Kẹt xe nối dài, nhiều lực lượng phải tham gia điều phối
Từ khoảng 22 giờ đêm qua (6.7), tại khu vực qua chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (hay còn gọi là chợ đầu mối Thủ Đức), hàng trăm xe tải, ba gác và xe máy “giãy giụa” trong tình trạng kẹt xe nối dài trên đoạn đường gần 3 km từ cầu vượt ngã tư Bình Phước (P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức) đến cầu vượt Gò Dưa (P.Tam Bình, TP.Thủ Đức).
|
Đồng thời, lượng xe tải, ba gác xếp hàng chờ vào chợ rất đông, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. Phó giám chợ đầu mối Thủ Đức, ông Nguyễn Nhu giải thích, sở dĩ lượng xe vào chợ tối 6.7 đông hơn thường ngày là do chợ đầu mối này sắp tạm ngưng hoạt động do phát hiện có ca mắc Covid-19 tại chợ. Trước đó, hai chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (H.Hóc Môn) cũng đã ngưng hoạt động.
|
“Chợ đầu mối Thủ Đức sẽ tạm ngưng hoạt động từ 8 giờ ngày 7.7 nên khuya nay có một lượng lớn thương lái, người mua bán đổ dồn về, tranh thủ mua hàng ngày cuối, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông như hiện tại”, ông Nhu nói và cho biết thêm: “Hiện lực lượng chức năng đang tích cực phân luồng, điều tiết giao thông. Còn về hoạt động mua bán tại chợ, Ban quản lý sẽ hết sức lưu ý đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, không để trình trạng không giữ khoảng cách an toàn trong chợ”.
|
Theo đó, chỉ có xe tải, xe ba gác, người đi bộ được vào bên trong khu chợ, còn xe máy bị cấm vào. Vì vậy, rất đông người mua bán nhỏ lẻ phải “chạy bộ” vào các khu nhà lồng. Trước khi vào chợ, tài xế xe tải và xe ba gác phải dừng lại tại một chốt kiểm soát dịch Covid-19, tại đây lực lượng bảo vệ đo thân nhiệt và nhân viên y tế hướng dẫn khai báo y tế.
|
Đại diện Công an P.Tam Bình, TP.Thủ Đức cũng thông tin, trước tình trạng người dân đổ về mua bán, gây tình trạng kẹt xe trước giờ G, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, TP.HCM đã chỉ đạo nhiều lực lượng xuống để phân luồng, điều phối, cụ thể gồm lực lượng dân phố, công an P.Tam Bình, lực lượng PC08 - Công an TP.HCM và tổ công tác 363 - Công an TP.Thủ Đức.
Ghi nhận của Thanh Niên cho thấy, đến 3 giờ sáng nay, 7.7, các lực lượng trên vẫn đang phối hợp với bảo vệ chợ túc trực phân luồng, hỗ trợ điều tiết giao thông và an ninh trật tự khu vực này.
Hoạt động hết công suất
Theo ghi nhận của Thanh Niên đến 3 giờ sáng 7.7, đến thời gian này, tình trạng ùn tắc giao thông đã không còn. Tuy nhiên, các hoạt động trong khu chợ diễn ra “xuyên đêm” thay cho “guồng” thời gian hằng ngày vốn khoảng sau 1 giờ khuya thì các thương nhân, lực lượng bốc xếp được tranh thủ nghỉ ngơi.
|
Tuy nhiên, vào tối ngày 6 và rạng sáng 7.7, lực lượng bốc xếp, vận chuyển hàng hoạt động không ngơi tay, nhiều người chỉ kịp ăn vội gói xôi, ổ bánh mì rồi vội vã đi làm tiếp. Còn người mua hàng phải dừng lại thở dốc do tay xách nách mang những bọc hàng như trái cây… cả chục ký. Họ kháo nhau “đi bộ vào, chợ không cho xe máy vào, vào nhanh lấy hàng chứ đóng cửa tới nơi...".
|
Nhiều tiểu thương tại chợ nhà lồng rau củ, trái cây… cho biết, tình trạng ùn ứ thấy khuya nay “nặng nề” hơn trước 'giờ G' còn do sắp tới là mùng 1 âm lịch, người dân đổ về chợ để lấy hàng bán, và 8 giờ 7.7 chợ cũng đóng cửa, nên lượng người đổ về đông hơn ngày thường.
