Hỗn loạn sử dụng thuốc tây: Bệnh nhân tự làm... bác sĩ

15/04/2015 21:41 GMT+7

Nhiều người dân tự chẩn bệnh, rồi mua thuốc điều trị, mà không biết mình đang mang lại những nguy cơ cho sức khỏe bản thân.

Nhiều người dân tự chẩn bệnh, rồi mua thuốc điều trị, mà không biết mình đang mang lại những nguy cơ cho sức khỏe bản thân.
Thay vì đến khám bác sĩ để tìm bệnh như thế này thì nhiều người lại tự ý chẩn bệnh, dẫn đến những hệ lụy khó lường - Ảnh: Diệu Hiền
“Chóng mặt, nhức đầu chắc thiếu máu, thiếu canxi!”
Suốt nhiều ngày liền đến các hiệu thuốc tây lớn nhỏ tại Đà Nẵng, chúng tôi chứng kiến hầu hết những người đến mua thuốc đều tự khai triệu chứng rồi phán bệnh của mình theo kiểu “thầy bói mù xem voi”. Tại tiệm thuốc P.T trên đường Hùng Vương, một phụ nữ trạch 35-37 tuổi, bước vào và tự nói: “Mấy hôm nay tự dưng chóng mặt, nhức đầu chắc thiếu máu, thiếu canxi. Bán cho tôi thuốc canxi và viên sắt để uống bổ sung!”. Khi tôi hỏi vui sao chị không đi bác sĩ, thì chị cười bảo: “Mấy cái bệnh lặt vặt ni, tự mình biết chứ cần chi đến bác sĩ! Ở nhà, cứ bệnh lặt vặt của tui với mấy đứa con, tui toàn tự mua, đi khám bác sĩ đợi lâu lắc mà cũng chừng đó bệnh, chừng đó thuốc, mà tiền thì đắt!”.
Một người bạn dược sĩ bán thuốc cho một tiệm thuốc tây ở Q.Hải Châu khi nghe tôi kể lại chuyện thì bảo, trường hợp này hết sức phổ biến. Nhiều người đau ốm gì cũng tự đến tiệm thuốc đọc tên thuốc rồi mua, nhất là thuốc ho, cảm, sốt, đau bụng, dạ dày... Thậm chí cả những bệnh như huyết áp, rối loạn tiền đình cũng tự thấy đau, đi mua thuốc mà không cần khám. “Nhiều bệnh nhân đến khám cũng tự chẩn bệnh, nói tôi bị thiếu canxi rồi, mua canxi uống mãi mà sao không bớt. Nhưng khi kiểm tra thì bị rối loạn tiền đình không phải là thiếu canxi”, bác sĩ Tô Thị Phương, công tác tại khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ. Bác sĩ Phương cũng kể thêm, nhiều bệnh nhân đau đầu nên đo huyết áp, cho là tăng huyết áp nên mua thuốc huyết áp uống, thì bị tụt huyết áp, gây tác dụng phụ là bị phù nề hoặc ho. Sau đó tiếp tục đi điều trị bệnh ho mà không biết đó là tác dụng phụ của việc dùng thuốc, nên bệnh chính cứ chuyển nặng mà không hay, không biết...
Bệnh cũ, nên dùng toa thuốc cũ
Cùng với việc tự chẩn đoán bệnh, một thực trạng phổ biến nữa không chỉ ở Đà Nẵng mà xảy ra ở nhiều nơi, đó là việc sử dụng những đơn thuốc cũ để điều trị những bệnh có các triệu chứng giống như những lần đi khám trước. Anh N.C.H (trú Q.Sơn Trà, Đà Nẵng), khi thấy con trai ho, sốt thì vội vàng tìm lại đơn thuốc cũ bác sĩ cho cách đây nhiều năm đi mua ở tiệm thuốc tây để tự điều trị. Nhưng lần này bệnh con không thuyên giảm. Anh mua tiếp một liều nữa để điều trị nhưng bệnh càng chuyển nặng. Lúc này anh mới tìm đến bác sĩ để khám và được biết, liều lượng thuốc cũ không hợp với cân nặng mới của cháu, đồng thời, cũng sốt ho nhưng cháu không phải là cảm mạo như trước mà là viêm phổi cấp. “Lúc đó tôi thấy ân hận vô cùng vì tính chủ quan của mình”, anh H. buồn bã nói.
Làm lâu năm với công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Trường Minh, Trưởng khoa Khám-Cấp cứu cũng gặp không ít trường hợp bệnh nhân đến với bác sĩ khi bệnh chuyển nặng và cho hay đã tự mua thuốc điều trị dài ngày ở nhà mà không khỏi bệnh. “Có những bệnh cũng là sốt, nhưng do nhiều nguyên nhân, triệu chứng bộc lộ ra ngoài giống nhau nhưng bệnh khác nhau. Nhiều người bệnh thậm chí còn dùng đơn thuốc của bạn bè để đi mua thuốc cho mình rồi... uống vô tư. Họ cho rằng vì triệu chứng của bạn cũng giống mình, nhưng mỗi cơ địa và khả năng thích ứng thuốc khác nhau hoàn toàn, nên nếu không đúng thuốc, thì thay vì điều trị cho khỏi bệnh, còn làm cho bệnh nặng thêm và phát sinh nhiều bệnh khác”, bác sĩ Minh lý giải. Các bác sĩ cũng cho biết, nhiều loại thuốc có tính điều trị đặc dụng, nhưng cũng có những tác dụng phụ. Vì vậy, nhiều bác sĩ kê đơn 2-3 ngày rồi yêu cầu tái khám để theo dõi, nhưng nhiều người uống xong thuốc thấy chưa khỏi, vội tự đi mua thuốc khác để điều trị mà không để tâm nhiều loại thuốc kháng nhau, nên hậu quả để lại không nhỏ.
Và cùng với việc tự ý dùng thuốc, có một thực trạng hiện nay dễ nhận thấy, cổ súy cho việc “tự chẩn bệnh, tự điều trị” của người dân, chính là thiếu quản lý, mua bán dễ dãi các loại thuốc tây ở các nhà thuốc từ thuốc yêu cầu phải kê đơn đến không kê đơn...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.