Họp trực tuyến mà tắt camera là không tôn trọng người khác?

11/11/2021 16:20 GMT+7

Trong thời điểm dịch bệnh, việc họp trực tuyến đã trở thành thường xuyên và bắt buộc. Nhiều người chọn không mở camera khi họp vì cho rằng không cần thiết, nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng như thế là không có sự kết nối.

Thậm chí có nhiều bạn trẻ quan niệm việc không mở camera khi họp trực tuyến là không tôn trọng đối phương và đồng nghiệp, vì dù sao đó cũng là cuộc họp và không thể ngồi nói chuyện với cái màn hình khi tất cả các camera đều tắt.

Các chủ doanh nghiệp trẻ cho rằng việc mở camera khi họp trực tuyến sẽ tăng được sự kết nối và tính tương tác

HOA NỮ

Phải trang điểm, tô son mới tự tin mở camera?

Trong buổi tọa đàm với chủ đề “Động lực và năng suất trên con đường trở lại bình thường mới” do JobHopin tổ chức vào cuối tháng 10, chị Thái Vân Linh, nhà sáng lập kiêm CEO của TVL Group, cũng đã chia sẻ: “Họp trực tuyến phải 100% bật camera vì khi nói chuyện, trao đổi thì chúng ta phải tạo sự tương tác với nhau mà chỉ có một cách là thấy được người ta, nên việc mở camera khi họp trực tuyến là việc hiển nhiên. Nếu mọi người đều tắt camera thì mình nói chuyện với ai, hỗng lẽ nói với cái màn hình, như thế thì không có được thân thiện”.

Tuy nhiên, chị Linh cũng cho rằng 100% nên bật camera nhưng không yêu cầu mọi người phải quá tươm tất, chỉnh chu trang phục các kiểu, vì ở nhà thì vẫn nên thoải mái hơn.

Một buổi họp trực tuyến vui vẻ của Nhi cùng các cộng sự, nhân viên của mình

Chia sẻ với phóng viên, nhiều bạn trẻ lại cho rằng họ rất ngại xuất hiện trước camera và ngại việc ở nhà vẫn phải chuẩn bị này nọ cho tươm tất trước khi họp, vì thế nhiều bạn chọn cách không mở camera.

Trần Thị Mỹ Linh (29 tuổi, ngụ tại chung cư Fresca Riverside, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức) bày tỏ: “Thật ra mình thấy việc bật camera hay không nó không quan trọng bằng thái độ của người họp. Nếu bạn không tập trung và chuyên tâm vào cuộc họp thì dù có bật camera cũng chỉ là hình thức. Nhưng tại sao phần nhiều lại chọn tắt camera, vì theo mình nghĩ ở nhà thì con cái đề huề, mà mỗi ngày đâu chỉ một cuộc họp hay lâu lâu mới họp lần mà trong dịch là họp thường xuyên. Ai chẳng muốn mỗi lần xuất hiện trước người khác phải tươm tất, nên phải ăn mặc rồi tô son đánh phấn này kia rất phiền phức”.

Cũng giống chị Linh, Nguyễn Minh Phương (28 tuổi, ngụ tại hẻm 96 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM) chia sẻ: “Mình thấy nhiều đứa bạn nó hay than vãn là dù ở nhà nhưng mỗi lần họp trực tuyến lại phải trang điểm, tô son mới đủ tự tin mở camera. Thật sự thì con trai không quan trọng việc này nhưng con gái ai mà chẳng muốn lúc nào xuất hiện trước mặt mọi người cũng phải xinh đẹp, chính vì thế mà nhiều người thấy rất ngại mỗi khi phải mở camera để họp”.

Bật camera để tăng tính kết nối

Dù cũng là con gái, mỗi lần họp trực tuyến Phương cũng chú trọng rất nhiều về hình thức khi xuất hiện trước camera, nhưng Phương không thấy đó là phiền phức.

