Hơn 68% mẫu thịt tại TP.HCM được kiểm nghiệm nhiễm khuẩn gây bệnh tiêu hóa

26/01/2018 20:09 GMT+7

Các nhà nghiên cứu đã mua 117 mẫu thịt gồm gà, heo, bò tại các siêu thị và chợ truyền thống tại TP.HCM để phân tích. Kết quả cho thấy 80 mẫu (68,4%) bị nhiễm vi khuẩn Salmonella gây các bệnh về tiêu hóa.

Nghiên cứu được nhóm chuyên gia thuộc Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại TP.HCM thực hiện và công bố hôm nay (26.1).
Bà Nguyễn Thị Nhung, nhà vi sinh học thuộc OUCRU, tác giả chính của đề tài, cho biết: Vi khuẩn Salmonella (loại không gây bệnh thương hàn), tìm thấy trong các loại thịt được bán trên thị trường TP.HCM, nếu không nấu chín kỹ có thể gây bệnh dị ứng, viêm dạ dày, ruột, đau bụng, tiêu chảy. Người nhiễm Salmonella hầu hết đều tự khỏi nhưng một số trường hợp có thể bị các biến chứng nặng tùy vào lượng Salmonella nhiễm phải.
Theo bà Nhung, kết quả này không khác lắm so với các nghiên cứu đã đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế về chất lượng thịt tại Việt Nam nhưng là tỉ lệ nhiễm khuẩn trong thịt rất cao so với châu Âu.
Ước tính có tới 1.500 khuẩn Salmonella trong mỗi gram thịt mua tại chợ truyền thống. Đặc biệt là có tới 52,2% các chủng Salmonella kháng thuốc.
Bà Nhung so sánh với các số liệu giám sát chất lượng thịt của Liên minh châu Âu năm 2014, chỉ ra tỉ lệ các mẫu thịt (mỗi mẫu 25g) ở châu Âu nhiễm Salmonella là 2,26% (thịt gà); 0,62% (thịt heo) và 0,23% (thịt bò). Trong khi đó, tỉ lệ nhiễm Salmonella trong thịt tại TP.HCM là 71,8% (thịt gà); 70,7% (thịt heo) và 62,2% (thịt bò).
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn hợp tác với Viện Thú y Quốc gia và Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Tháp để kiểm tra tồn dư kháng sinh trong thịt. Các nhà khoa học đã kiểm nghiệm 357 mẫu thịt gà, heo, bò thu mua tại chợ và siêu thị tại TPHCM, Đồng Tháp và Hà Nội. Kết quả phát hiện 7,3% mẫu thịt (gà, heo, bò) có tồn dư kháng sinh. Trong đó tỉ lệ tại chợ truyền thống chiếm 9,6% và siêu thị là 2,6%.
Các nhà khoa học khuyến cáo: Con người có thể bị nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh khi tiếp xúc xử lý thịt hoặc ăn thịt, trứng, rau chưa chế biến kỹ. Để phòng tránh lây nhiễm, người chế biến nên rửa tay sạch và cẩn thận trong khâu chế biến thực phẩm, bao gồm việc rửa rau.
“Kết quả trên cho thấy tỉ lệ tồn dư kháng sinh trong thịt có chiều hướng giảm so với những nghiên cứu trước đây tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỉ lệ dù thế nào thì tồn dư kháng sinh trong thịt đều không thể chấp nhận được vì nó thể hiện người chăn nuôi không tuân thủ thời gian ngưng sử dụng kháng sinh cho vật nuôi trước khi xuất chuồng. Tồn dư kháng sinh trong thịt gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bởi có thể khiến người tiêu dùng bị ngộ độc, dị ứng, nguy cơ biến chứng các bệnh lý thần kinh, tim mạch, các bệnh lý đường ruột...”, nghiên cứu của OUCRU đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.