Hôn mê do ung thư vú di căn não, bệnh nhân vẫn sinh con kỳ diệu

Liên Châu
Liên Châu
09/12/2019 17:54 GMT+7

Phát hiện ung thư di căn não khi mang thai tuần thứ 28, chị Nguyễn Thị H. (36 tuổi) vẫn được làm mẹ với sự hỗ trợ của các bác sĩ.

“Tôi phát hiện bệnh ung thư vú vào tháng 4.2013 và đã khủng hoảng, suy sụp, gần như muốn buông xuôi. Nhưng được gia đình và các bác sĩ động viên, tôi đã xuống điều trị tại Bệnh viện K T.Ư (Hà Nội). Tại đây, chứng kiến nhiều hoàn cảnh bệnh nhân khác khó khăn hơn mình, nan giải hơn mình mà họ vẫn kiên trì lạc quan chữa trị, nên tôi cũng cảm thấy bớt lo lắng về bệnh tình của mình, tin tưởng các bác sĩ, lạc quan chữa trị”, chị Nguyễn Thị H. (quê Bắc Giang) chia sẻ về những ngày đầu được chẩn đoán bệnh.
“Bệnh nhân H. kiên trì điều trị ung thư. Khi bệnh ổn định gần 5 năm, chị H. có nguyện vọng tạm dừng điều trị để mang thai. Chúng tôi phải kiểm tra về toàn bộ các chỉ số, đánh giá sức khoẻ của H., hội chẩn kỹ cùng các bác sĩ sản khoa của Bệnh viện Phụ sản T.Ư về những hoá chất đã điều trị cho chị H. có ảnh hưởng cho cháu bé, nếu mang thai”, tiến sĩ, bác sĩ Hàn Thị Thanh Bình, Phó trưởng khoa Nội 5 (Bệnh viện K T.Ư), người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân H. từ ngày đầu chị nhập viện, cho hay.
Theo các bác sĩ, đầu năm 2019, chị H. mang thai, mong ước làm mẹ đã thành hiện thực. Chị vẫn hàng ngày đi làm công nhân ở xí nghiệp may, mọi sinh hoạt  bình thường. Nhưng khi mang thai tháng thứ 7, chị H. bị nôn nhiều. Các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư và Bệnh viện K T.Ư nhận định trong quá trình chị H. mang thai, khối u vẫn tiếp tục phát triển và đã di căn lên não.
“Do khối u não chèn ép, khi mang thai ở tuần 28, bệnh nhân H. có dấu hiệu giảm trí nhớ, gia đình phải trợ giúp hoàn toàn nhưng bệnh nhân vẫn quyết tâm giữ cháu bé. Đến tuần thứ 34, trí nhớ suy giảm hoàn toàn, chị H.bắt đầu hôn mê, thai nhi có biểu hiện suy tim nên các bác sĩ quyết định mổ cứu hai mẹ con”, bác sĩ Thanh Bình cho biết.
Ngày 29.10 vừa qua, tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, chị H. đã sinh con gái Hương Giang. Em bé nặng 2 kg chào đời trong niềm hạnh phúc của cả gia đình và các bác sĩ. Nhưng cũng ngay lúc đó, chị H. được nhanh chóng chuyển sang Bệnh viện K T.Ư để tiếp tục chữa trị.

"Tôi đã được hồi sinh, được về với con"

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện K T.Ư), cho biết: “Đây là trường hợp rất đặc biệt, sản phụ sau sinh được 3 ngày, phải chuyển khẩn cấp sang Bệnh viện K do ung thư vú di căn não. Khi vào viện, khối u đã di căn vào não 3 ổ, đặc biệt di căn vào hố sau gây chèn ép, dẫn đến tình trạng hôn mê".

Bác sĩ Nguyễn Đức Liên (bìa trái) trao đổi với bệnh nhân Nguyễn Thị H. về phác đồ điều trị u não di căn

Ảnh Thái Hà

Tiến sĩ Liên đánh giá: “Khó khăn lớn nhất là phải cân nhắc giữa phẫu thuật mở thông thường và xạ phẫu gamma knife, do khối u khá lớn, 2 khối di căn đến tiểu não, 1 khối ở bán cầu đại não, cả 3 khối cùng lúc gây ra triệu chứng cộng hưởng. Chúng tôi phải hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa về ung bướu thần kinh và u vú, đưa ra phác đồ điều trị, phối hợp cùng nhau giúp bệnh nhân hồi phục”.
Các bác sĩ đánh giá, nếu chỉ tập trung vào điều trị u não thì có thể di căn bộ phận khác, nếu điều trị bệnh toàn thân thì có thể hôn mê, cơ thể không thể chịu được. Vì vậy, phải điều trị não trước, và phẫu thuật bằng dao gamma để có thể giải quyết cùng một lúc cả 3 ổ, khối u được khống chế, thời gian hồi phục của bệnh nhân sớm hơn 2 - 3 tuần so với mổ mở thông thường.
Để điều trị được tối ưu cho chị H., các bác sĩ của Bệnh viện K T.Ư đã phối hợp chặt chẽ nội khoa, xạ phẫu và các chuyên gia thần kinh, vú. Với những nỗ lực của các bác sĩ Bệnh viện K T.Ư và của người mẹ 36 tuổi, sau điều trị với phác đồ bằng dao gamma 2 ngày, chị H. đã dần phục hồi trí nhớ, tỉnh táo trở lại.
Hiện tại, sau 6 tuần điều trị, bệnh nhân H. đáp ứng thuốc rất tốt, khối u đã giảm đến 40% thể tích, bên cạnh đó, việc phối hợp với hóa trị đã giúp kiểm soát bệnh rất tốt.
“Không thể giãi bày hết niềm vui khi tôi bình phục trở lại, cả mẹ cả con đều khỏe. Đã có lúc tôi nghĩ mình không qua khỏi, nhưng sự thật là tôi đã được hồi sinh lần 2, được về với con”, chị H. chia sẻ. 
“Hiện tại chị H. đang được điều trị phối hợp nội khoa ung thư, điều trị hóa chất và rất may mắn sức khoẻ bệnh nhân ổn định, đáp ứng điều trị rất tốt”, tiến sĩ Bình vui mừng thông báo.
Theo các bác sĩ, dao gamma (gamma knife) phát ra chùm tia bức xạ gamma hội tụ chính xác đến các khối u bên trong não. Năng lượng tia xạ sẽ tấn công vào khối u, các mô tế bào đã định vị trước nhờ hệ thống máy hiện đại, khối u sẽ bị teo nhỏ mà vẫn bảo vệ tối đã các mô não lành quanh khối u. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.