Việt Nam đề xuất 2 trọng tâm phát triển ASEAN
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 2 trọng tâm phát triển ASEAN cần tập trung trong thời gian tới. Thứ nhất, ASEAN cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, linh hoạt trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 với sự tham gia của cả cộng đồng. ASEAN cũng cần chuyển hướng sang chiến lược mới với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch và đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý ASEAN cần nâng cao hiệu quả các cơ chế phối hợp, năng lực hệ thống y tế, chủ động về vắc xin, thuốc điều trị và đề cao ý thức của nhân dân. Việt Nam cũng đề nghị sớm chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị Covid-19, hình thành chuỗi cung ứng tự chủ của khu vực. Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố danh mục trang thiết bị y tế trị giá nhiều triệu USD của Việt Nam đóng góp cho kho dự phòng vật tư y tế ASEAN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 |
THẢO LINH |
Thứ hai, ASEAN cần định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế - chính trị đang tái định hình của thế giới. Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến nghị ASEAN cân nhắc tận dụng các yếu tố mới như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nhân lực chất lượng cao để bồi đắp các lợi thế cạnh tranh trước đây của ASEAN.
Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng
Các hội nghị diễn ra trực tuyến từ ngày 26 - 28.10 và khai mạc dưới sự chủ trì của Brunei, nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN. Bên cạnh lãnh đạo các nước thành viên và Tổng thư ký ASEAN, hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo các đối tác như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Úc, Nga...
Các lãnh đạo đã thảo luận về việc tăng cường khả năng hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch của Cộng đồng ASEAN, củng cố sự sẵn sàng trong việc giải quyết những thách thức chung, nắm bắt cơ hội mới để theo đuổi sự thịnh vượng chung và duy trì hợp tác để đạt được những mục tiêu dài hạn của khu vực.
Tại hội nghị, các nước thông qua Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển thiết yếu trong khu vực và xem xét khả năng công nhận cùng áp dụng giấy chứng nhận tiêm vắc xin điện tử lẫn nhau cho người dân.
Các nhà lãnh đạo cũng đưa ra Tuyên bố ASEAN về đề cao chủ nghĩa đa phương để khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, sự cần thiết của việc phải đoàn kết để giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, cam kết cùng chống Covid-19, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật quốc tế và Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Hội nghị thông qua tuyên bố của lãnh đạo ASEAN về kinh tế biển, đồng thời tái khẳng định khuôn khổ pháp lý của UNCLOS 1982 và tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Hội nghị cũng thông qua, ghi nhận và công bố gần 100 văn kiện khác.
Biển Đông trên bàn nghị sự
Tại hội nghị, các lãnh đạo ASEAN bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, trong đó có các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, suy giảm lòng tin, hủy hoại môi trường biển. Các lãnh đạo tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường xây dựng lòng tin lẫn nhau; kiềm chế và không làm phức tạp tình hình; duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Các nước nhấn mạnh lập trường về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Hội nghị tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ASEAN cần thể hiện bản lĩnh và vai trò tự chủ trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông, các nước cần thúc đẩy mạnh mẽ cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, hành xử trách nhiệm, kiềm chế, không có hành động gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình, hợp tác xây dựng trên các vấn đề thuộc lợi ích chung.
Đậu Tiến Đạt
Việt Nam - Vương quốc Anh sớm công nhận hộ chiếu vắc xin của nhau
Chiều 26.10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Boris Johnson. Tại cuộc điện đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan hệ hai nước đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Anh tạo điều kiện hơn nữa cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Anh và khuyến khích các doanh nghiệp Anh mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam... Hai nhà lãnh đạo nhất trí sớm công nhận hộ chiếu vắc xin của nhau để tạo điều kiện nối lại giao thương và du lịch giữa hai nước.
Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo Anh sẽ viện trợ thêm cho Việt Nam thông qua UNICEF một số trang thiết bị y tế trị giá 500.000 bảng Anh. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và đề nghị Anh tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận vắc xin, thuốc điều trị Covid-19, phát triển công nghiệp dược...
Lê Hiệp
Bình luận (0)