Hồng Kông bên hông… Đà Nẵng!

Cách đây hơn 15 năm, một đường bay thẳng từ Hồng Kông đến Đà Nẵng và ngược lại do Hãng Dragon Air thực hiện 3 chuyến/tuần đã phải dừng lại vì thưa thớt khách. Vậy mà bây giờ đã có thêm nhiều hãng hàng không bay trên tuyến này mỗi ngày.

Sau một giờ rưỡi bay, chúng tôi xuống phi trường Hồng Kông với một thủ tục nhập cảnh đơn giản. Vùng lãnh thổ này đã thay đổi nhiều trong 20 năm qua từ khi trở về với Trung Hoa lục địa dưới danh nghĩa Đặc khu kinh tế.
Hồng Kông vốn được đánh giá là một điểm du lịch an toàn và thú vị cho du khách thập phương. Ngoài phong cảnh và các điểm giải trí, Hồng Kông còn là thiên đường mua sắm với hàng trăm siêu thị và những con phố shopping nổi tiếng như chợ đêm (Ladies Market), chợ bán cẩm thạch, đồng hồ...
Trong khi đi tham quan Ocean Park (được xây dựng từ năm 1977 với 150 triệu USD trên diện tích 70 ha) - một quần thể du lịch, giải trí, bảo tàng lịch sử, hải dương học…trên khu đồi có độ cao 400 m nhưng được quy hoạch khá hoàn chỉnh hay một khu núi Victoria và vịnh Nước Cạn được quy hoạch cho các khu nhà cao cấp, khu thương mại và cả du lịch tâm linh... thì chúng tôi vẫn có cảm giác tất cả đều được chăm chút về môi sinh và cảnh quan nghiêm ngặt. Tất cả các kiến trúc đều không có vẻ gì là phô trương về bê tông cốt thép, nhờ vậy tự nhiên đã được tôn trọng một cách tối đa.
Ấn tượng với chúng tôi về Đặc khu kinh tế nằm ở chỗ tuy diện tích không lớn, dân số gấp cả chục lần Đà Nẵng, nhưng họ có đến hàng chục công viên lớn và 20 bảo tàng chuyên đề…
Dọc theo con phố Wong Chuk Hang, một người bạn đã đưa chúng tôi đi thăm phòng triển lãm quốc tế Art Basel Hong Kong trưng bày những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Cũng trên phố này, còn có một Spring Workshop, nơi thường xuyên diễn ra những buổi nói chuyện, giao lưu về nghệ thuật, nhất là các ngày lễ hoặc cuối tuần.
Còn Blindspot Gallery gần đó lại là một địa chỉ trưng bày những tác phẩm nhiếp ảnh khá ấn tượng về Hồng Kông cũng như khắp nơi trên thế giới. Còn đối với Bảo tàng Sha Tin trên phố Man Lam, các giá trị về nghệ thuật, kiến trúc đương đại và truyền thống của Hồng Kông đã được giới thiệu khá ấn tượng.
Ngoài mua sắm, giải trí nổi trội, với những thiết chế văn hóa dày đặc và đa dạng mặc dù chỉ mới xây dựng trong thế kỷ 20, Hồng Kông là một xứ sở hấp dẫn hàng chục triệu du khách mỗi năm là điều dễ hiểu. Đến Hồng Kông, tôi nghĩ về Đà Nẵng với bộn bề những vấn đề về quy hoạch, môi trường và thiếu vắng những công trình văn hóa mà lòng cứ rưng rưng.
Ngày cuối cùng tại Hồng Kông, có một chút an ủi: Trang tin của CNN vừa đưa ra danh sách các nhà hàng mới, đáng chú ý trong năm 2016 ở đây, trong đó có 2 nhà hàng VN là Le Garcon Saigon và Viet Kichen đang rất thu hút khách du lịch. Riêng Viet Kichen, ngoài những món ăn truyền thống VN thì chủ nhà hàng và đầu bếp chính là Peter Cương Franklin. Anh là người gốc Việt, từ miền Trung sang Mỹ học ngành ngân hàng tại Đại học Yale, nhưng vì đam mê các món ăn Việt và du lịch ẩm thực nên anh đã đến Hồng Kông mở nhà hàng Việt!
Khi đến vịnh Nước Cạn, nhìn hương khói nghi ngút ở miếu Thần Tài và thần Mai Mối, một người bạn Việt kiều sống ở Hồng Kông nhiều năm đã kể: Người Hồng Kông và du khách Á Đông nói chung đều có niềm tin với các đấng siêu nhiên và các vị thần. Họ đến đây để cầu may mắn, hạnh phúc và tin rằng hạnh phúc, may mắn sẽ đến với họ…

tin liên quan

Nạn bóc lột sinh viên Việt Nam ở Úc
Cuộc điều tra của Đài phát thanh SBS ở Úc đã phanh phui tình trạng sinh viên VN tại Úc bị bóc lột sức lao động với tiền công rẻ mạt, thậm chí còn bị “quỵt” tiền.
Cách một giờ rưỡi bay về Đà Nẵng từ Hồng Kông, tôi vẫn mồn một những hình ảnh thân quen ở Ngũ Hành Sơn, ở chùa Linh Ứng và nhớ ra rằng du lịch tâm linh vẫn là một hướng mở ra của du lịch Đà Nẵng trong nhiều năm nay, nhưng sao ta vẫn ít khách? Phải chăng là do cách làm và quảng bá thông tin?
“Hồng Kông bên hông Đà Nẵng” là vậy đó, vẫn còn nhiều điều suy nghĩ về khai thác các tiềm năng du lịch khi những đường bay thẳng đã nối liền những miền đất và con người.
Khi máy bay lượn trên vùng biển Đà Nẵng, nhìn qua ô cửa thấy một vùng gấm vóc xứ mình hiện ra bên dưới đẹp không thể tưởng được và chợt nghĩ, cảnh quan Hồng Kông không thể sánh bằng. Nhưng cả kinh tế và du lịch của ta vẫn còn xa... Muốn đuổi kịp họ, tôi chợt nghĩ, người Việt khi kinh doanh du lịch không chỉ có nghệ thuật kiếm tiền mà còn biết yêu chính quê hương mình nữa!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.