Bà tôi kể, ngày xưa mọi người làm trong hợp tác xã, đến cuối năm, cả hợp tác xã cùng nhau mần heo, chia thịt cho mỗi nhà ăn tết. Ba tôi lúc ấy còn nhỏ, luôn cố chen người vào đám đông để lôi được một cái đùi heo to về nhà, dù biết là sau đó ông nội phải chạy ghe chở lúa để trả tiền dần. Nội nói thời bấy giờ khổ lắm, chỉ đến tết mới được ăn thịt kho hột vịt. Bởi vậy mà cả nhà luôn mong chờ tết để chăm chút kho một nồi thịt thiệt ngon để cúng ông bà tổ tiên cũng như cho mấy con nít được ăn ngon.
tin liên quan
Chiều 30 tếtNội cười kể cỡ chừng mùng 3 tết là cái nồi thịt kho nhà mình chỉ còn có cái “nền” - tức là mỡ thôi. Bánh mứt trước kia không có nhiều, mà cũng chẳng có tiền để mua. Thế nên mỗi khi tết là cả xóm hùng hạp nếp, chuối, thịt, đậu cùng nhau gói bánh tét. Nồi bánh tét sẽ được đặt ở nhà nào có sân rộng nhất, phần là để dễ nấu, phần là để hàng xóm ngồi uống trà nói chuyện, tụi con nít chạy xung quanh nô đùa.
Bây giờ, người ta hay nói tết không còn là tết nữa, không còn thấy nôn nao áo mới, lì xì, không còn không gian ấm áp như tết ngày xưa. Nhưng mà làm sao còn tết khi đòn bánh tét, bánh chưng cũng mua từ hàng này, siêu thị nọ, nồi thịt kho làm nhanh kho vội hoặc mua đồ làm sẵn, tấm áo mới lại xem bình thường vì nghĩ ngày nào cũng mua đồ mới được, mâm ngũ quả, đôi dưa hấu lại thay bằng trái cây nước này, nước kia, những cuộc gặp gỡ, thăm viếng lại biến thành những cuộc say chè chén. Ngay cả ngày sum họp gia đình lại biến thành ngày họp điện thoại, máy tính.
Hồn tết không mất, nó đang ở trong từng lời kể, trong tay những cụ già tóc bạc lặt từng mẻ kiệu, đang trong đôi mắt người mẹ chờ con về đêm giao thừa, ở trong từng nhánh mai, cành đào trước thềm nhà, trong chính những đồ ta chăm chút lau chùi, trang trí và đang ở trong chính tâm hồn của chúng ta. Tết chỉ đến đúng nghĩa khi lòng người mong chờ, hân hoan và mở lòng ra đón tết.
Hãy tạm gác lại câu hỏi hồn tết ở đâu, mà hãy tự hỏi lòng mình ở đâu giữa những ngày tết?
Bình luận (0)