Khảo sát đáng báo động về tỷ lệ trẻ có nguy cơ tự hủy hoại bản thân

Hà Ánh
Hà Ánh
27/12/2022 13:39 GMT+7

Kết quả khảo sát của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy hơn 1.200 trẻ vị thành niên ở các đô thị phía nam có nguy cơ tự hủy hoại bản thân, trong đó không ít trẻ tự gây thương tích từ 1-4 lần/năm.

Kết quả khảo sát “Hành vi tự hủy hoại bản thân của trẻ vị thành niên ở các đô thị phía nam Việt Nam” được chia sẻ tại hội thảo

HÀ ÁNH

Số liệu đáng báo động về tỷ lệ trẻ vị thành niên có nguy cơ tự hủy hoại bản thân, có nguy cơ tự sát đã được nêu ra tại Hội thảo khoa học chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng 27.12.

Hơn 37% trẻ vị thành niên có nguy cơ tự hủy hoại bản thân

Chia sẻ tại hội thảo, thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh, Phó trưởng khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết đã thực hiện nghiên cứu về thực trạng “Hành vi tự hủy hoại bản thân của trẻ vị thành niên ở các đô thị phía nam Việt Nam”.

Kết quả khảo sát với hơn 3.400 trẻ vị thành niên và nghiên cứu sàng lọc lần 1 cho thấy, hơn 37% (tương đương 1.289 trẻ vị thành niên) ở các đô thị phía nam có nguy cơ tự hủy hoại bản thân. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu sàng lọc lần 2 cho thấy 6,1% (213 trẻ vị thành niên) cố ý tự thực hiện hành vi gây hại, gây tổn thương, thương tích chính mình (1-4 lần/năm).

Về mức độ tự hủy hoại bản thân, thạc sĩ Mỹ Hạnh chỉ ra rằng, hơn 53% trẻ vị thành niên ở đô thị phía nam thực hiện hành vi này ở mức trung bình. Ở mức này, xu hướng biểu hiện là trẻ thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân thường xuyên (từ 8-11 lần/năm), để lại hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hơn 41% trẻ có biểu hiện tự hủy hoại bản thân ở mức nhẹ, xu hướng thực hiện 5-7 lần/năm, để lại hậu quả ít nghiêm trọng.

“Cuối cùng, 5,6% tự hủy hoại bản thân ở mức nặng, xu hướng biểu hiện trẻ vị thành niên thực hiện rất thường xuyên (từ 12 lần trở lên/năm), để lại hậu quả rất nghiêm trọng”, thạc sĩ Hạnh chia sẻ.

Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh phát biểu tại hội thảo sáng 27.12

HÀ ÁNH

Nhiều sinh viên bị lo âu, trầm cảm “mức độ nặng”

Không chỉ học sinh, hội thảo còn nêu ra những vấn đề tâm lý, tâm thần mà sinh viên đang gặp phải. Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Lâm Thanh Nghĩa, học viên cao học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ về thực trạng sức khỏe tâm thần của sinh viên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại TP.HCM. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát với 604 sinh viên những suy nghĩ về một thời điểm gặp khó khăn nhất trong các thời điểm giãn cách xã hội do đại dịch.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sinh viên tại TP.HCM có nguy cơ “trầm cảm nặng”, chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 42%, nguy cơ “trầm cảm trung bình” có hơn 33%, nguy cơ “trầm cảm nhẹ” với 19% và nguy cơ “trầm cảm tối thiểu” chiếm 5,6%.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, biểu hiện trầm cảm ở sinh viên có mức độ xuất hiện từ 7-12 ngày, với những biểu hiện như: ít hứng thú hoặc không có niềm vui thích làm việc gì; khó tập trung vào một việc gì đó như đọc sách, báo hay xem TV; cảm thấy chán nản kiệt sức hay tuyệt vọng; khó ngủ, ngủ không sâu hoặc ngủ quá nhiều; cảm thấy mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng; chán ăn hoặc ăn quá nhiều…

Về thực trạng lo âu của sinh viên, kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ lo âu “nặng” chiếm tỷ lệ cao nhất với 41% tổng số khách thể, mức “trung bình” có 39% tương ứng với 237 khách thể và mức lo âu “nhẹ” chiếm 20%.

“Kết quả khảo sát trên cho thấy, mức độ lo âu của sinh viên các trường ĐH tại TP.HCM ở mức nặng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Không có sự khác biệt đáng kể về mức độ nguy cơ trầm cảm và lo âu của sinh viên giữa giới tính và các năm học nhưng có sự khác biệt về mức độ lo âu của sinh viên giữa các trường”, ông Lâm Thanh Nghĩa kết luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.