Hướng dẫn viên du lịch ‘chạy’ không ngày nghỉ

02/07/2022 09:39 GMT+7

Đang vào tháng cao điểm của ngành du lịch , nhiều hướng dẫn viên 'chạy' không ngày nghỉ, hạnh phúc khi được 'nay đây mai đó'.

Là một hướng dẫn viên du lịch tự do tại TP.HCM, Võ Hữu Huy (25 tuổi, quê An Giang) hiện “chạy tour" (chuyến dẫn đoàn du lịch) liên tục không ngày nghỉ. Anh vừa kết thúc chuyến đi ở Phú Quốc thì tranh thủ về lại TP.HCM để sáng hôm sau khởi hành tiếp.

Huy trong chuyến dẫn tour ở miền Tây sông nước

NVCC

25 ngày dẫn đoàn liên tục

Theo Huy, từ tết đến tháng 6, anh nhận trung bình khoảng 5 tour trong một tháng. Hiện tại, đang vào mùa hè, cao điểm của những chuyến du lịch, dịch cũng lắng xuống nên trong tháng 6, anh Huy có đến 6 tour dài ngày, “chạy” suốt 25 ngày nên ít có thời gian nghỉ ngơi.

Thông thường, mỗi tour đều diễn ra trên 2 ngày và lưu trú ở những nơi xa TP.HCM, đa số đều cách thành phố trên 200 km. Anh Huy nhận khách theo đoàn, nghĩa là số lượng chục người trở lên, không chỉ có đoàn ở TP.HCM mà còn ở một số tỉnh thành khác nên tốn thêm thời gian di chuyển đến nơi đón, trả khách.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát năm ngoái, ngành du lịch “đóng cửa”. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, Huy làm nhiều công việc khác nhau như nhân viên nhà hàng, kỹ thuật công trình… Anh chọn làm việc bán thời gian để chờ ngày du lịch phục hồi có thể ngay lập tức quay lại công việc của mình.

Nhờ những mối quan hệ ở công ty mà anh hợp tác, cộng thêm lời giới thiệu từ đồng nghiệp trong nghề mà từ tháng 4 đến nay, công việc và thu nhập của Huy đã ổn định trở lại. “Tôi làm tự do nên không có lương cứng. Tuy nhiên, công tác phí cho ăn uống, di chuyển, lưu trú… trong những chuyến dẫn đoàn thường khoảng 400.000 - 500.000 đồng/ngày, do phía công ty mà tôi hợp tác chi trả”, Huy bật mí về thu nhập.

Thông thường sau mỗi chuyến đi, Huy sẽ được nghỉ 1 - 2 ngày nhưng nếu có đoàn khách mới “đặt hàng” thì hết tour cũ sẽ đi ngay tour mới. Mùa cao điểm du lịch nên tour dày đặc và sát nhau, do đó có khi anh phải đi liên tục 3 ngày mới được nghỉ một ngày để lấy lại tinh thần tốt nhất rồi “xách ba lô” và đi tiếp.

Một hướng dẫn viên du lịch sẽ kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ như nhận bàn giao tour từ công ty, làm quen với du khách, phân bổ các vật dụng cần thiết như khăn, nón, nước cho từng cá nhân, liên hệ nhà hàng - khách sạn, chuẩn bị thực đơn…

“Thuyết minh từng địa điểm mà khách đi qua, trò chuyện để giữ sự gần gũi, thân thiện với khách, liên tục hoạt náo từ âm nhạc, trò chơi để tạo không khí sôi động dù trên xe hay xuống địa điểm tham quan…”, Huy nói thêm.

Hoạt náo để giữ không khí sôi nổi là nhiệm vụ của hướng dẫn viên

NVCC

Một nghề “nay đây mai đó”

Tốt nghiệp chuyên ngành Việt Nam học (Trường ĐH An Giang), Huy được đào tạo nhiều kiến thức và kỹ năng về du lịch. Không chỉ học về văn hóa và du lịch nước nhà, anh còn nghiên cứu thêm về ngành liên quan như sử học, địa lý, kỹ năng dẫn chương trình, viết…

Anh Huy đã có thẻ hướng dẫn viên quốc tế để sẵn sàng đón khách nước ngoài

NVCC

Những chuyến đi thực tế miền Tây Nam bộ, lên vùng Tây Nguyên hay chuyến đi xuyên Việt trong quá trình học đại học khiến Huy thích thú và quyết gắn bó với công việc hướng dẫn viên du lịch ngay sau khi tốt nghiệp. “Sau chuyến đi thực tập vào mùa hè năm 2018, tôi bắt đầu nhận những tour đơn giản như tour dành cho học sinh về nguồn, ngắn ngày và di chuyển gần để cọ xát, học hỏi. Ngay khi tốt nghiệp năm 2019, tôi chọn theo nghề một cách chuyên nghiệp hơn”, Huy kể.

Nghề hướng dẫn viên phải “làm dâu trăm họ” khi không chỉ phục vụ nhiều người cùng một lúc mà còn phải chu đáo với từng cá nhân có tính cách, nhu cầu khác nhau. Thường xuyên xa nhà, ngày lễ càng khó về thăm, rong ruổi “nay đây mai đó” là chuyện bình thường với người theo nghề này.

Huy (ngoài cùng bên trái) trong những chuyến dẫn đoàn khách du lịch

NVCC

“Điều thú vị nhất ở nghề là được giới thiệu văn hóa, cái hay của từng địa điểm, vùng miền đến với khách du lịch. Đồng thời, tôi còn được đồng hành, sẻ chia những điều mình biết, giao lưu cùng mọi người trên mọi nẻo đường để chuyến đi của họ hoàn hảo nhất”, Huy chia sẻ.

Nam hướng dẫn viên du lịch còn học thêm khóa học về kỹ năng thuyết minh, dẫn chương trình, giao lưu và hoạt náo trên xe để theo nghề một cách bài bản sau khi đã tốt nghiệp. “Bạn trẻ muốn theo nghề hãy bắt đầu bằng việc học kiến thức và yêu cầu cơ bản trước, tham gia các chuyến thực tế ở trường lớp, đến thời điểm thực tập thì xin công ty cho làm hướng dẫn viên phụ để dần cứng cáp hơn với nghề…”, Huy chia sẻ.

Dù “chạy” không ngày nghỉ suốt tháng 6 nhưng khi bắt đầu với một đoàn khách mới, Huy lại rạng rỡ và đầy chuyên nghiệp. Để thấy sự thú vị trong nghề, nam hướng dẫn viên du lịch cho rằng phải có đam mê và nghiêm túc với nghề, hơn hết luôn giữ thái độ thân thiện, nhiệt tình và chăm sóc du khách chu đáo trong suốt hành trình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.