Hollywood hướng về rạp chiếu sau đại dịch

12/04/2023 20:17 GMT+7

Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 buộc đóng cửa các rạp chiếu phim, hoạt động kinh doanh điện ảnh của Hollywood đang bùng nổ.

Tờ Variety đưa tin với việc khán giả đổ xô đi xem John Wick: Chapter 4, Scream VI và mới nhất là The Super Mario Bros. Movie cho thấy Hollywood dần "phục hồi công lực" sau đại dịch.

Jeff Logan sở hữu các rạp chiếu phim sang trọng ở vùng nông thôn Nam Dakota (Mỹ) dần thoát khỏi cảnh đen đủi sau hai năm chịu đựng dịch bệnh khi lợi nhuận biến mất còn các hãng phim không cung cấp đủ phim lớn để chiếu.

Hollywood hướng về rạp chiếu sau đại dịch - Ảnh 1.

Keanu Reeve (vai John Wick) trong phim John Wick: Chapter 4

IMDb

"Thật tuyệt", Logan nói. "Chúng ta không cần phải trấn an các chủ ngân hàng mỗi khi gặp nhau uống cà phê".

Hệ thống rạp của Logan không phải là những rạp duy nhất trải qua sự thay đổi đáng kể. Nhìn chung, phòng vé nội địa Mỹ đạt 2,3 tỉ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái và mức cải thiện đáng kinh ngạc 589,5% so với năm 2021, theo Comscore.

Ngành điện ảnh trở lại doanh thu như trước đại dịch. Điều đó một phần là do các hãng phim phát hành nhiều phần mới của bom tấn thành công.

Trong những năm gần đây, Hollywood có một sự ghen tị nghiêm trọng với Netflix, với việc nhiều hãng chọn ra mắt phim trên dịch vụ phát trực tuyến.

Để làm được điều đó, các công ty phát trực tuyến đã tích lũy rất nhiều để xây dựng các chương trình phát trực tuyến hấp dẫn, giảm thời lượng các bộ phim được chiếu độc quyền tại rạp cho những bộ phim phát trên Disney+, Paramount+ và HBO Max.

Gần đây, Phố Wall bắt đầu quan tâm đến tính kinh tế của dịch vụ phát trực tuyến, đồng thời tin rằng các tập đoàn truyền thông điều hành các dịch vụ này cần phải tập trung vào việc kiếm tiền cũng như thu hút người đăng ký.

Vẫn còn vô số khó khăn

Các nhà đầu tư cũng không quá vui mừng về nhiều khoản nợ trước đây của chủ rạp. Điều đó làm cho doanh thu phòng vé trở thành một phần ngày càng quan trọng đối với sức khỏe tài chính tổng thể của Hollywood.

Eric Handler, một nhà phân tích tại Roth Capital Partners, nhận định: "Các hãng phim đã tìm thấy ánh sáng. Họ thấy rằng phim chiếu rạp độc quyền là cách tốt nhất để tối đa hóa lợi nhuận thay vì phát hành mọi thứ đồng thời cả trên rạp lẫn trực tuyến. Có rất nhiều cách tiếp thị như truyền miệng khi đưa phim ra rạp".

Hiện tại, Netflix đang giữ vững mô hình phát hành gần như tất cả phim trên nền tảng trực tuyến. Chỉ một số ít phim do Netflix sản xuất là ứng viên các giải thưởng mới được chiếu rạp. Nhưng công ty phát trực tuyến như Amazon và Apple đang đi theo một hướng khác.

Cuối tuần trước, ngay cả khi The Super Mario Bros. Movie thống trị phòng vé, Amazon vẫn ghi điểm với Air - một bộ phim về sự gắn kết của siêu sao Michael Jordan với Nike có sự tham gia diễn xuất của Matt Damon và Ben Affleck. Khi The Super Mario Bros. Movie thu về 204 triệu USD trong 5 ngày đầu công chiếu ở Mỹ thì Air cũng thu về 20 triệu USD - con số ấn tượng đối với một bộ phim ra rạp nhắm đến người lớn.

