Homestay hút cả 'ta ba lô'

20/06/2016 21:02 GMT+7

Mô hình homestay ngày càng nở rộ, phát triển ở vùng cao phía Bắc và đang là lựa chọn yêu thích của nhiều du khách trong nước, không chỉ “Tây ba lô”.

Giá bình dân, nhiều lựa chọn
Ở nhiều vùng du lịch nổi tiếng như Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), Nghĩa Lộ (Yên Bái), mô hình homestay ngày càng được đầu tư phát triển về chất lượng dịch vụ, hướng đến phục vụ du khách trong nước thay vì chỉ dành cho khách nước ngoài như trước đây.
Sáng lập mô hình homestay Tabalo với ngôi nhà 4 tầng gồm 10 phòng nghỉ tại thị trấn Sa Pa, chị Trần Xuân Anh cho rằng, homestay bây giờ không còn là lựa chọn của nhóm khách ít tiền như thanh niên, sinh viên. Không ít khách ở Tabalo làm trong giới ngân hàng, kinh doanh, có thu nhập khá giả. Mô hình homestay ngày nay được thiết kế đa dạng phục vụ nhiều đối tượng khách khác nhau. Ở Tabalo hiện có 6 phòng lớn, mỗi phòng rộng từ 30 - 40 m2 dành cho bạn trẻ đi phượt, du lịch theo nhóm, giá từ 70.000 - 100.000 đồng/người/đêm. 4 phòng diện tích nhỏ hơn phục vụ khách đi theo gia đình và khách lẻ, giá từ 400.000 - 500.000 đồng/phòng/đêm.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Trọng Nguyên, Phó phòng Quản lý văn hóa và du lịch UBND H.Sa Pa cho biết, H.Sa Pa có 119 cơ sở homestay, nhiều nhất ở các xã Tả Van, Lao Chải và San Sản Hồ. Cơ sở nhỏ phục vụ từ 15 - 20 du khách. Chất lượng phòng nghỉ đều được cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định. Người dân kinh doanh dịch vụ này được nhiều tổ chức phi Chính phủ đào tạo, hỗ trợ về kỹ năng phục vụ, dạy tiếng Anh giao tiếp để đón khách nước ngoài.

