Giới CEO công nghệ Trung Quốc đang lui về ở ẩn

04/11/2021 14:04 GMT+7

Tỉ phú Jack Ma đã tạm lánh khỏi truyền thông kể từ khi Alibaba bị chính quyền Trung Quốc điều tra, nhưng ông không phải lãnh đạo công nghệ duy nhất chọn cách lui về sau cánh gà trong suốt thời gian qua.

Mới đây, Bloomberg đưa tin ông Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance - công ty mẹ của TikTok đã rời ghế hội đồng quản trị. Từ tháng 5, ông thông báo sẽ từ chức CEO để theo đuổi đam mê nghiên cứu công nghệ, tự nhận mình không hợp làm lãnh đạo.

Theo Business Insider, ByteDance hiện không bị điều tra, song các quan chức Trung Quốc cũng đang để mắt đến công ty. Do đó, ByteDance đang cố gắng tách khỏi các dịch vụ trực tuyến, chuyển sang mảng phần mềm doanh nghiệp. Gần đây, có tin đồn công ty tái cơ cấu thành 6 đơn vị kinh doanh khác nhau.

Ông Zhang Yiming

chụp màn hình

Trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với các hãng công nghệ nội địa, nhiều CEO không hẹn mà cùng nhau "quy ẩn".

Đầu năm nay, Colin Huang - cựu chủ tịch kiêm CEO của công ty thương mại điện tử Pinduoduo thông báo rời cả hai vị trí. Su Hua - người đồng sáng lập Kuaishou Technology cũng từ chức CEO, nhường lại vai trò cho Cheng Yiziao. Kế đó là người sáng lập kiêm CEO Richard Liu của JD.com tuyên bố rút khỏi vai trò điều hành, bổ nhiệm một giám đốc khác thay thế mình vào tháng 9.

Có những CEO không nói tiếng nào mà cứ thế "biến mất", như trường hợp Pony Ma, nhà sáng lập Tencent ở ẩn gần 2 năm cho đến khi xuất hiện tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc vào tháng 3 năm nay. Gây tranh cãi vì đăng một bài thơ Đường đầy ẩn ý hồi tháng 5, ông Wang Xing, người sáng lập Meituan cũng im hơi lặng tiếng một thời gian dài.

Sau tai họa của Jack Ma, hàng loạt CEO công nghệ bắt đầu tìm đường lui

reuters

Nguyên nhân đằng sau sự thoái lui của các tỉ phú công nghệ được cho là do áp lực từ chính quyền Trung Quốc. SCMP dẫn lời Victor Shih - phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California (Mỹ) nhận định các tỉ phú công nghệ phải chịu sức ép khủng khiếp trong hệ thống pháp luật Trung Quốc. Từng được vinh danh nhờ góp phần thay đổi ngành công nghệ nước nhà, họ không còn có thể giữ vững vị thế hiện tại nên đành chọn một chức danh thấp hơn, thậm chí tính đến phương án rời khỏi thương trường hoàn toàn.

Cameron Johnson - đối tác của công ty tư vấn Tidal Wave Solutions cho rằng dẫu từ bỏ vị trí lãnh đạo, các "đại gia" công nghệ vẫn giữ cổ phần đáng kể trong công ty.

"Bất kể người sáng lập mang chức danh gì đi nữa, họ vẫn đang kiểm soát công ty. Quyền lực và quyền ra quyết định vẫn thuộc về người sáng lập", Johnson nói.

Tỉ phú Jack Ma tái xuất hiện sau thời gian vắng mặt khi Trung Quốc siết quản lý Alibaba

Mặt khác, một số nhà sáng lập từ chức vì những tranh cãi liên quan đến nội bộ công ty. Đơn cử là trường hợp ông Colin Huang rút khỏi hai vị trí quan trọng sau khi một nhân viên trẻ ở Pinduoduo qua đời vì làm việc quá sức, khiến văn hóa làm việc 996 (từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần) trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận suốt một thời gian dài. Hay CEO Richard Liu của JD.com từng bị vướng cáo buộc lạm dụng một nữ sinh viên. Dù cáo buộc hình sự đã được bãi bỏ trước tòa án nhưng Liu vẫn phải đối mặt với vụ kiện dân sự từ những sinh viên của Trường đại học Minnesota (Mỹ).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.