Ngày 28.10, ông Nguyễn Ngọc An, Chủ tịch UBND P.Minh Khai, Q.Hồng Bàng (TP.Hải Phòng), cho biết xóm chài trên sông Tam Bạc có 62 hộ gia đình, cá nhân trú ngụ trên nhà thuyền. Để phục vụ dự án cải tạo, chỉnh trang sông Tam Bạc giai đoạn 2, thành phố quyết định xóa bỏ xóm chài Tam Bạc từ năm 2019. Tuy nhiên do dịch Covid-19 bùng phát nên việc di dời, xóa bỏ hoãn cho đến nay.
Xóm chài trên sông Tam Bạc đang được TP.Hải Phòng chỉ đạo di dời sau hơn 40 năm tồn tại để phục vụ dự án cải tạo sông Tam Bạc giai đoạn 2 |
Giang LINH |
Hạn chót chính quyền Hải Phòng yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại xóm chài trên phải di dời, trả lại mặt nước, bờ sông đã hết (ngày 27.10).
Theo ông An, về cơ bản các hộ gia đình, cá nhân chấp hành, đã nhận tiền hỗ trợ di dời của thành phố với số tiền 10 triệu đồng/hộ. Gần chục hộ gia đình, cá nhân đã dọn hết đồ đạc, tài sản từ dưới nhà thuyền lên các nhà trọ gần đó hoặc về quê. Đáng chú ý, 2 cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt đã được nhà chức trách chuyển vào Trung tâm Thanh Xuân nuôi dưỡng.
“Các hộ, cá nhân còn lại xin gia hạn ít ngày để đi tìm nhà trọ cũng như chờ nước nổi để kéo nhà thuyền ra khỏi xóm chài.”, ông An nói.
Người dân rút đi để lại trên khúc sông Tam Bạc những xác thuyền bê tông đã hỏng cùng nhiều rác thải |
GIANG LINH |
Theo ghi nhận của Thanh Niên chiều 30.10, nước sông Tam Bạc xuống thấp, cả xóm chài nằm chênh vênh trên mặt bùn đất hôi hám bởi bùn đất và các loại rác thải tích tụ lâu ngày. Trên sông lúc này nước chưa lớn, lộ ra nhiều xác thuyền bê tông tan hoang cùng đủ các loại rác thải. Những “chiến” thuyền cũ nát bị đánh đắm hiện ra bên cạnh những nhà thuyền trống rỗng do chủ nhân đã thực hiện xong việc di dời.
Một số hộ dân sau khi nhận tiền hỗ trợ di dời đã chuyển đồ đạc lên bờ, thuê nhà trọ, để lại xóm chài với những nhà thuyền bê tông hư hỏng |
giang linh |
Việc thu dọn các xác thuyền bị đắm, đang được nhà chức trách tiến hành.
Một số hộ vẫn nấn ná chưa di dời vì chưa biết đi đâu về đâu do không có quê, cũng chẳng có người thân thích. Số khác thì đang chờ nước nổi để thuê phương tiện kéo nhà thuyền tìm bến đỗ mới.
Chông chênh phận thuyền chài
Chấp hành, đồng thuận, nhận tiền hỗ trợ di dời, nhưng nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn hiện rất hoang mang, lo lắng, không biết đi đâu, về đâu vì số tiền hỗ trợ chỉ đủ thuê nhà trọ 3 - 4 tháng… Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều hộ vẫn phải bám theo con nước để chài lưới trên sông Cấm qua ngày.
Hộ bà Nguyễn Thị Tưới (66 tuổi, quê Hải Phòng) có 2 mẹ con và là một trong số ít hộ tại xóm chài được chính quyền địa phương xếp vào hộ có hoàn cảnh đặc biệt. Bà Tưới cho biết, vợ chồng bà là người gốc Hải Phòng, cắm sào neo thuyền cư ngụ tại khúc sông Tam Bạc đã gần 50 năm. Cuộc sống thuyền chài đã cướp đi 2 người con trai của vợ chồng bà hơn 30 năm về trước.
Nơi ở của 2 mẹ con bà Nguyễn Thị Tưới tại xóm chài Tam Bạc |
GIANG LINH |
Chồng bà bạo bệnh qua đời khi đứa con thứ ba chào đời được 3 tháng tuổi. Còn lại một người con, hai mẹ con bà Tưới bồng bế nhau chài lưới qua ngày đoạn tháng đến nay đã thấm thoát 27 năm.
Nghèo khó, không tấc đất cắm dùi, đến nay cả 2 mẹ con bà đều không biết chữ, không giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu.
Bà Tưới xác định, 2 mẹ con bà cũng như các hộ gia đình, cá nhân khác trú ngụ trên khúc sông Tam Bạc giữa lòng thành phố là tạm bợ, không được phép nhưng do cuộc sống quá khó khăn, đành chấp nhận bám víu đoạn sông này để sống qua ngày.
Bà chia sẻ, mẹ con bà đồng thuận với chủ trương của thành phố và chỉ mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm xem xét đến hoàn cảnh của 2 mẹ con mà tạo điều kiện cho thuê gian nhà tập thể nào đó để có chỗ cư ngụ.