Có cơ ngơi 20 phòng nghỉ homestay ở xã Tả Van (H.Sa Pa, Lào Cai), anh Mã Anh Cường chia sẻ, trước đây gia đình anh chủ yếu liên kết với công ty lữ hành đón khách nước ngoài. Gần 2 năm trở lại đây, lượng khách Việt đến homestay tăng đột biến. Giá thuê phòng nếu đi theo nhóm là 100.000 đồng/người/đêm, còn dãy phòng đẹp nhất nhìn ra suối Mường Hoa cao nhất là 500.000 đồng/phòng.
Cũng theo anh Cường, homestay có nhiều mức giá tương ứng với nhiều loại phòng khách nhau phù hợp cho khách đi theo nhóm hoặc gia đình. Ngoài phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, các homestay còn cung cấp thêm nhiều dịch vụ đi kèm phục vụ du khách vui chơi, giải trí. “Đến vùng cao, vào bản chọn ở homestay cùng người dân địa phương, du khách dễ hòa nhập, trải nghiệm cuộc sống mà nếu ở trong nhà nghỉ, khách sạn, khó đáp ứng được. Ở các bản du lịch, các chủ homestay thường liên kết với nhau tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các trò chơi dân gian gắn liền với bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mời du khách tham gia trải nghiệm”, anh Cường lý giải vì sao ngày càng có nhiều khách Việt chọn ở homestay.
Anh Nguyễn Văn Bình, đang kinh doanh du lịch homestay ở xã Chao Hạ (thị trấn Nghĩa Lộ, Yên Bái) cho biết, các thành viên trong gia đình phải học nấu nướng, chế biến nhiều món ăn Âu - Á khác nhau. Nhưng cả khách nước ngoài lẫn khách Việt ở homestay của gia đình đều thích món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc ở địa phương.
Lên mạng chọn homestay
Đã nhiều lần ở homestay tại Sa Pa (Lào Cai), Mèo Vạc (Hà Giang), anh Vũ Trường Hùng, làm nghề kinh doanh tại Vĩnh Phúc, cho rằng, một homestay tốt đầu tiên là phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát. Nội thất không đầy đủ cầu kỳ như khách sạn được “chấm sao” nhưng phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt cho du khách. Khi rủng rỉnh tiền bạc, du khách có thể chọn homestay độc đáo, giá phòng không thua kém khách sạn hạng sang nào tại các khu vực trên. “Ở Mèo Vạc, có những homestay, phòng được xây theo kiểu nhà tường trình, nằm biệt lập, yên tĩnh bên sườn núi, giá phòng mỗi đêm đối với khách nước ngoài là 70 USD. Còn nếu ở phòng cộng đồng có nhiều giường thì 350.000/người”.
Cũng theo anh Hùng, các dịch vụ ở homestay được rất chuyên nghiệp, nhiều điểm có quầy bar. Các homestay đều có trang web, facebook…để quảng bá và kết nối với khách hàng nên không khó để tìm kiếm thông tin book phòng.
Trải nghiệm làm món ăn truyền thống của người Mường khi du lịch homestay ở Mai Châu (Hòa Bình) - Ảnh: VEO cung cấp
Trải nghiệm làm món ăn truyền thống của người Mường khi du lịch homestay ở Mai Châu (Hòa Bình). Ảnh: VEO cung cấp
Giám đốc chương trình Tổ chức tình nguyện vì giáo dục Hà Nội (VEO), Phạm Quang Trưởng cho biết anh thường xuyên chọn homestay trong các tour đưa khách đi du lịch trải nghiệm kết hợp với các chương trình giáo dục, chia sẻ kiến thức cho trẻ em, người dân vùng cao. Theo anh Trưởng, nếu so sánh trong vài năm trở lại đây thì chất lượng dịch vụ, phục vụ ở homestay phát triển vượt bậc. Ở nhiều vùng như bản Lác (H.Mai Châu, Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai) đã hình thành những cộng đồng văn hóa homestay.
Cụ thể, ở bản Lác, điểm thay đổi dễ thấy nhất là trước đây các phòng nghỉ đồ dùng cơ bản như vỏ chăn, ga gối trước đây mua từ ngoài vào, đa phần hàng Trung Quốc hoa văn đa mầu sắc, thì nay, phòng ngủ được chăm chút bằng những đồ dùng có họa tiết văn hóa đặc trưng dân tộc Mường khiến du khách đặc biệt thích thú. Ngoài ăn nghỉ, các homestay cung cấp thêm nhiều dịch vụ cử người dẫn đường khám phá bản làng vùng cao, cho thuê xe đạp, xe máy,… thậm chí liên kết cơ sở sản xuất thổ cẩm tiếp thị và bán sản phẩm chuyên nghiệp.
Cũng theo anh Nguyễn Quang Trưởng, nhận diện một homestay chất lượng tốt, cách tốt nhất là tìm hiểu thông tin trên các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm du lịch giá rẻ, diễn đàn của “dân” đi phượt. Theo thống kê của VEO, khách đi tour du lịch homestay đa phần là người trẻ và luôn gia tăng hàng năm. Trước khi đến với VEO, nhiều người đã chia sẻ khó khăn khi tìm kiếm, lựa chọn homestay mỗi khi di du lịch vùng cao. “Cũng từ thực tế đó, VEO đang tập hợp các hệ thống dữ liệu và đang triển khai thiết kế một phần mềm cài đặt trên điện thoại di động, trong đó tích hợp đầy đủ mạng lưới, bản đồ các điểm homestay ở vùng cao phía Bắc, thông tin phản hồi, đánh giá của người trải nghiệm dịch vụ về các homestay khi cần khách du lịch có thể sử dụng tham khảo. Dự kiến, phần mềm này sẽ chính thức được VEO công bố trong tháng 9 tới”, anh Trưởng cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.