Kevin Wilson, Giám đốc điều hành phân phối rạp của MGM và Amazon Studios nhìn nhận: "Amazon đang có một bước ngoặt. Những gì Air đạt được vào cuối tuần qua về mặt quảng bá, truyền miệng và tiếp thị khi ra rạp là rất tốt".

Amazon không quá lo lắng nếu Air thua lỗ ở phòng vé. Để có lãi ở các rạp chiếu phim, nơi các hãng phim chia doanh thu với các rạp chiếu, nhiều bộ phim phải tăng gấp đôi ngân sách sản xuất và tiếp thị, nghĩa là phim của Affleck-Damon sẽ cần thu về ít nhất 260 triệu USD. Việc phát hành rộng rãi Air ở rạp đồng nghĩa phim ảnh hưởng đến dịch vụ phát trực tuyến Prime Video của Amazon.

Hollywood hướng về rạp chiếu sau đại dịch - Ảnh 2.

Ben Affleck, Jason Baterman và Matt Damon (từ trái sang) trong phim Air

IMDb

Đó là một phần lý do tại sao Amazon dự kiến sẽ phát hành hàng chục bộ phim tại rạp hằng năm, trong khi Apple chuẩn bị ra mắt độc quyền Napoleon của Ridley Scott và Killers of the Flower Moon của Martin Scorsese trên màn ảnh rộng trước khi đưa chúng lên Apple TV+.

Các rạp chiếu phim có nhiều lựa chọn hơn để chiếu. Điều này cực kỳ quan trọng vì số lượng phim phát hành vẫn giảm 20% so với mức trước Covid-19.

Tuy nhiên không có nghĩa là tương lai tươi sáng đang chào đón rạp chiếu. Nhiều công ty trong lĩnh vực này gặp khó khăn. CineWorld, chuỗi rạp lớn thứ hai, đã phá sản, phải hủy bỏ kế hoạch bán hệ thống rạp ở Mỹ và Anh sau khi không tìm được người mua. Thay vào đó, công ty sẽ gây quỹ để duy trì hoạt động của mình ở những quốc gia đó.

Và AMC, công ty điện ảnh lớn nhất, gánh khoản nợ gần 5 tỉ USD. Cổ phiếu của AMC tăng lên mức cao hơn 72 USD/cổ phiếu vào năm 2021 đã tuột dốc và hiện giao dịch ở mức khoảng 5 USD/cổ phiếu.

Mặc dù đại dịch không dẫn đến sự tàn lụi của hệ thống rạp chiếu (số lượng phòng chiếu giảm khoảng 5%) nhưng một số địa điểm nổi bật có thể đã lu mờ. Chuỗi rạp chiếu phim cao cấp Arclight không còn tồn tại, Cinerama Dome mang tính biểu tượng của Hollywood vẫn đóng cửa và Quảng trường Regal Union ở New York, từng là rạp chiếu phim có doanh thu cao nhất cả nước, lên kế hoạch đóng cửa.

Các hãng phim từ lâu phàn nàn rằng nhiều chủ rạp không làm mọi thứ để biến rạp chiếu của họ thành điểm đến, rằng họ tung phim lên màn ảnh mà không quan tâm đến những dịch vụ kèm theo cho khách hàng. Nếu muốn phim của mình được khán giả đón nhận, họ cần một mô hình khác.

Eric Wold, nhà phân tích của hãng B.Riley Securities, cho biết: "Có rất nhiều người đăng ký dịch vụ phát trực tuyến vì vậy nếu bạn muốn thu hút người xem đến với phim của mình, chiếu rạp trở thành một lựa chọn hiệu quả hơn nhiều".

Về phần Jeff Logan, ông hài lòng khi các hãng phim ở Hollywood, sau khi cư xử như thể rạp chiếu phim cần họ, đang thay đổi quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.