Hướng đến giảm chi phí xuất khẩu lao động cho người dân

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
27/12/2023 14:26 GMT+7

Năm 2023, Việt Nam có 150.000 người đi xuất khẩu lao động. Nhu cầu của người dân là rất lớn, tuy nhiên, chi phí để đi làm việc ở nước ngoài còn cao, nhiều người phải vay mượn, cầm cố tài sản...

Đây là một trong những thực trạng về xuất khẩu lao động được chỉ ra tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 27.12.

Ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động, cho biết ngoài việc phân tích, thảo luận chuyên sâu về thực trạng xuất khẩu lao động hiện nay, hội thảo còn nhấn mạnh về vai trò của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động. Khuôn khổ của sự kiện cũng tổ chức vinh danh 12 đơn vị xuất khẩu lao động tiêu biểu năm 2023 và phát động cuộc thi viết "Nâng bước người lao động".

Theo thông tin tại hội thảo, hiện có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 130.000 - 140.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Năm 2023, con số này đã vượt 150.000 người. Ước tính mỗi năm, lực lượng lao động này gửi về khoảng 3,5 - 4 tỉ USD kiều hối.

Hướng đến giảm chi phí xuất khẩu lao động cho người dân- Ảnh 1.

Hội thảo "Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 27.12

BTC

Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH TP.HCM, cho rằng xuất khẩu lao động không chỉ giúp bản thân người lao động và gia đình họ thoát nghèo, mà còn góp phần xây dựng quê hương. Tuy nhiên, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước T.Ư và địa phương về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đầy đủ; quản lý nhà nước còn phân tán, chồng chéo; một số cơ chế, chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ.

Điểm đáng lưu ý khác là chi phí đi làm việc ở nước ngoài hiện còn cao và chênh lệch và cao so với hoàn cảnh của người lao động, khiến nhiều người phải vay mượn, cầm cố tài sản. Trong khi đó, hoạt động cho người lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động còn một số bất cập về thủ tục và giải ngân.

Hướng đến giảm chi phí xuất khẩu lao động cho người dân- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước

BTC

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cũng thông tin hiện có hơn 500 doanh nghiệp được cấp phép đưa người Việt Nam lao động nước ngoài. Tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp làm không đạt.

"Chúng tôi muốn có những doanh nghiệp có bộ máy nhân sự lớn, mạnh về vật chất, đầu tư ra nước ngoài để an toàn cho người lao động. Ít nhất, doanh nghiệp đưa được 100 người đi làm việc nước ngoài mới xứng đáng. Ngoài ra, chúng tôi đang tiến đến mục tiêu tạo điều điện, giảm chi phí cho người lao động", ông Liêm nói.

Cũng nói về những bất cập trong xuất khẩu lao động hiện nay, ông Phạm Anh Thắng, Phó chánh Văn phòng, Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH tại TP.HCM, cho hay việc truyền thông chính sách cho địa phương chủ yếu do doanh nghiệp làm, trong khi đúng ra là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Chưa kể doanh nghiệp tư vấn cho người lao động còn gặp rào cản ở cấp huyện, xã; người dân tiếp cận nguồn tin chính thống về hoạt động xuất khẩu lao động còn hạn chế dẫn đến rủi ro bị lừa đảo, tiền mất tật mang.

Ngoài ra, ông Thắng cho rằng, cần có góc nhìn, tiếp cận khác về đưa người dân đi xuất khẩu lao động. Trước đây, người lao động tìm đến doanh nghiệp, thì nay doanh nghiệp phải tìm đến người lao động. "Do đó, thời gian tới phải nghiên cứu thu phí từ dịch vụ lao động chứ không phải thu từ người lao động", ông Thắng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.