Huawei thề chiến đấu để 'không ai dám bắt nạt'

05/11/2021 14:51 GMT+7

Trong thông điệp động viên mới nhất gửi đến nhân viên, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi thề sẽ không lùi bước, cho dù phía Mỹ gần đây có những biện pháp hạn chế đối với hãng này.

Theo South China Morning Post, ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập 77 tuổi kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei Technologies, nói với các nhân viên rằng hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua chiến đấu, và họ nên chiến đấu để có một ngày “không ai dám bắt nạt chúng ta”.

Thông điệp từ ông Nhậm Chính Phi, người có thói quen sử dụng từ ngữ quân sự và lối nói triết lý trong các bài phát biểu của mình, được đưa ra trong một video dài hai phút rưỡi do Huawei thực hiện, với mục tiêu rõ ràng là động viên tinh thần nhân viên giữa lúc công ty đang phải đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

“Chúng ta phải trải qua công việc khó khăn và hy sinh dũng cảm để đấu tranh cho môi trường hòa bình trong ba thập niên tới để không ai dám bắt nạt chúng ta. Chúng ta đang chiến đấu vì bản thân cũng như vì đất nước của chúng ta. Chúng ta sẽ được ngưỡng mộ nếu chúng ta có thể tái sinh như một con phượng hoàng”, trích lời người sáng lập Huawei.

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi động viên nhân viên chiến đấu để có một ngày “không ai dám bắt nạt chúng ta”

chụp màn hình

Video về bài phát biểu được ghi lại tại buổi lễ công bố bốn “nhóm quân đội” mới, theo như cách ông Nhậm Chính Phi gọi, nhưng về cơ bản đó là các nhóm liên bộ phận để tìm kiếm sự tăng trưởng doanh thu thay thế, sau khi mảng kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei bị tê liệt bởi hạn chế của chính quyền Mỹ đối với quyền truy cập vào các loại chip cao cấp.

Bốn nhóm kinh doanh mới sẽ tập trung vào đường giao thông thông minh, hải quan và cảng, năng lượng mặt trời, các giải pháp năng lượng cho trung tâm dữ liệu. Đây là những thị trường mục tiêu được Huawei chọn làm lĩnh vực quan trọng để vực dậy động lực kinh doanh của mình. Doanh thu của Huawei trong 9 tháng qua giảm 32% so với cùng kỳ năm trước.

Huawei tự nhận thấy mình là trung tâm của cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington. Bà Mạnh Vãn Châu, con gái của ông Nhậm Chính Phi và cũng là Giám đốc tài chính của Huawei, được các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc miêu tả như một anh hùng dân tộc sau khi thoát khỏi gần ba năm quản thúc tại Canada trong khi chờ yêu cầu dẫn độ từ Mỹ. Dù vậy, Huawei hiện vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn khi Mỹ ngày càng mạnh tay hơn.

Huawei đang nhanh chóng mất đi vị thế trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, trong khi doanh số thiết bị viễn thông của công ty gặp phải sự phản kháng ở một số quốc gia. Theo báo cáo của Bloomberg hồi tuần trước, Huawei đang đàm phán với những người mua tiềm năng cho đơn vị máy chủ chủ chốt, vốn dựa vào chip của gã khổng lồ Mỹ Intel.

Kể từ khi bị Mỹ trừng phạt, Huawei đã cố gắng mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới. Những sáng kiến ​​đó bao gồm mở rộng hoạt động dịch vụ đám mây ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giúp các doanh nghiệp trong nước cắt giảm lượng khí thải carbon, cung cấp thêm trạm gốc 5G và thiết bị mạng cốt lõi cho các nhà khai thác viễn thông lớn của Trung Quốc, tăng thỏa thuận cấp bằng sáng chế và thiết lập quan hệ đối tác cho nền tảng di động HarmonyOS.

HarmonyOS ra mắt, Huawei liệu có thăng hoa trong cuộc sống không Android?

Huawei cũng bán thương hiệu điện thoại thông minh giá rẻ Honor hồi năm ngoái để thương hiệu này tránh khỏi tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty mẹ. Tuy nhiên, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ do ông Marco Rubio dẫn đầu gần đây gây áp lực buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden phải đưa Honor vào danh sách đen.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.