“Mình nghĩ mọi người không cần quá tươm tất nhưng ăn mặc kín đáo một chút, mặt mày tươi tỉnh một chút, tô chút son là có thể xinh tươi dự họp được rồi. Mình thấy mỗi lần họp mà chỉ có một mình sếp mở màn hình còn tất cả nhân viên tắt camera, như thế rất thiếu sự tôn trọng. Bật camera để biết là mình vẫn ở đó, vẫn đang nghe sếp nói và triển khai công việc, như thế sẽ hay hơn”, Phương bày tỏ.

Nhi cho rằng cách tổ chức buổi họp cũng ảnh hưởng đến việc nhân sự có muốn bật camera hay không

Chị Phan Ngọc Hồng Châu (35 tuổi, ngụ tại hẻm 818 Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) thì kể: “Có lần mình họp 2 cuộc họp trực tuyến cho 2 đứa con của mình trong cùng 1 ngày luôn, sáng và chiều. Tâm lý phụ nữ mà, lúc nào cũng muốn mình xuất hiện chỉnh chu hết. Sáng đó, mình trang điểm nhẹ và vào họp. Họp được 1 lúc, mình phát hiện có một số người tham gia mà không mở camera. Thật tình, theo quan điểm cá nhân của mình, đã tham gia vào phòng họp (dù là trực tuyến) thì nên thể hiện tinh thần gắn kết cũng như sự chú tâm của mình vào buổi họp. Nhiều người cứ tham gia vào họp, tắt camera rồi đi làm chuyện cá nhân, như thế không hay tí nào. Vì quan trọng nhất vẫn là thái độ tôn trọng lẫn nhau trong buổi họp”.

Là chủ một doanh nghiệp khởi nghiệp, Lâm Thị Kim Nhi (28 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM, đồng sáng lập thương hiệu đồ lót Lamluy) cho biết cô nàng rất đồng ý với quan điểm bật camera khi họp trực tuyến để giúp tăng tương tác và kết nối. Bên cạnh đó, Nhi cho rằng việc bật camera còn giúp nhân sự có sự tập trung cao hơn, thể hiện sự tham dự toàn tâm toàn ý của mình, đặc biệt trong thời buổi công nghệ rất dễ bị sao nhãng bởi quá nhiều thông báo từ các thiết bị.

“Khi họp online trong mùa dịch vừa qua, thì tất cả các bạn trong công ty đều bật camera, thỉnh thoảng có 1 - 2 bạn quên thì mình cũng hỏi thăm xem có phải nhà các bạn không tiện bật camera hay sao, sau đó thì các bạn cũng sắp xếp để bật camera ngay. Trước dịch thì team mình đã có nhiều hoạt động kết nối như chơi game đội nhóm và rút ra bài học, nên các bạn rất ý thức về tầm quan trọng của việc duy trì tương tác, kết nối”, Nhi kể.

Tuy nhiên, Nhi cũng bày tỏ: “Việc không mở camera cũng không thể nói lên sự tôn trọng hay không. Nếu các camera đều tắt, mình sẽ mời mọi người mở camera, và nếu mọi người vẫn không mở, mình vẫn vui vẻ nói phần mình, và mời mọi người chia sẻ quan điểm, vẫn duy trì tương tác liên tục với mọi người để đảm bảo kết nối nhiều nhất có thể”.

Cũng theo Nhi cách tổ chức buổi họp cũng ảnh hưởng đến việc nhân sự có muốn bật camera hay không. “Đó không nên là những buổi họp 1 chiều nhàm chán, mà nên có sự tương tương tác đa chiều, để mỗi cá nhân được đóng góp quan điểm, ý kiến của mình, hoặc cập nhật tình hình công việc của mình và các bạn khác, mỗi bạn cảm thấy mình nhận được giá trị từ buổi họp. Ví dụ như là tìm ra giải pháp để công việc hiện tại tốt hơn, hiểu và phối hợp với các bạn khác tốt hơn... từ đó mỗi bạn luôn ở trong tâm thế lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ trong buổi họp dù là trực tuyến”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.