Hơn 12.000 ha cao su ở Gia Lai chết, kém hiệu quả

01/08/2024 20:22 GMT+7

Ngày 1.8, tại TP.Pleiku (Gia Lai), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan làm việc với tỉnh Gia Lai nhằm tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là vấn đề hơn 12.000 ha cao su chết, kém hiệu quả.

Doanh nghiệp muốn chuyển diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang dự án khác

Theo ông Dương Mah Tiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, từ năm 2018 đến nay, tỉnh này có hơn 12.000 ha cây cao su bị chết, kém phát triển. Hiện các doanh nghiệp mong muốn chuyển đổi các dự án cao su kém hiệu quả sang thực hiện các dự án khác, như: nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi, năng lượng tái tạo… để sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, tạo nguồn thu, tháo gỡ những khó khăn về kinh tế cho các doanh nghiệp.

Tỉnh Gia Lai còn có khoảng 76.000 ha đất lâm nghiệp (thuộc quản lý của các công ty nông lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ và UBND các xã) bị người dân chiếm canh.

Tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ NN-PTNT có hướng dẫn cụ thể về chuyển mục đích sử dụng rừng; trồng rừng thay thế khi chuyển đổi diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang đầu tư các dự án khác. Đối với diện tích cao su bị chết, kém phát triển, tỉnh Gia Lai đề nghị được chuyển sang các dự án khác phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và điều kiện thực tế tại địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng đề nghị Bộ NN-PTNT chủ trì, xem xét đề xuất Chính phủ xử lý vấn đề dân chiếm canh trên đất lâm nghiệp tồn tại lâu nay.

Hơn 12.000 ha cao su ở Gia Lai chết, kém hiệu quả- Ảnh 1.

Hàng ngàn ha cao su tại Gia Lai chết, kém phát triển

TRẦN HIẾU

Bộ NN-PTNT sẽ đồng hành cùng Gia Lai tháo gỡ những khó khăn

Ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), cho rằng tỉnh Gia Lai cần thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ năm 2022. Theo đó, Gia Lai cần phải rà soát kỹ tổng diện tích cao su bị chết để từ đó phân loại, xác định nguồn gốc đất rừng. Trước khi hình thành rừng cao su có rừng tự nhiên hay là đất trống. Bởi khi chuyển đất rừng sang mục đích khác ngoài lâm nghiệp phải tuân theo quy định của luật Lâm nghiệp.

Cụ thể, nếu chuyển mục đích sử dụng rừng trồng thì phải trồng rừng thay thế bằng một diện tích tương đương; đối với rừng tự nhiên phải trồng rừng thay thế bằng ba lần diện tích chuyển đổi. Gia Lai cũng cần xác định phương án cụ thể sử dụng diện tích cao su bị chết này để làm cái gì. Khi đó, tỉnh và các bộ, ngành sẽ cùng nhau bàn hướng tháo gỡ.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc hơn 12.000 ha cao su bị chết, kém hiệu quả nhưng tỉnh Gia Lai chỉ mới có mỗi văn bản đề nghị cho phép chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội là chưa thuyết phục.

"Chúng ta cần có hẳn 1 tập hồ sơ đánh giá kỹ hơn về việc tại sao cao su bị chết và chết rồi thì phải làm sao. Còn nếu chuyển đổi hơn 12.000 ha cao su đó thì sẽ trồng cây gì cho hiệu quả. Sau khi chuẩn bị hồ sơ nghiêm túc, xác định hết thực trạng của vấn đề cao su bị chết, kém phát triển, Bộ NN-PTNT sẽ đồng hành cùng với tỉnh để tháo gỡ những khó khăn trên", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng với những quy định của luật Lâm nghiệp thì không giải quyết được vấn đề chiếm canh ở Tây nguyên. Cần phải đặt trong quá trình lịch sử của Tây nguyên, từ khi bà con di dân tự do, lấn chiếm đất rừng cũng như việc chuyển đổi cổ phần hóa các công ty nông, lâm nghiệp.

"Chúng ta cần phải nghiêm túc hơn, cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc, nhìn từ thực tế địa phương để có những đề xuất tốt hơn về việc người dân chiếm canh trên đất lâm nghiệp", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.