Hơn 62% người dân TP.HCM ủng hộ hạn chế xe máy

01/03/2019 14:43 GMT+7

Đa số người dân được khảo sát ủng hộ việc TP.HCM hạn chế các phương tiện cơ giới cá nhân.

Sáng nay (1.3), Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án tăng cường vận tải hành khách công công (VTHKCC) kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.

Hạn chế xe máy là tất yếu

Đại diện đơn vị xây dựng đề án, TS Phạm Hoài Chung, Giám đốc Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho biết, trong số 35.000 phiếu khảo sát, có tới 62,56% người dân đồng ý hạn chế lưu thông phương tiện cơ giới cá nhân. Trong đó, có 40,77% đồng ý hoàn toàn và 21,79% đồng ý với điều cần hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, có các phương thức di chuyển thay thế. Tỷ lệ người dân không đồng ý chiếm 37,44%.
Ông Chung đánh giá, con số này cho thấy những sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân về phương tiện cá nhân, trong đó có niềm mong mỏi có được những phương thức giao thông văn minh, an toàn hơn.
Theo ước tính của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, mỗi năm TP thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỉ USD/năm do ùn tắc giao thông và 2,3 tỉ USD do ô nhiễm môi trường từ các phương tiện cơ giới.
"Do đó, việc phát triển hệ thống giao thông công cộng kết hợp với các biện pháp căn cơ, hạn chế tốc độ tăng trưởng của các phương tiện giao thông cá nhân là điều TP.HCM bắt buộc phải làm" - ông Chung nói.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM cho rằng trong giai đoạn hiện nay xe máy vẫn là phương tiện được coi là tối ưu nhất cho cá nhân. Tuy nhiên, xe máy cũng là nguyên nhân gây rối loạn giao thông, tai nạn, ô nhiễm khí thải, ô nhiễm tiếng ồn, mất an ninh đô thị (cướp giật, tội phạm), gây tác hại đến lối sống, sức khỏe của người dân và ảnh hưởng sự phát triển của giao thông công cộng, bộ mặt đô thị. Do đó, TP.HCM cần có những giải pháp, lộ trình hạn chế loại hình phương tiện này từ việc giảm nguồn cung cho đến phân vùng, gây khó khăn, hạn chế dần... tiến tới cấm sử dụng.

Phải có phương tiện thay thế

Thực tế, xe máy vẫn là phương tiên thuận lợi nhất phục vụ đời sống người dân và cũng phù hợp nhất đối với đặc trưng đô thị TP.HCM hiện nay. Do đó các chuyên gia nhấn mạnh muốn hạn chế, dẫn đến cấm xe máy, bắt buộc phải có phương tiện thay thế đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.
Hạn chế xe cá nhân phải bao gồm hạn chế tăng trưởng của cả xe máy và ô tô Ngọc Dương
 
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công ĐH Fullbright cho rằng để giải quyết bài toán giao thông ở TP.HCM, "chìa khóa" duy nhất chính là phát triển hệ thống giao thông công cộng. TP phải hoàn thiện được hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn như các tuyến metro, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông theo đúng quy hoạch và cải thiện mạng lưới xe buýt. Ông Du lưu ý, hạn chế xe cá nhân là tất yếu nhưng không nên đặt mục tiêu cấm xe máy. Điều này có khả năng dẫn tới xu hướng chuyển dần từ xe máy sang ô tô, biến TP.HCM thành bãi đậu xe khổng lồ như bài học của Manila.
"1 xe ô tô có diện tích chiếm dụng mặt đường bằng 4 - 6 chiếc xe máy. Nếu tất cả những người sử dụng xe máy hiện nay chuyển qua đi ô tô thì ùn tắc sẽ thật sự trở nên kinh hoàng. Do đó, không nên đặt vấn đề cấm xe máy. Nên hạn chế phương tiện cá nhân bằng các chính sách kinh tế như thu phí, thuế, tăng chi phí vận hành... Đồng thời tạo ra hệ thống giao thông công cộng đủ đáp ứng nhu cầu, thu hút người dân" - ông Du nêu ý kiến.
Nhiều chuyên gia cũng góp ý TP nên rà soát kỹ vấn đề pháp lý trước khi đặt vấn đề cấm xe máy, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Đồng thời cần có sự chung tay vào cuộc của nhiều Sở, ngành vì đây là vấn đề rộng, phải đặt trong tổng thể quy hoạch đô thị, kinh tế, xã hội của TP, riêng Sở GTVT không thể thực hiện được.
Kết thúc Hội nghị, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của các chuyên gia, chỉnh sửa đề án trước khi trình UBND, HĐND TP thông qua. "Hạn chế xe cá nhân sẽ được triển khai theo lộ trình và sẽ chỉ đặt vấn đề cấm khi hệ thống giao thông công cộng đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Những biện pháp đưa ra không ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại của người dân mà trên mục tiêu lớn nhất là kéo giảm tai nạn, đảm bảo cho người dân TP có được cuộc sống an toàn, văn minh hơn" - ông Lâm nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.