Hôm nay, Việt Nam xuất hiện nhật thực hiếm gặp: Quần đảo Trường Sa nơi quan sát tốt nhất

20/04/2023 14:27 GMT+7

Sáng và trưa nay (20.4), nhật thực kỳ thú sẽ xuất hiện và có thể quan sát được ở nhiều tỉnh thành Việt Nam, trong đó có TP.HCM. Theo dự báo, quần đảo Trường Sa có có độ che phủ cao nhất, lên tới 20%.

Theo dự báo của Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), hôm nay 20.4.2023 sẽ diễn ra hiện tượng nhật thực lai đặc sắc. Đặc biệt, không phải ai trên thế giới cũng có thể được quan sát được hiện tượng này.

Hôm nay, Việt Nam xuất hiện nhật thực: Quần đảo Trường Sa quan sát tốt nhất - Ảnh 1.

Nhật thực toàn phần và vành nhật hoa do HAAC chụp ngày 9.3.2016 tại Belitung (Indonesia)

HAAC

Nhật thực lai là gì?

Theo HAS, nói một cách đơn giản, hiện tượng này xảy ra khi mặt trăng nằm giữa trái đất và mặt trời, cản một phần ánh sáng đi từ mặt trời tới trái đất chúng ta. Khi đó cái bóng của mặt trăng sẽ đổ xuống trái đất. Tại những vùng mà bóng mặt trăng quét qua, mọi người sẽ quan sát thấy mặt trời bị mặt trăng che mất một phần (nhật thực một phần), hoặc che mất hoàn toàn (nhật thực toàn phần).

Thi thoảng, mặt trời bị che khuất phần giữa, vẫn còn để lộ ra một vòng sáng bên ngoài, ta gọi đó là nhật thực hình khuyên.

Nhật thực lai (hybrid solar eclipse) là một loại nhật thực "lai" giữa nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên. Khi nhật thực lai xảy ra, một số vùng trên trái đất sẽ quan sát được pha toàn phần, một số vùng khác sẽ quan sát được pha hình khuyên (và dĩ nhiên, một số nơi khác nữa chỉ thấy được pha một phần).

Tại Việt Nam, chúng ta cũng chỉ thấy một hiện tượng nhật thực một phần tương đối nhạt nhòa. Nhật thực lần này sẽ bắt đầu ở phía Nam biển Ấn Độ Dương, quét qua châu Úc, Đông Nam Á và kết thúc ở Thái Bình Dương.

Hôm nay, Việt Nam xuất hiện nhật thực: Quần đảo Trường Sa quan sát tốt nhất - Ảnh 3.

Nhật thực luôn là hiện tượng thiên văn kỳ thú được nhiều người mong chờ.

HAAC

“Không may, vùng nhìn thấy được pha nhật thực hình khuyên và toàn phần rất hẹp, đa phần là biển cả. Tại Việt Nam, chúng ta có thể quan sát được pha một phần. Vùng nhìn thấy được là các tỉnh phía Nam, từ Quảng Trị trở vào Nam. Thuận lợi nhất là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Nhưng ngay cả ở đây thì độ che khuất cũng chỉ là 8% (tức Mặt Trời chỉ bị che mất 8%). Con số này ở TP Hồ Chí Minh là 5%”, HAS cho biết.

TP.HCM có thuận lợi quan sát?

Theo số liệu từ Time and Date, tại TP.HCM nhật thực diễn ra sáng và trưa ngày 20.4 sẽ bắt đầu vào lúc 10 giờ 36 phút. Sau đó, hiện tượng đạt cực đại vào lúc 11 giờ 20 phút với độ che phủ là 5,2%. Đúng 12 giờ 6 phút, hiện tượng kết thúc.

Cũng theo các chuyên gia, chỉ có vùng quần đảo Trường Sa có thể quan sát nhật thực với độ che phủ lên tới khoảng 20%.

Sau lần nhật thực này, phải chờ đến ngày 2.8.2027, nhật thực mới lại diễn ra ở Việt Nam. Tuy nhiên độ che khuất cũng không khá khẩm hơn lần này. Gần một năm sau đó, vào ngày 22.7.2028, người Việt mới được chào đón một hiện tượng nhật thực một phần đáng xem, khi có nơi đạt đến độ che khuất là 33%.

Hôm nay, Việt Nam xuất hiện nhật thực: Quần đảo Trường Sa quan sát tốt nhất - Ảnh 5.

Để quan sát nhật thực, nên mua các thiết bị chuyên dụng để đảm bảo an toàn.

PHẠM HỮU

Dù độ che phủ của nhật thực lần này không quá cao, nhưng anh Hứa Hưng (28 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết bản thân vẫn quyết định đặt mua kính chuyên dụng để có thể quan sát nhật thực.

“Tôi hiếm khi bỏ qua hiện tượng thiên văn nào. Lần này tôi theo dõi sát khung giờ xuất hiện nhật thực, ngay lúc đi làm nhưng chắc chắn vẫn sẽ lên sân thượng của công ty để xem. Mong mọi người cũng nên chú ý khi quan sát hiện tượng này để đảm bảo an toàn", anh bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.