Theo chồng phiêu dạt từ Hải Dương đến phố cảng đã hơn 40 năm, cụ Nguyễn Thị Phò (78 tuổi) một mình sống trên chiếc thuyền xi măng rộng 4 m2, được cột dây chặt vào cọc gỗ.
Cụ sinh được 5 người con, nhưng cuộc sống sông nước đã cướp đi 2 người. "Người ta bảo không ai khó 3 đời, nhưng gia đình tôi 5 đời đều nghèo khó. Có quê nhưng không có đất, có nhà. Cuộc sống cứ lênh đênh trên thuyền", bà cụ nói và cho biết thêm, hiện con gái cụ là bà Nguyễn Thị Ánh (52 tuổi) bị bệnh không lên bờ làm thêm làm mướn được. Cụ Phò phải dời thuyền sang thuyền con gái ở để giúp con giúp cháu mặc dù tuổi cao, sức yếu.
Bà Nguyễn Thị Ánh cùng đứa cháu đang ngồi cửa thuyền trông ngóng xa xăm... |
GIANG LINH |
Là con gái lớn của cụ Phò, bà Ánh cho biết, chồng bà mất sớm, nhà chồng nghèo cũng chẳng có gì cho. Trong các con của bà, 2 người con gái lớn bị câm điếc, thiểu năng trí tuệ. Con gái út đến tuổi lập gia đình, nhưng thương mẹ và các chị nên chưa chịu lấy chồng. Con trai bà thì quá ngán ngẩm cảnh sông nước, đã lên bờ kiếm việc làm.
Hiện cả gia đình bà đang cư ngụ trên chiếc thuyền xi măng đã bị gãy đôi từ 5 năm trước không thể cải tạo, nên không thể di chuyển đi nơi khác được.
Cùng tâm tư với nhiều hộ dân khác trong xóm chài nghèo xác xơ, bà Ánh mong muốn thành phố tạo điều kiện cho gia đình bà một chỗ cắm sào, neo thuyền bên bờ sông bãi sú cũng được để bà cùng mẹ già và các con, các cháu làm túp lều bằng tôn tiếp tục cuộc sống.
Đôi mắt đỏ hoe, chị Anh (43 tuổi) vừa thu dọn đồ đạc để chuyển lên bờ vừa cho biết, chị lớn lên trên xóm chài Tam Bạc cùng bố mẹ. Sau khi trưởng thành, chị lấy chồng quê Quảng Ninh. Nhà chồng nghèo, không có đất, không có kinh tế hỗ trợ. Thương con, bố mẹ chị Anh nhường lại chiếc thuyền bằng xi măng rộng khoảng 6 m2 để con gái, con rể làm nơi trú ngụ.
Con thuyền bê tông nhỏ đã cũ, hư hỏng là tài sản được "thừa kế" từ bố mẹ, trở thành nơi trú ngụ của vợ chồng chị Anh cùng 2 con nhỏ tại xóm chài Tam Bạc |
GIANG LINH |
Ban ngày, vợ chồng chị lên phố tìm kiếm việc làm, tối về cả nhà 4 thành viên (2 vợ chồng chị Anh cùng 2 con - PV) ngủ trên thuyền.
“Gia đình rất cảm ơn thành phố đã hỗ trợ tiền di chuyển nhưng thuyền đã cũ, hư hỏng một phần, hơn nữa không biết kéo đi đâu để neo đậu được. Vợ chồng tôi quyết định lên bờ thuê nhà trọ để thay đổi cuộc sống, để 2 cháu nhỏ có điều kiện ăn học hơn. Khó khăn thì là khó khăn rồi”, chị Anh tâm sự.
Theo chính quyền P.Minh Khai, xóm chài trên sông Tam Bạc hình thành tự phát và tồn tại đến nay hơn 40 năm. Mọi người từ các vùng quê khác nhau như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên xuôi theo dòng nước dạt về khúc sông này cắm sào, trú ngụ trên các nhà thuyền tự chế bằng bê tông qua nhiều thế hệ.
Đa số đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, người thì mắc bệnh hiểm nghèo, người vô gia cư không nơi nương tựa, người không biết chữ và không giấy tờ tùy thân...
Dự án chỉnh trang sông Tam Bạc giai đoạn 2 được khởi công từ ngày 21.10, tổng đầu tư gần 560 tỉ đồng từ nguồn ngân sách, gồm các hạng mục: xây dựng tuyến kè dọc sông Tam Bạc và sông Cấm dài 819 m; cải tạo mở rộng đường Tam Bạc, đường Bến Bính, đường Nguyễn Thượng Hiền.
Để thực hiện dự án, chính quyền quận Hồng Bàng sẽ giải phóng mặt bằng 5,64 ha của 78 hộ dân và 15 tổ chức với tổng chi phí hơn 200 tỉ đồng. Các hộ dân thuộc xóm chài Tam Bạc không nằm trong diện được đền bù hay hỗ trợ tái định cư.
Bình luận