Một tiểu thương bán vải còn cho biết, từ đợt dịch Covid-19 tới nay, việc buôn bán tại sạp có phần ế ẩm hơn trước. "Hay tin 8 giờ sáng 7.7 chợ đóng cửa nên giờ tôi tranh thủ rao để bán hết số vải đã nhập về, trước tôi bán khoảng 500.000 đồng/thùng giờ giảm còn 300.000 đồng/thùng thôi", người này nói.
Tranh thủ làm kiếm tiền, hết đêm nay nghỉ rồi
Bà T.T.H.V (51 tuổi, ngụ P.Hiệp Bình Phước) làm nghề kéo hàng thuê ở chợ cho biết, từ chiều tối bà đã ra chợ ngồi đợi để kéo hàng cho mối quen. Từ khi chợ bắt đầu kiểm soát dịch Covid-19 một cách chặt chẽ, cấm không cho xe máy vào chợ thì công việc của bà cũng bị ảnh hưởng. Thu nhập thì bấp bênh, hôm thì 150.000 đồng, hôm thì 300.000 đồng, nhưng có hôm do các mối quen không đi chợ bà cũng không có thu nhập.
Hiện tại bà V. đang ở trọ gần khu chợ đầu mối, ngoài việc đi làm để trang trải cuộc sống bà còn gửi tiền để chữa bệnh cho con trai bị ung thư máu. “Tôi kéo hàng thuê còn chồng tôi cũng lái xe ba gác chở hàng trong chợ, nếu chợ đóng cửa thì hai vợ chồng tôi cũng mất việc. Tình hình dịch này thì cũng chỉ biết ở nhà đợi chợ mở cửa lại thôi, mấy hôm trước tôi kéo hàng có dành dụm được ít tiền để mua gạo thức ăn trong mấy ngày tới”, bà V. nói.
|
Còn ông P.V.P (57 tuổi, ngụ Bình Định) cho biết, ông và vợ từ Bình Đình vào TP.HCM tìm việc làm. Ông làm bốc xếp ở chợ đầu mối còn vợ ông lột hành, tỏi thuê bên hông chợ đầu mối. "Tôi từ quê vào đây, làm được 1 tháng thì chợ ra thông báo đóng cửa. Dịch Covid-19 này nhà xe cũng không chạy nên tôi không về quê được mà chỉ đành ở đây đợi thôi, khi nào chợ mở cửa tiếp thì tôi làm tiếp", ông nói.
Ông P. còn chia sẻ thêm, từ chiều tối đến giờ lượng xe cộ và người mua hàng vào chợ đông hơn ngày thường. "Sức tôi không bằng mấy thanh niên trai tráng nên không kéo hàng được nhiều. Từ tối giờ thấy chợ đông khách nên tôi ráng kéo hàng, tranh thủ làm để kiếm thêm tiền vì hết đêm nay là nghỉ rồi. Đến 2 giờ khuya nay (7.7) tôi cũng kiếm được khoảng 500.000 đồng rồi. Tôi để dành tiền này mua đồ ăn cho mấy ngày tới".
Như Thanh Niên đã thông tin, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhất là khi chợ đầu mối Thủ Đức xuất hiện ca nhiễm Covid-19 và nguy cơ còn các ca nhiễm chưa được phát hiện ngoài cộng đồng, ngày 6.7, UBND TP.Thủ Đức đã yêu cầu tạm dừng hoạt động tập kết giao hàng, mua bán trực tiếp tại chợ đầu mối Thủ Đức từ 8 giờ ngày 7.7 và chậm nhất 20 giờ ngày 7.7 phải vận chuyển hàng hóa ra khỏi chợ.
Chợ đầu mối Thủ Đức có quy mô hơn 20 ha. Tại chợ, các ngành hàng như trái cây, rau củ, hoa tươi... được chuyên chở từ khắp các tỉnh về để phân phối vào các chợ nhỏ lẻ ở TP.HCM. Chợ bao gồm các khu nhà lồng chợ A, chợ B, chợ C và nhiều công trình phụ trợ. Với hơn 1.300 ô, vựa đã được thuê kín, trung bình mỗi ngày lượng hàng hóa nhập vào chợ lên đến hơn 2.800 tấn.
|
Bình luận (0)