Sau một khoảng lặng 75 ngày, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản vào rạng sáng 29.11.
Mỹ và Nhật Bản đã nhanh chóng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn. Theo dự kiến, cuộc họp sẽ diễn ra vào 15 giờ ngày 29.11 giờ Mỹ.
Sau khi xác nhận thông tin Triều Tiên phóng tên lửa, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo ABe đã điện đàm. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường phản ứng, đặc biệt là năng lực răn đe để đối phó với chương trình tên lửa của Triều Tiên. Bên cạnh đó, hai ông cũng đồng ý hối thúc Trung Quốc tham gia vào nỗ lực kiềm chế Triều Tiên.
Reuters dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết Washington và Tokyo không bàn đến giải pháp quân sự. Nhật cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc sau vụ phóng tên lửa lần này, theo ông Suga.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump khẳng định sẽ chú ý đến động thái mới nhất của Triều Tiên. "Đây là tình huống chúng ta phải xử lý", ông nói với phóng viên ở Nhà Trắng. Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo nhấn mạnh Mỹ không thay đổi cách tiếp cận đối với vấn đề Triều Tiên.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhanh chóng triệu tập cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia. Ông nói rằng tình hình có thể tuột khỏi tầm kiểm soát nếu Triều Tiên hoàn chỉnh công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa của mình. Ông cũng nhấn mạnh các nước không còn lựa chọn nào khác ngoài tiến hành gây sức ép và trừng phạt Triều Tiên.
Vụ phóng tên lửa cũng đánh động đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lên án mạnh mẽ động thái của Triều Tiên, cho rằng đây là sự vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của Hội đồng Bảo an, làm suy yếu an ninh khu vực và quốc tế.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh trên Twitter rằng vụ thử tên lửa của Triều Tiên khiến quyết tâm quốc tế gia tăng áp lực đối với nước này ngày càng mạnh mẽ hơn và các đối tác của Pháp sẽ ngày càng đoàn kết hơn.
Bình luận (0)