Hướng dẫn ngừa ngộ độc khi sử dụng thực phẩm đông lạnh

Liên Châu
Liên Châu
10/12/2022 04:30 GMT+7

Trong thực phẩm đông lạnh , vi khuẩn không chết mà chỉ ngừng phát triển.

Vi khuẩn không chết, độc tố không bị phá hủy

Thực phẩm đông lạnh thường được bảo quản ở nhiệt độ âm 18 độ. Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, với môi trường nhiệt độ này, nhiều loại vi khuẩn gây bệnh không chết mà chúng chỉ phát triển chậm lại hoặc ngừng phát triển, độc tố của chúng cũng không bị phá hủy. Thực tế chúng chỉ tạm thời nằm yên đợi khi gặp nhiệt độ thích hợp sẽ “tỉnh táo” trở lại phát triển và hoạt động bình thường ngay. Cũng vì vậy, thực phẩm đông lạnh phải được giữ liên tục ở độ lạnh âm 18 độ C từ nhà máy chế biến đến người tiêu dùng qua một dây chuyền làm lạnh - kết đông, tiếp theo đó là ngăn đông của tủ lạnh gia đình.

Khi chọn mua thực phẩm đông lạnh, người dùng cần xem ngày sản xuất và thời gian bảo quản

Đậu Tiến Đạt

Đáng lưu ý, đa số các vi khuẩn gây ra các bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa và ngộ độc thức ăn thường gặp đều chịu lạnh giỏi. Ở nhiệt độ lạnh âm 18 độ C,

vi khuẩn thương hàn vẫn sống được 6 tháng; tụ cầu vàng sống được 5 tháng. Còn ở độ lạnh âm 6 độ C như trong ngăn đông của nhiều tủ lạnh gia đình hiện nay thì sau 90 ngày các vi khuẩn tả, thương hàn, lỵ trực khuẩn, tụ cầu vàng, trực khuẩn coli… tuy có gặp khó khăn nhưng vẫn “sống bình yên”.

Trong thực phẩm đông lạnh, vi khuẩn không chết. Đông lạnh chỉ làm chậm quá trình ôi thiu và giúp bảo quản thực phẩm được lâu hơn. Thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ càng lạnh càng ngăn được hoạt động phá hoại của vi khuẩn và làm chậm quá trình thay đổi về mặt hóa học gây “biến chất”.

Thông thường các thực phẩm đông lạnh đều được yêu cầu giữ ở âm 18 độ C. Tuy nhiên, sau khi rời khỏi tủ đông của các siêu thị, độ lạnh này hầu như không được bảo đảm nữa. Do đó, khi mang về nhà bảo quản lâu, thực phẩm đông lạnh dễ bị hỏng. Khi chế biến thức ăn, nếu không chú ý có thể gây ra ngộ độc do thực phẩm đã biến chất và sự phát triển trở lại của vi khuẩn.

LƯU Ý

Quá trình bảo quản thực phẩm đông lạnh

Khi chọn mua thực phẩm đông lạnh, người tiêu dùng cần chú ý thời hạn bảo quản, nhiệt độ bảo quản và trạng thái của sản phẩm.

Theo thời hạn sử dụng được in trên bao bì sản phẩm, thông thường thịt đông lạnh có thể bảo quản 3 tháng ở nhiệt độ âm 18 độ C. Như vậy, sau khi xuất xưởng, nếu thực phẩm được liên tục bảo quản ở âm 18 độ C trong vòng 3 tháng, chất lượng vẫn được bảo đảm. Nhưng sau khi xuất xưởng, nếu không bảo đảm được độ lạnh bảo quản này, thực phẩm vẫn có thể bị biến chất khiến chất lượng bị giảm sút. Đó là do ở môi trường nhiệt độ thấp, tuy vi sinh vật không có điều kiện phát triển, nhưng hương vị của thực phẩm vẫn từ từ biến chất, các chất béo cũng bị ô xy hóa dần, các vitamin cũng bị phân giải và hạn sử dụng 3 tháng in trên bao bì không còn được đảm bảo nữa.

Rã đông thực phẩm đúng cách

Luôn bảo quản thực phẩm đông lạnh ở nhiệt độ quy định hoặc độ lạnh cao nhất trong ngăn đông của tủ lạnh gia đình, để giữ đúng được chất lượng sản phẩm và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.

Sử dụng hết một lần với thực phẩm đã được rã đông. Không nên cất sản phẩm đã rã đông để sử dụng tiếp những lần sau, vì rất dễ dẫn đến ngộ độc thức ăn.

Chú ý làm rã đông đúng cách. Tốt nhất là để thực phẩm trong ngăn mát của tủ lạnh cho rã đông dần dần. Không nên nóng vội cho vào nước nóng, đem đun lên hoặc ngâm nước.

Cần chế biến ngay khi thực phẩm đã rã đông và phải nấu thức ăn thật chín để đề phòng các loại vi khuẩn hoạt động mạnh trở lại sau khi thoát khỏi quá trình đông lạnh.

Tuyệt đối không ăn những thức ăn còn tái.

Chú ý ngày sản xuất và thời gian bảo quản của thực phẩm đông lạnh.

(Nguồn: Cục An toàn thực phẩm)

Khi mua thực phẩm về dùng, quá trình vận chuyển khiến thực phẩm gặp nhiệt độ môi trường cao. Lúc này, thực phẩm tuy không bị rã đông hoàn toàn nhưng cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra, tại gia đình, các ngăn làm đá ở tủ lạnh thường cũng không đạt độ lạnh trên (âm 18 độ C), trừ những tủ lạnh hiện đại, ngăn đông tủ lạnh của đa số gia đình hiện nay chỉ đạt độ lạnh âm 6 hoặc âm 8 độ C, nên việc đảm bảo chất lượng cũng kém hơn.

Vì vậy, khi chọn mua thực phẩm đông lạnh, người dùng cần xem ngày sản xuất và thời gian bảo quản, nên chọn sản phẩm có ngày sản xuất gần nhất, trong vòng 1 tháng trở lại.

Chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý: Nếu làm rã đông không đúng cách như: nhúng vào nước nóng, ngâm nước… có thể làm thực phẩm bị hư hỏng và mất các thành phần dinh dưỡng. Hoặc để rã đông quá lâu bên ngoài không khí khi thực phẩm đã hết độ cứng mà không chế biến ngay cũng làm thực phẩm bị hư hỏng nhanh chóng do các yếu tố bên ngoài môi trường tác động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.