Ông Fred Young, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, Công ty Alta Go Planning, cho rằng Huế là một trong những thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đi xe đạp dành cho người dân cũng như khách du lịch, nhất là chỉ với khoảng cách chừng 9 km từ trung tâm thành phố đến các khu du lịch ven đô. Ông Fred góp ý việc xây dựng “thành phố xe đạp” ở Huế cần hình thành các tuyến phố an toàn và làm sao để du khách dễ dàng tiếp cận các dịch vụ như thuê xe, sử dụng ẩm thực, vệ sinh. Cùng với đó là hoàn thiện mạng lưới tuyến phố an toàn phục vụ người dân, bao gồm cả việc kết nối với các điểm đến như trường học, chợ, khu vực kinh doanh, nhà ở...
Còn bà Bùi Thu Hiền, đồng sáng lập Trung tâm kết nối thông Minh (SICC), nêu những kinh nghiệm, chiến lược phát triển đạp xe ở những thành phố tại Anh cho thấy chiến lược đạp xe và sử dụng xe đạp như phương tiện thay thế hay thường xuyên sẽ thay đổi về tỷ lệ cư dân thành phố về hoạt động thể chất, thay đổi tỷ lệ mắc bệnh và chi phí liên quan tới bệnh tiểu đường, bệnh hô hấp… Các thành phố có chiến lược phát triển xe đạp ở Anh đều đặt mục tiêu cho việc tăng cường đi bộ và đạp xe như một phần kế hoạch sống lành mạnh của cư dân; cải thiện khả năng tiếp cận việc làm, kỹ năng và giáo dục; giảm phát thải CO2 và cải thiện chất lượng không khí; hình thành môi trường an toàn đối với các chế độ hoạt động tích cực…
TS Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế (HueIDS), cho biết cuộc hội thảo nói trên cũng như ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà quản lý và người yêu Huế sẽ khởi đầu cho việc hoạch định xây dựng “Huế, thành phố xe đạp”, qua đó HueIDS sẽ tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét lựa những phương án, đề án cụ thể.
Theo ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, TP.Huế đang đầu tư kinh phí khá lớn để chỉnh trang các tuyến phố chính bao gồm cả vỉa hè và kẻ lại vạch trên lề để đảm bảo cho kết nối các tuyến xe đạp nhằm hướng đến phát triển các phong trào, tạo động lực cho người dân tham gia giao thông bằng xe đạp một cách tự nhiên.
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, lý giải hiện tượng người Huế đi xe đạp ngày một nhiều hơn là bởi không gian sống có nhiều thay đổi. Đặc biệt là tuyến đường đạp xe, đi bộ, không gian tập thể dục hai bên bờ sông Hương vừa hình thành cùng với hệ thống cây xanh, cảnh vật ven đô. Ông cũng đề xuất khi xây dựng chiến lược “thành phố xe đạp” cần chú ý đến loại xe đạp thông minh, xe đạp điện và xe đạp truyền thống cũng như phương tiện đi lại phổ thông khác, tránh sự chồng lấn. Đặc biệt là những trạm đỗ, bãi giữ xe, điểm chuyển đổi phương tiện phù hợp với nhu cầu di chuyển của người dân, du khách…
|
Bình luận (0)