Ngày 26.11, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.Cần Thơ phối hợp các đơn vị tổ chức Phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực ĐBSCL và các tỉnh lân cận lần thứ 2.
Do dịch Covid-19, người lao động tham gia phỏng vấn trực tiếp rất ít |
THANH DUY |
Phiên giao dịch có sự tham gia của 153 đơn vị tuyển dụng, với hơn 46.400 vị trí việc làm ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, như: kỹ sư, nhân viên kế toán, nhân viên bán hàng, tài xế lái xe, công nhân may, nhân viên kinh doanh... Trong đó, TP.HCM có 10 doanh nghiệp tham gia với gần 5.000 vị trí tuyển dụng; Bình Dương có 6 đơn vị tuyển dụng hơn 4.800 lao động; TP.Cần Thơ có 7 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng là 1.200 lao động…
Việc 'tìm' người lao động
Tại phiên giao dịch, trung tâm dịch việc làm các tỉnh, thành và doanh nghiệp, cho biết do ảnh hưởng dịch Covid-19, hình thức tuyển dụng trực tuyến đã gây khó khăn cho nhiều đối tượng lao động phổ thông, đặc biệt là những người chưa có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin.
Nhiều người lao động gặp trở ngại khi xin việc theo hình thức online |
THANH DUY |
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.Cần Thơ, cho biết dòng chảy tìm việc hiện nay có xu hướng đảo ngược. Những năm trước, người lao động đến trực tiếp trung tâm để tìm hiểu nhu cầu việc làm. Hiện nay, do hạn chế di chuyển để phòng dịch Covid-19, các trung tâm nỗ lực tìm cách thông tin tuyển dụng đến người lao động sao cho kịp thời. Công tác phối hợp tuyên truyền trên website và trang mạng xã hội được đẩy mạnh.
“Hằng tuần, trung tâm liên tục cập nhật các mẫu đăng ký tuyển dụng; thường xuyên thực hiện chương trình tư vấn làm thủ tục, hồ sơ dự tuyển bằng hình thức online; hướng dẫn cách thức phỏng vấn trực tuyến qua ứng dụng Zoom”, bà Vân thông tin.
Trong khi đó, Tiền Giang và Bến Tre phát thông tin tuyển dụng thường xuyên trên đài phát thanh, truyền hình địa phương; Kiên Giang treo băng rôn ở các tuyến đường chính để đông đảo người dân biết đăng ký tham gia.
Ông Trịnh Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh, cho biết địa phương có hơn 37.000 lao động thất nghiệp có nhu cầu tìm việc làm. Đơn vị này đã triển khai mô hình chuyến xe lưu động, mở loa tuyên truyền, phát tờ rơi về sự kiện tuyển dụng tại các vùng sâu, vùng xa, nông thôn; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi làm việc.
“Khá nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã triển khai chính sách hỗ trợ người lao động đi làm lại sau dịch. Chẳng hạn, tổ chức các chuyến xe đưa, rước tận nơi; miễn phí test nhanh Covid-19; tạo điều kiện cho nhân viên tiêm đủ 2 mũi vắc xin; hỗ trợ chỗ ở trọ 1 - 3 tháng; ứng lương trước 1 - 2 triệu đồng để trang trải việc sinh hoạt”, ông Dũng chia sẻ.
Bình luận (0)