Hơn 81.000 căn hộ ở TP.HCM chưa có sổ hồng

06/07/2023 04:21 GMT+7

Chủ tịch HĐND TP.HCM yêu cầu phải cấp giấy chứng nhận cho các căn hộ không vướng pháp lý ngay trong quý 4/2023.

Chiều 5.7, HĐND TP.HCM tổ chức phiên giải trình về chủ đề công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) tại các dự án phát triển nhà ở thương mại.

Hơn 81.000 căn hộ ở TP.HCM chưa có sổ hồng - Ảnh 1.

Chung cư Lexington Residence (TP.Thủ Đức, TP.HCM) chưa được cấp giấy chứng nhận do đang tháo gỡ vướng mắc về nghĩa vụ tài chính bổ sung

Nguyên Vũ

HAI SỞ CHỊU TRÁCH NHIỆM CHÍNH

Kể từ tháng 7.2014 đến hết tháng 4.2023, có 335 dự án đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận với hơn 191.101 căn hộ; trong đó hơn 110.016 căn đã được cấp sổ hồng và 81.085 căn chưa được cấp. Những căn hộ chưa được cấp giấy chứng nhận vì nhiều lý do như: chờ doanh nghiệp đóng thuế, phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung, vướng quy định về loại hình bất động sản mới, các vướng mắc khác hoặc không có vướng mắc nhưng chưa nộp hồ sơ…

UBND TP.HCM cho biết đã chia thành từng nhóm vướng mắc và đề ra biện pháp tháo gỡ, gắn với trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành. Trong đó, Sở TN-MT chủ trì xử lý vướng mắc về hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận, loại hình bất động sản mới, nghĩa vụ tài chính bổ sung, dự án đang thanh tra, kiểm tra, điều tra và các vướng mắc khác. Còn Sở Xây dựng trực tiếp giải quyết, tham mưu xử lý các vướng mắc như chủ đầu tư vi phạm về pháp luật xây dựng, nghĩa vụ nhà ở xã hội và dự án có đối tượng sở hữu là cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Về giải pháp cụ thể, đối với dự án chủ đầu tư thế chấp giấy chứng nhận dự án, các sở ngành phối hợp ngân hàng, chủ đầu tư hướng dẫn xóa thế chấp. Nếu chủ đầu tư vẫn không xóa thế chấp, Sở

TN-MT gửi văn bản thông báo đến cư dân biết và đề nghị cư dân nộp đơn kiện chủ đầu tư tại tòa. Đối với các dự án chậm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, Sở TN-MT sẽ làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư đề làm rõ nguyên nhân và đề xuất hướng giải quyết cụ thể, nếu chủ đầu tư cố tình không nộp thì sẽ xử lý. Bên cạnh đó, Sở TN-MT cũng tháo gỡ vướng mắc của các loại hình bất động sản mới (officetel, condotel, shophouse) theo Nghị định số 10 năm 2023, có hiệu lực từ ngày 20.5.

Liên quan đến các vi phạm về xây dựng, nếu dự án đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng mà vi phạm một phần thì cấp giấy chứng nhận đối với phần đúng giấy phép, phần sai phép xử lý theo quy định trước khi cấp giấy chứng nhận. Còn các vướng mắc về nghĩa vụ nhà ở xã hội, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng, Sở TN-MT và Cục Thuế rà soát, tổng hợp vướng mắc cũng như đề xuất hướng giải quyết để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.

Hơn 81.000 căn hộ ở TP.HCM chờ cấp sổ hồng

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Trong số hơn 81.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng, có gần 10.300 căn tại 18 dự án hiện tạm dừng thủ tục cấp giấy chứng nhận do đang thanh tra, điều tra. Tại phiên giải trình, đại biểu đặt vấn đề chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai nhưng mang dự án đi thế chấp khiến người mua nhà chưa được cấp sổ hồng thì có xem xét trách nhiệm hình sự.

Trả lời câu hỏi này, đại tá Trần Thị Kim Lý, Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, nhận định vẫn có thể xem xét trách nhiệm hình sự của chủ đầu tư nhưng cần làm rõ nhiều yếu tố khác. Có thể kể đến như chủ đầu tư có đủ điều kiện mua bán nhà ở hình thành trong tương lai hay không, thỏa thuận với người mua nhà trong hợp đồng như thế nào, thời điểm ký hợp đồng trước hay sau thời điểm thế chấp; năng lực của chủ đầu tư, khả năng tài chính của chủ đầu tư khi thực hiện giao dịch. Đặc biệt, theo bà Lý là phải căn cứ ý thức chủ quan của chủ đầu tư khi bán nhà ở hình thành trong tương lai mà vẫn đem tài sản đi thế chấp.

Đại tá Lý cũng cho biết thêm, trong quá trình xác minh tin báo tố giác tội phạm hoặc điều tra vụ án, nếu cần thiết thì cơ quan điều tra sẽ có văn bản yêu cầu cung cấp hồ sơ, hoặc văn bản đề nghị tạm dừng, ngăn chặn cập nhật biến động. Nếu trong văn bản có yêu cầu tạm dừng việc cấp sổ hoặc ngăn chặn cập nhật biến động thì cơ quan chức năng mới thực hiện. Còn nếu văn bản chỉ yêu cầu cung cấp hồ sơ thì Sở TN-MT, Văn phòng Đăng ký đất đai phải thực hiện cấp giấy chứng nhận cho người dân. "Trong quá trình thực hiện, nếu có băn khoăn gì thì trao đổi với cơ quan cảnh sát điều tra để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc", đại tá Lý hướng dẫn thêm.

Yêu cầu xác định lộ trình

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, đánh giá tỷ lệ giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận hằng năm bình quân chỉ đạt 67% là chưa đáp ứng được nhu cầu, tình trạng hồ sơ trễ hạn vẫn còn. Công tác giải quyết các vướng mắc liên quan việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà chưa đồng bộ, thiếu sự lãnh đạo xuyên suốt từ TP đến quận, huyện. Bà Lệ đề nghị UBND TP.HCM phân công cơ quan chủ trì đánh giá toàn diện các dự án nhà ở thương mại từ khi được cấp phép đầu tư đến khi nghiệm thu hoàn thành và cấp giấy chứng nhận. Đối với các dự án đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận, lãnh đạo HĐND TP.HCM yêu cầu phải xác định lộ trình, kế hoạch tháo gỡ vướng mắc để giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà. Trong đó, các dự án không có vướng mắc hoặc đã được tháo gỡ về mặt pháp lý thì phải đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận, chậm nhất là quý 4/2023.

Ngoài ra, bà Lệ cũng đề nghị thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử phạt hành chính đối với các chủ đầu tư vi phạm về đầu tư, xây dựng, thế chấp, huy động vốn, chuyển nhượng, nghiệm thu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.