáo dục lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống bất khuất của người Việt trong công cuộc dựng nước, giữ nước.
Lễ hội gồm 4 phần: rước kiệu, tế lễ, kéo quân và cướp phết. Lễ rước kiệu được tiến hành từ 12 giờ ngày 12 tháng giêng. Trên kiệu là các sắc phong, bài vị, quả phết, quả chúi được cất giữ trong cung cấm của đình làng từ ngày mùng 10.10 âm lịch. Kiệu được khiêng từ đình ra đền do các "binh sĩ" hộ tống.
Sau lễ rước kiệu là phần tế lễ. Tham gia tế lễ là ông Tiên Chỉ (người được dân làng lựa chọn) và các bậc cao niên trong làng. Lễ kéo quân được chia thành 2 đoàn, mỗi đoàn với nhiều người tham gia. Đi đầu mỗi đoàn là ông trưởng lão râu tóc bạc phơ, mình quấn khố vàng, đầu chít khăn đỏ, tay cầm cờ nheo, miệng hô vang, biểu thị sự oai phong của đoàn quân; tiếp đó là đội trống cái, trống con gõ theo nhịp phách.
Đoàn "binh sĩ" nam có, nữ có, mình mặc áo giáp vàng, đầu đội nón lá, chân quấn xà cạp, đeo giày mũi hài, tay cầm long đao, cờ xuý. Lễ kéo quân được diễn đi diễn lại 3 vòng rồi lại tề tựu giữa sân đền, cùng hò reo vui mừng chiến thắng. Lễ kéo quân kết thúc cũng là lúc bắt đầu lễ cướp phết.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, năm nay, xã Hiền Quan chỉ tổ chức phần rước kiệu, tế lễ, kéo quân, không tổ chức phần cướp phết mặc dù đã không còn dịch Covid-19. Việc không tổ chức cướp phết khiến người dân tỏ ra buồn bã, ngậm ngùi tiếc nuối. Họ cho rằng, lễ hội được tổ chức hàng nghìn năm nay nhưng lại thiếu đi một phần quan trọng.
Theo lãnh đạo xã Hiền Quan, có nhiều lý do không tổ chức cướp phết. Ngoài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ở những lễ hội trước, một số hình ảnh được cho là phản cảm, như: cởi trần, trèo lên nhau, tranh cướp dưới bùn đất… hoặc thanh niên tham gia lễ hội có xô xát.
"Chưa bao giờ có người dân nào tham gia hội phết bị thương do quả phết. Việc xô xát (nếu có) xảy ra giữa những người dân ở nhiều địa phương tham gia lễ hội là trách nhiệm trong việc tổ chức tuyên truyền và phương án ngăn ngừa từ xa", ông Lưu Văn Hiệu, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Quan, nói và cho biết, sẽ tổ chức lại nghi lễ cướp phết nếu đảm bảo an toàn vào năm sau.
Ông Nguyễn Văn Lộc (75 tuổi, trú thôn 2, xã Hiền Quan) cho hay, ông và người dân, con em trong xã cảm thấy rất buồn khi năm nay lễ hội không có phần cướp phết. Nhiều năm liền ở trong ban tổ chức lễ hội, ông Lộc cũng chưa chứng kiến người dân nào bị thương sau khi phần cướp phết diễn ra.
"Lễ hội là dịp con cháu đi làm ăn xa trở về quê hương, đoàn tụ và vui hội. Sau vài năm không tổ chức cướp phết, người dân mong mỏi lãnh đạo xã và các cấp liên quan có phương án quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện cướp phết chặt chẽ, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội", ông Lộc nói.
Cũng liên quan đến việc dừng phần cướp phết, một đại diện UBND H.Tam Nông cho biết, cơ quan này đã giao Phòng Văn hóa thông tin (H.Tam Nông) về làm việc với UBND xã Hiền Quan và kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội cướp phết Hiền Quan năm 2023.
Kết quả làm việc cho thấy, nội dung cướp phết chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn, an ninh trật tự; sân phết được tổ chức tại khu ruộng hiện nay đang tích nước, ruộng cấy sẽ gây lầy thụt; phương án cướp phết chưa cụ thể, lực lượng tham gia bảo vệ sân cướp phết chưa đảm bảo nên không tổ chức phần cướp phết.
Bình luận (0)