Hội họa xã hội chủ nghĩa có bùng nổ giá như tranh 'Đông Dương'?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
19/04/2023 07:16 GMT+7

Trong khi tranh "Đông Dương" liên tục tăng giá, liệu tới đây hội họa xã hội chủ nghĩa có bùng nổ về giá sưu tập?

Di sản mỹ thuật

Họa sĩ Lê Huy Tiếp bày tỏ sự vui mừng khi gia đình cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa tổ chức triển lãm tranh cho người đã khuất tại Bảo tàng Mỹ thuật VN (Hà Nội). Ông Tiếp chia sẻ về triển lãm này trước giờ khai mạc tháng 3 vừa rồi: "Người xem sẽ được ngắm nhìn những kiệt tác hội họa, đồ họa suốt 60 năm làm việc đam mê với nét bút, nét khắc sắc sảo và tài hoa của một trong những họa sĩ nhân hậu, khiêm nhường và tinh tế nhất nghệ thuật đương đại VN".

Các nhà nghiên cứu mỹ thuật cũng nói nhiều đến tranh của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa. Nhà phê bình Nguyễn Quân cho rằng trong tương lai không xa, nghệ thuật VN sẽ trở lại khai thác những giá trị đã vượt qua thử thách thời gian của nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa mà Vũ Duy Nghĩa là một "điểm đến" bắt buộc. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Mỹ Nora Taylor cho rằng: "Họa sĩ Vũ Duy Nghĩa là ví dụ tiêu biểu cho trào lưu hướng ra nghệ thuật thế giới, đẩy mạnh, phát triển chứ không làm giảm giá trị nghệ thuật VN. Những khuôn mặt biểu đạt có hòa sắc lấp lánh trong tác phẩm của ông gợi nhớ những công nhân Xô Viết, nhưng với tài hoa của Vũ Duy Nghĩa, những bức tranh ấy đậm chất người Việt".

Hội họa xã hội chủ nghĩa có bùng nổ giá như tranh 'Đông Dương'? - Ảnh 1.

Một Hà Nội vàng son trong tranh Nguyễn Anh Thường

NVCC

Cũng trong tháng 3, nhiều tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Anh Thường, sinh viên khóa Tô Ngọc Vân (1955 - 1957), Trường cao đẳng Mỹ thuật VN, được giới thiệu tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Triển lãm này do nhà sưu tập Phan Minh Hà "mở kho" để thực hiện. Trước đó, nữ họa sĩ Mộng Bích - cây đại thụ của làng tranh lụa Việt được Viện Pháp trân trọng giới thiệu tác phẩm. Bà là người mà Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN Lương Xuân Đoàn đánh giá "đã nối tiếp được chất lụa trong tranh của danh họa Nguyễn Phan Chánh".

Nhà phê bình mỹ thuật Phạm Trung (Viện Mỹ thuật VN) xác nhận thời gian gần đây có nhiều tác giả Trường cao đẳng Mỹ thuật (thời kháng chiến) và thế hệ học ở Liên Xô lần lượt triển lãm cá nhân hoặc nhà sưu tập giới thiệu. Điều này cho thấy những hình dung rõ hơn về hội họa xã hội chủ nghĩa. "Đó là thời kỳ hội họa có giá trị, có tác phẩm đẹp, có họa sĩ giỏi", ông Trung nói.

Bao giờ bùng nổ giá

Nhà phê bình Phạm Long cho rằng hội họa xã hội chủ nghĩa có giá trị, nhưng mua bán tranh lại là câu chuyện của nhà đầu tư. Chính vì thế, ông Long cho rằng có thể rất lâu nữa tranh thời kỳ xã hội chủ nghĩa mới có được sự bùng nổ giá lớn.

Hội họa xã hội chủ nghĩa có bùng nổ giá như tranh 'Đông Dương'? - Ảnh 2.

Tác phẩm sơn mài Bà bủ nghiền trầu

Họa sĩ Vũ Duy Nghĩa

Theo nhà phê bình Phạm Trung, thời gian sẽ sàng lọc các tinh hoa nghệ thuật. "Thế hệ "Đông Dương" có khoảng hơn 100 họa sĩ và bây giờ chúng ta chỉ biết khoảng 20 tác giả, còn những người khác "lặn" đi đâu hết. Nhà phê bình Thái Bá Vân từng nói rằng lịch sử nghệ thuật là đường nối các đỉnh cao. Các khóa sau "Đông Dương" là khóa "Kháng chiến", khóa Tô Ngọc Vân và ngay cả giai đoạn sau từ 1954 - 1975 và 1975 đến bây giờ mỗi thế hệ họa sĩ có một tập hợp tác giả riêng và dần dần thời gian sẽ sàng lọc ra. Giá tranh mỗi thời kỳ cũng tùy thuộc tài năng và tiềm lực kinh tế của xã hội. Tuy nhiên, không phải cứ tranh "Đông Dương" là nhất, tương lai tranh những thế hệ sau giá cao vẫn có", ông Trung nhìn nhận.

Ông Trung cũng cho rằng thế hệ họa sĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa có nhiều tài năng và có tác phẩm đẹp. "Họ có tài và có tác phẩm đẹp, có thể kể đến tranh của họa sĩ Lê Huy Tiếp, họa sĩ Lê Lam… Tác phẩm của họ bao hàm cả tính công dân và hoàn cảnh xã hội. Cũng có những họa sĩ thời kỳ xã hội chủ nghĩa bị thiếu cá tính nhưng có rất nhiều tài năng riêng nổi trội. Những tác phẩm đó nếu sau này có điều kiện khai thác, chắc chắn giá cũng vẫn cao", ông Trung nói.

Tuy nhiên về giá, ông Trung cho rằng tranh "Đông Dương" (tranh của các họa sĩ tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) có giá cao vì đã có độ ổn định, với khách mua chủ yếu là người Việt. "Họ mua theo kiểu đầu tư vì có giá trị ổn định, thanh khoản cao. Phân khúc hiện thực xã hội chủ nghĩa đúng là chưa được quan tâm nhiều, nhưng rất sớm thôi nó sẽ được nhìn đến. Nó cũng không bị đối diện với nạn tranh giả như tranh "Đông Dương" vì phần lớn vẫn còn kiểm chứng được", nhà phê bình Phạm Trung nhận định.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết tranh của nhiều họa sĩ thời kỳ hiện thực xã hội chủ nghĩa giá trị không hề thấp. Chẳng hạn tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thụ vẽ bản làng Thái, tranh của họa sĩ Mai Long, tranh của họa sĩ Phạm Công Thành… Ông Cương cũng nhìn nhận rằng những người hiện nay đang đi mua đấu giá tranh ở nước ngoài thì mới chỉ dừng ở tranh "Đông Dương". "Phải đến một thế hệ sưu tập nữa, họ mới quan tâm đến thế hệ sau "Đông Dương". Phải cần hình thành các lớp người hoặc là sưu tập hoặc là buôn", ông Cương dự báo. Bước đầu, việc triển lãm tác phẩm của các họa sĩ thời kỳ hiện thực xã hội chủ nghĩa đã và đang mang đến cho công chúng yêu mỹ thuật VN nhiều giá trị và kỳ vọng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.