Công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh là một trong những biện pháp cần thiết để phòng ngừa hành vi tự hủy hoại bản thân |
HÀ ÁNH |
Từ đề tài nghiên cứu sinh của mình, thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh, Phó trưởng khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã chia sẻ về thực trạng hành vi tự hủy hoại bản thân của trẻ vị thành niên ở các đô thị phía nam Việt Nam. Thông tin này gây chú ý tại Hội thảo khoa học chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng 27.12.
Nhiều trường học không có phòng tham vấn cho học sinh
Trong đó, từ thực tế khảo sát với hơn 3.400 trẻ vị thành niên, thạc sĩ Mỹ Hạnh đã có kết quả nghiên cứu sàng lọc lần 1 với hơn 37% (tương đương 1.289 trẻ vị thành niên) ở các đô thị phía nam Việt Nam có nguy cơ tự hủy hoại bản thân. Kết quả nghiên cứu sàng lọc lần 2 cho thấy 6,1% (213 trẻ vị thành niên) cố ý tự thực hiện hành vi gây hại, gây tổn thương, thương tích chính mình (1-4 lần/năm). Đáng chú ý, trong đó là 5,6% số trẻ có biểu hiện tự hủy hoại bản thân ở mức nặng, có xu hướng thực hiện rất thường xuyên hành vi này (từ 12 lần trở lên/năm), để lại hậu quả rất nghiêm trọng.
Cũng trong nghiên cứu của mình, thạc sĩ Mỹ Hạnh chia sẻ kết quả đánh giá các biện pháp phòng ngừa hành vi tự hủy hoại bản thân và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ vị thành niên. Tác giả đã sử dụng phương pháp điều tra bảng hỏi nhằm khảo sát giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần và các nhà khoa học để đánh giá tính cần thiết và khả thi của các biện pháp phòng ngừa. Cụ thể, 200 khách thể được khảo sát đến từ các địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ và Long An. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 70 trường không có phòng tham vấn cho học sinh.
Từ thực tiễn đó, thạc sĩ Mỹ Hạnh cho rằng các biện pháp phòng ngừa hành vi tự hủy hoại bản thân cho trẻ vị thành niên ở các đô thị sẽ góp phần chăm sóc tinh thần cho các em, đặc biệt là bối cảnh hậu Covid-19 là cần thiết.
3 nhóm biện pháp phòng ngừa
Tác giả nghiên cứu này nêu ra 3 nhóm biện pháp phòng ngừa như: nâng cao nhận thức, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ vị thành niên và tham vấn tâm lý cho học sinh có nguy cơ cao.
Trong nhóm biện pháp về nâng cao nhận thức, đáng chú ý là việc tích hợp các nội dung về phòng ngừa hành vi tự hủy hoại bản thân vào chương trình giáo dục công dân và hoạt động trải nghiệm.
Cụ thể, theo thạc sĩ Mỹ Hạnh, nhà trường có thể tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn cho tổ giáo dục công dân, hoạt động trải nghiệm thảo luận về các nội dung có thể tích hợp liên quan phòng ngừa hành vi tự hủy hoại bản thân.
Chương trình giáo dục công dân ở bậc THCS có thể tích hợp vào các chủ đề như: tự nhận thức bản thân (lớp 6), ứng phó với tâm lý căng thẳng (lớp 7), xác định mục tiêu cá nhân (lớp 8), thích ứng với thay đổi (lớp 9).
Theo nhiên, theo Phó trưởng khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tổ chuyên môn cần phân tích yêu cầu cần đạt để tích hợp nội dung phòng ngừa hành vi tự hủy hoại bản thân nhưng không đi quá xa với yêu cầu cần đạt của chủ đề, không tạo áp lực học tập.
“Các nội dung tích hợp nên hướng vào hoạt động vận dụng, thực hành. Ví dụ như thực hành được một số cách ứng phó tích cực khi căng thẳng và yêu cầu cần đạt trong chủ đề ứng phó với tâm lý căng thẳng ở lớp 6. Giáo viên có thể xây dựng một tình huống có liên quan đến hành vi tự hủy hoại bản thân để giúp trẻ vị thành niên nhận ra rằng cách ứng phó này là tiêu cực. Từ đó, liên hệ và nhấn mạnh, thực hành vào các cách ứng phó tích cực”, thạc sĩ Mỹ Hạnh phân tích.
Theo thạc sĩ Mỹ Hạnh, biện pháp tích hợp vào hoạt động trải nghiệm và hoạt động hướng nghiệp có thể kết hợp với việc tổ chức các chuyên đề tâm lý, giáo dục kỹ năng sống phòng ngừa hành vi tự hủy hoại bản thân của trẻ vị thành niên. Các biện pháp kết hợp phải đảm bảo tính hệ thống, tính đa dạng và hứng thú với trẻ vị thành niên và các tiêu chuẩn về tổ chức hoạt động trải nghiệm trong nhà trường. Thông qua biện pháp này cũng có thể nâng cao nhận thức cho học sinh về hành vi tự hủy hoại bản thân.
Bình luận (0)